Theo y học cổ truyền, bồ cu vẽ vị đắng, tính hàn, có độc. Có công năng thanh thấp nhiệt, hóa ứ trệ tiêu viêm ở trong và ngoài cơ thể. Dùng chữa đinh nhọt sưng đau, chốc đầu, lở loét ngoài da, chàm, viêm âm đạo, lở sơn, đầu gối sưng đau, chấn thương. Còn dùng chữa viêm họng, viêm dạ dày ruột, viêm khí quản.
Cây bồ cu vẽ dùng đường uống liều cao có thể gây suy gan thận, hôn mê. |
Một số cách dùng bồ cu vẽ làm thuốc:
- Chữa đinh nhọt: Lá tươi bồ cu vẽ giã nhuyễn, đắp lên nhọt.
- Chàm viêm da dị ứng, ngứa: Dùng cành lá nấu nước rửa hoặc lá tươi giã nhuyễn lấy nước cốt rửa.
- Vết thương lở loét: Lá bồ cu vẽ tươi 30g, cỏ nhọ nồi (cỏ mực) 10g giã nhuyễn đắp.
- Rắn, rết, nhện… cắn: Giã lá tươi bồ cu vẽ để đắp.
- Viêm khí quản mạn tính: Lá bồ cu vẽ tươi 30g, lá tầm song tươi 15g, lá xoài tươi 15g, đường đỏ 10g, sắc uống ngày chia 2 lần. Một liệu trình 10 ngày.
Chú ý: Dùng uống phải thận trọng, nhất là với người già, trẻ em, phụ nữ có thai. Nên dùng phối hợp một số vị khác… Không nên uống một mình bồ cu vẽ.
Ở trường hợp uống vào thấy váng đầu mệt lả, nôn nao dạ dày thì phải ngừng ngay không uống tiếp. Mới đây, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đã cấp cứu một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy gan thận bởi trước đó uống nước sắc bồ cu vẽ quá liều chữa viêm đại tràng mạn tính.
BS. Phó Đức Thuần