Tôi ao ước một lần được ra thăm đảo Trường Sa để tận mắt nhìn thấy cây bàng vuông, nghe nói hoa và quả bàng vuông rất đẹp, cho nên những người lính Trường Sa trước khi rời đảo ai cũng mong muốn trong ba lô của mình có một quả bàng để làm kỷ niệm với huyện đảo mà mình đã sống và bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Quả bàng vuông là một món quà rất quý và độc đáo.
Nói đến Trường Sa là nói đến cây phong ba, cây bão táp, những loài cây mà chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ biết sức chịu đựng kiên cường của nó như thế nào trước sự khắc nghiệt của thời tiết để mang lại màu xanh cho đảo. Đặc biệt, ở Trường Sa có cây bàng vuông, một loài cây cũng có sức sống mãnh liệt bên cạnh cây phong ba, cây bão táp.
Bàng vuông là loài cây thường gặp trong các rừng đước ở Malaysia và các vùng đất ngập mặn như vùng Kuching và Vườn quốc gia Bako. Tại Malaysia, bàng vuông được gọi là Putat laut hoặc Butun, đây là loại cây gỗ thân nhỏ tới vừa, cao khoảng 7-25m, lá đơn, mọc cách, phiến lá hình trứng ngược, dài 20-40cm, rộng 10-20cm. Lá rụng vào mùa đông. Hoa bàng vuông màu trắng, mọc thành chùm ở đầu cành, dài 10-20cm, đây là loài hoa lưỡng tính. Quả của các loài cây thường là hình tròn, riêng quả bàng Trường Sa có hình vuông đường kính khoảng 9-11cm, hình đèn lồng 4 hoặc 5 cạnh vuông, bên trong quả là lớp xơ xốp dày bao bọc một hạt có đường kính 4-5cm. Quả bàng vuông phát tán để sinh trưởng bằng cách quả già, tự rụng trôi nổi trên biển, nó có thể trôi nổi đến 2 năm mà không bị hỏng. Đây là một trong những loài thực vật đầu tiên di cư đến Anak Krakatau khi núi lửa này xuất hiện lần đầu sau vụ nổ Krakatau.
Tất cả các phần của cây bàng vuông đều có độc tính, trong các chất độc có cả chất saponin. Hạt bàng vuông từng được xay thành bột để làm nguyên liệu đánh bắt cá.
Ở Thủ đô Hà Nội cũng có một cây bàng Trường Sa đang xanh tốt trong khuôn viên của Bảo tàng Quân đội.
Dưới tán cây bàng Trường Sa. |
Cây bàng vuông, một loài cây có sức chịu đựng kiên cường trước phong ba bão táp, trước sự khắc nghiệt của thời tiết mang lại màu xanh cho đảo thế mà đã không thể chịu nổi cái rét khủng khiếp của đất liền, trong đợt rét đậm, rét hại hồi cuối năm 2007. Cây bàng đã héo lá, khô thân. Thiếu tướng, Anh hùng Lê Mã Lương là người lo lắng nhất. Vị giám đốc đã chỉ huy “cứu” bằng được cây bàng Trường Sa - một kỷ niệm thiêng liêng của người lính, của hải đảo với đất liền. Cây bàng Trường Sa không phụ lòng người. Dưới nắng ấm Ba Đình lịch sử, với bàn tay chăm sóc của người lính, cây bàng đã hồi sinh, trổ lộc tươi non. Nếu không có đợt rét đậm ấy thì năm nay cây bàng đã nở hoa bói quả. Nhìn những tấm lá bàng tươi non mơn mởn tôi lại nghĩ đến mỗi dịp xuân về, thiếu lá dong, lính đảo ta dùng lá bàng vuông này để gói bánh chưng đón Tết.
Được Anh hùng Lê Mã Lương kể nhiều kỷ niệm xúc động, tôi đã nảy ra ý định theo dõi sự xanh tươi của kỷ niệm đẹp này. Cứ mỗi lần ghé thăm bảo tàng, tôi thu vào ống kính hình ảnh của cây bàng đang sống trong lòng Hà Nội như dõi theo đứa trẻ đang lớn. Cây bàng Trường Sa có một không hai này đang sống trên đất Hà Nội ngàn năm văn hiến, đã đón mùa xuân thứ 10 giữa lòng Thủ đô.
Vũ Thanh Nhàn