Hà Nội

Cầu Vĩnh Tuy nứt do bê tông biến dạng nhiệt không đều

07-06-2014 11:25 | Thời sự
google news

Các chuyên gia Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông đã thống nhất nguyên nhân gây nứt trụ cầu Vĩnh Tuy không phải do kết cấu chịu lực, mà từ biến dạng nhiệt không đều của bê tông.

Các chuyên gia Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông đã thống nhất nguyên nhân gây nứt trụ cầu Vĩnh Tuy không phải do kết cấu chịu lực, mà từ biến dạng nhiệt không đều của bê tông.

Ngày 5/6, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội họp đánh giá nguyên nhân sự cố nứt trụ cầu Vĩnh Tuy. Các bên đã thống nhất với nhận định của đơn vị tư vấn kiểm định độc lập (Công ty tư vấn triển khai công nghệ và xây dựng giao thông - ĐH Giao thông Vận tải) và Công ty Tư vấn thẩm tra của Nhật Bản (TTES) về nguyên nhân gây nứt trụ cầu không phải do kết cấu chịu lực mà chủ yếu bắt nguồn từ biến dạng nhiệt không đồng đều của bê tông.

Theo đơn vị tư vấn, trụ cầu Vĩnh Tuy được thiết kế với kết cấu bê tông có kích thước lớn, khi thi công phát sinh lượng nhiệt lớn trong lòng khối đổ, trong khi đó các biện pháp phòng chống phát sinh nhiệt độ cao và chênh lệch nhiệt độ không được thực hiện. Tác động của sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm môi trường và từ tính biến bê tông dưới tác động của tải trọng trong quá trình sử dụng đã làm tăng thêm độ mở rộng vết nứt.

  • ong-Dung-8233-1393413061-7149-1402105409
    Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khảo sát vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Đoàn Loan.

Chuyên gia cũng nhận định vết nứt không ảnh hưởng tới sự vận hành của cầu. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan phải có phương án kỹ thuật xử lý để tránh hư hại và ảnh hưởng tuổi thọ công trình, việc xử lý phải hoàn thành trước mùa lũ 2014.

Tuần tới, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Thủ tướng nguyên nhân chính thức và việc xử lý vết nứt của cầu Vĩnh Tuy.

Cuối tháng 2/2014, trụ T22 của cầu Vĩnh Tuy đã xuất hiện vết nứt theo chiều dọc cả hai mặt trụ. Mặt trụ phía Vĩnh Tuy, vết nứt bắt đầu phần rỗng của thân trụ kéo lên phía trên khoảng 10 m, chiều rộng vết nứt lớn nhất ở phía dưới 2 mm. Mặt phía Long Biên vết nứt tương tự, chiều rộng 0,3 mm, dài khoảng 8 m. Ngoài ra trụ T23 cũng xuất hiện nứt ở vị trí tương tự trụ T22 dài khoảng 2-3 m.

Sau chỉ đạo của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Sở Giao thông Hà Nội đã thuê tư vấn kiểm định độc lập là Công ty Tư vấn triển khai Công nghệ và Xây dựng giao thông (Đại học Giao thông Vận tải) để thực hiện việc kiểm định, xác định nguyên nhân gây nứt trụ T22 và đề xuất phương án xử lý. Đồng thời để đảm bảo khách quan, Sở đã thuê Công ty Tư vấn TTES Nhật Bản để thẩm tra kết quả kiểm định.

 


Ý kiến của bạn