Sau 5 tháng thi công, sáng 21/5, Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội thông xe cầu vượt nhẹ Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh (Cầu Giấy, Hà Nội). Cầu vượt do Ban quản lý dự án Thăng Long - Bộ Giao thông làm chủ đầu tư.
Cầu dài 595,7 m gồm phần cầu và đường dẫn. Trong đó, phần cầu vượt gồm hai làn xe, bề rộng 9 m, cho phép phương tiện chạy với tốc độ 40 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn dư của dự án đường Vành đai 3, giai đoạn 2 do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Mặt cầu rộng 9 m, chia thành hai làn xe cơ giới. Nhà thầu được chỉ định thi công là Tổng công ty Thăng Long.
Cầu vượt cấm xe đạp, người đi bộ và các loại xe tải. Theo ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư), cầu vượt được áp dụng công nghệ thi công móng cọc thép xoay tròn với nhiều ưu điểm có thể làm trong điều kiện mặt bằng chật hẹp, giảm tiếng ồn, độ rung chấn thấp, không gây ô nhiễm môi trường.
Cầu vượt sử dụng kết cấu gồm 5 nhịp dầm hộp thép bê tông liên hợp, bản mặt cầu bê tông cốt thép đổ tại chỗ dài tối thiểu 200 mm được liên kết với dầm thông qua các neo chống sắt. Trụ cầu dạng tròn bằng bê tông cốt thép, kết cấu móng cọc ống thép xoay tròn.
Sau khi thông xe cầu vượt, vào giờ cao điểm sáng nay, ngã tư Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám không còn diễn ra cảnh ùn ứ. Phát biểu tại lễ thông xe, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, công trình cầu vượt nhẹ đưa vào khai thác sẽ góp phần rất lớn trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực nút giao Trung Hòa.
Trước đó, TP Hà Nội đã đưa vào hoạt động 7 cầu vượt thép như cầu vượt Tây Sơn - Chùa Bộc, Láng Hạ - Thái Hà, Lê Văn Lương - Láng, Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt và Nam Hồng - Mai Dịch - Nội Bài. Những cầu vượt này đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả và là một trong những giải pháp tốt của Hà Nội giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở các nút giao trọng điểm.