Trong những ngày vui xuân, đón Tết, một thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình - đó là: cành đào, cây quất, cây cảnh các loại tùy từng sở thích và diện tích nhà của gia chủ mà mỗi gia chủ sẽ lựa chọn cho mình một loại cây cảnh phù hợp với mình. Lợi dụng điều này, không ít đối tượng đã làm cây cảnh giả được gắn keo, gắn đinh, buộc dây thép để lừa người mua…
Ăn theo mùa Tết
Trao đổi với anh Đỗ Hữu Vinh, quê gốc Nghi Tàm, Hà Nội là chuyên gia cây cảnh và là chủ cơ sở cây cảnh bán tại Trường Đại học Y tế Công cộng, Giảng Võ, Hà Nội từ nhiều năm nay cho biết: Nhiều người vì ham rẻ đã mua cây cảnh của những xe bán hàng rong, với chủ yếu là các mặt hàng cây cảnh như: sung, hải đường, lộc vừng và hoa trà my là những loại cây thường bị làm giả nhất. Anh Vinh chia sẻ thêm, cách thức làm giả của từng loại cây cảnh: Đối với cây sung, người mua nên để ý các đối tượng làm giả thường lấy chùm quả sung từ những cây sung to dính keo con voi 502 vào gốc cây sung đã được trồng vào chậu cảnh, sau đó lấy dây thép quấn buộc chùm quả, khoan lỗ vào thân cây, dùng keo 502 dính vào thân cây sung, tại phần dính vào thân, bơm thêm keo vào nhìn cứ tưởng như là nhựa cây sung nhưng thực chất không phải vậy. Anh cho biết thêm, để trồng một cây sung và có quả chi chít trong một chậu cảnh thật sự rất khó, rất lâu. Đối với các loại cây khác như lộc vừng, hải đường, hoa trà my và một số loại hoa cảnh khác, các đối tượng cũng làm giả như vậy, dùng keo và đinh để dính vào gốc, thậm chí có những cây này gắn hoa của cây khác nhìn rất đẹp để đánh lừa người mua.
Một hàng xe rong bán cây cảnh dịp cận Tết.
“Về giá cả có thể rẻ hơn so với các cơ sở kinh doanh cây cảnh, nhưng về hiệu quả sử dụng không bền, nhanh hỏng”, anh Đỗ Hữu Vinh khẳng định. Nếu người mua trả giá thấp hơn nữa thì họ sẵn sàng bán nhanh, chứ để đến hôm sau e rằng các cây cảnh bị làm giả này sẽ xuống mã, thậm chí héo…; Tuy vậy, để nhận biết thật - giả, anh Vinh khuyến cáo mọi người nên xem xét kỹ các đầu mối ở các gốc hoa, gốc quả để phát hiện việc các đối tượng dùng keo, đinh, dây thép để nối. Mặt khác, nên tìm đến các cơ sở kinh doanh hoa, cây cảnh có uy tín để mua vì có bảo hành, thậm chí muốn thay đổi cũng được, còn nếu như mua của các hàng bán rong thì rất khó đổi, vừa mất tiền lại mang bực tức vào người.
“Tiền nào của ấy”
Anh Nguyễn Bình Can, nhà ở B9 Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết, sau khi dọn dẹp, lau chùi, sửa sang nhà cửa là hai vợ chồng đèo nhau đi mua sắm cây cảnh Tết. Trao đổi với chúng tôi, anh vừa ấm ức vừa tự trách mình, đúng là “tiền nào của ấy”, thì ra là trên đường đi sắm cây cảnh trang hoàng cho gia đình, anh chị gặp một xe đạp chở cây cảnh bán rong, nhìn thấy cây sung chi chít quả rất bắt mắt, anh liền dừng xe mua ngay với giá 400.000 đồng với ý nghĩa ngày Tết này cả nhà sung túc đầm ấm. Thế nhưng 2 ngày sau, các chùm quả sung cứ bị đen dần, rồi khô dần và rụng, mặc dù thân cây và lá vẫn xanh, khi thò tay để bẻ những quả đen bỏ đi thì cả chùm quả bong ra trơ cả đinh, anh bèn bẻ các chùm quả khác thì cũng không khác gì, bực mình, anh mang cả chậu cây sung cảnh vứt ra góc vườn.
Cùng cảnh như anh Can, anh Trần Việt Anh (Thanh Lương, Hà Nội) chia sẻ, vợ anh mua chậu cây hải đường khá đẹp, lá xanh lại nhiều nụ, nhiều hoa, bê về nhà, hai vợ chồng đang kê chỉnh thì đã có hoa rụng xuống lòi cả đinh ra, kiểm tra thêm mới phát hiện 2/3 số hoa, nụ đều được gắn bằng keo và đinh, hỏi ra mới biết vợ anh đã mua từ một hàng rong trên đường. Chủ hàng hét giá 300.000 đồng nhưng sau vài câu mặc cả, giá 120.000 đồng đã đồng ý bán. Tiếc mà không làm gì được, mua của hàng rong, giờ có muốn tìm để bắt đền cũng khó. Chị Hoa - vợ anh Việt Anh cho biết thêm, chị không phải là khách hàng duy nhất mua của chủ xe bán rong này.
Anh Mai Tiến Thi, chủ cửa hàng kinh doanh cây cảnh ở phố Hoàng Hoa Thám cho biết: Thường các loại hoa hải đường, hoa trà và lộc vừng là những loại cây được làm giả nhiều nhất, đặc biệt là hải đường trồng trong chậu bán sẵn. Để trồng được một cây cảnh đưa vào chậu muốn có hoa, quả, nụ phải được chăm sóc trong điều kiện đặc biệt với các loại phân bón, đất, nước phù hợp từng giai đoạn. Do đó, giá bán của những loại cây này không hề rẻ, thậm chí còn lên tới tiền triệu. Đối với cây cảnh giả thì người bán không cần mất công đến vậy. Do các hàng bán rong chỉ xác định “lấy lãi 1 lần” nên thường bất chấp chiêu trò để bán được cây, người mua nếu không sờ tận tay, thậm chí không bứt thử hoa, nụ sẽ rất khó phát hiện.
Còn khoảng hơn 10 ngày nữa mới đến Tết nên các loại cây cảnh được tiêu thụ mạnh. Vì vậy, mọi người cần thận trọng khi lựa chọn các loại cây cho phù hợp và nên đến các cửa hàng hoa có uy tín để mua, tránh mua của các hàng bán rong, vừa mất tiền lại chuốc thêm bực tức không đáng có.
Trần Hòa