Phần 1: Cây bàng - Người bạn thân thiết
Trong khuôn viên của Nhà tù Hỏa Lò trước đây có khá nhiều cây bàng, theo như lời kể của một số cựu tù chính trị thì: “Không biết người nào trong số những tù lao dịch khổ sai đã có sáng kiến bứng về một cây bàng non và xin được trồng trong sân nhà tù lấy bóng mát. Thấy cũng có lợi, giám thị đề lao gọi điện cho Sở ươm cây và trồng hoa. Từ đấy, trong sân Nhà tù Hỏa Lò lần lượt mọc lên những cây bàng. So với bàng trồng trên sân đình, đền, sân trường học... luôn xum xuê, tươi tốt thì những cây bàng trồng trong Nhà tù Hỏa Lò luôn gầy guộc, khẳng khiu. Nhưng với người tù Hỏa Lò, những cây bàng là bạn bè vô cùng thân thiết”.
Về mùa hè, tán bàng xòe lá làm dịu mát không khí ngột ngạt trong đề lao. Búp non, nhân trong quả bàng chín là nguồn cung cấp vitamin; Lá bàng là nguồn dược liệu (lá bánh tẻ sau khi hơ nóng dùng để chườm, bóp những chỗ đau rất hiệu quả); Vỏ cây được dùng để sắc nước uống chữa khỏi bệnh đường ruột; Cành bàng khô rụng xuống cũng được người tù tận dụng làm quản bút, làm đôi đũa ăn cơm…
Có một người tù chính trị mà sau này đã trở thành một cán bộ lãnh đạo cấp cao của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã giành cho những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò một tình cảm đặc biệt, đó chính là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Sỹ Huynh, quê Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Sỹ Huynh tham gia hoạt động cách mạng và bị thực dân Pháp bắt năm 1943, đưa về giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Sỹ Huynh kể lại: “Điều gây cho tôi ấn tượng rất mạnh là được ăn mấy quả bàng chín. Hỏi ra mới biết, trong Nhà tù Hỏa Lò có một số cây bàng vừa che nắng mùa hè, vừa cho quả chín mùa đông làm thuốc trị bệnh suy dinh dưỡng cho anh em tù nhân mới ốm dậy. Thật cảm động, khi những tù mới đến là chúng tôi được món quà đãi đặc biệt này”.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Huynh thời kỳ còn hoạt động cách mạng.
Những ngày sống trong Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Nguyễn Sỹ Huynh bị sốt cao liên miên, phải nằm ba tháng ở bệnh xá mà bệnh tình vẫn không giảm. Cho tới một ngày, thấy đồng chí quá yếu, viên y sĩ người Pháp đã ra lệnh đưa đồng chí xuống nhà xác, chờ mang đi chôn. Nhưng không ngờ, sau một tuần đồng chí vẫn còn thoi thóp, chính viên y sĩ người Pháp lại cho đồng chí Huynh trở về bệnh xá.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Huynh kể: “Anh em trong trại được tin, đã gửi cho tôi thuốc và đặc biệt gửi cho nhiều quả bàng chín. Lúc đó quả bàng đúng là loại “thuốc bổ hồi sinh” giúp tôi hồi phục dần dần”. Theo quy định của Ban Sinh hoạt, khi được ra sân, anh em tù nhặt, rửa sạch những quả bàng chín, chuyển cho tổ y tế bảo quản và phân phối theo yêu cầu bồi dưỡng bệnh nhân ốm yếu. Mỗi ngày, đồng chí Huynh được nhận từ 4 đến 5 quả bàng chín, ăn cả vỏ lẫn nhân. Người bạn tù cùng bị dẫn giải từ Đà Nẵng ra với đồng chí Huynh là Nguyễn Đậu Tân bị tê phù, không đi lại được cũng nhờ anh em chăm sóc bằng rau giá làm từ đỗ xanh và những quả bàng chín, đã dần dần hồi phục, đi lại bình thường.
Cây bàng được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trồng tại sân trại giam nữ.
Có thể nói, những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò đã góp phần không nhỏ, lập bao chiến công âm thầm trong các cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù. Dưới tán lá bằng xanh mát là địa điểm hội ý chớp nhoáng; Bên gốc bàng sù sì là nơi đặt hòm thư mật; Ngọn bàng vươn cao tựa như “Ngọn hải đăng” trong Nhà tù Hỏa Lò, để người bên ngoài nhìn vào đó có thể xác định được những vị trí bên trong nhà tù.
Cây bàng duy nhất của Nhà tù Hỏa Lò nay còn được giữ lại ở sân trại E, đã ngót trăm tuổi. Và một cây bàng mới được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trồng trong sân trại nữ, thay thế cho cây bàng cũ đã không còn. Nhờ được chăm sóc cẩn thận, chu đáo, hai cây bàng luôn xanh tươi, tạo bóng mát cho khu di tích. Và đặc biệt hơn, những chiếc lá bàng với đủ các sắc màu: xanh, vàng, đỏ cùng những quả bàng chín trước đây là những bài thuốc quý, là chất vitamin cứu sống những người tù thì nay đã trở thành những sản phẩm lưu niệm, những món quà ý nghĩa dành tặng cho du khách khi đến với di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò hôm nay.