Đây là một trong những hoạt động trong Hội thảo "Cập nhật tiến bộ trong phẫu thuật nội soi khớp điều trị chấn thương và chấn thương thể thao" được Bệnh viện hữu nghị Việt Đức tổ chức sáng 13/4 tại Hà Nội.
Hiện nay, chấn thương thể thao là một trong những vấn đề thường gặp trong phẫu thuật chỉnh hình. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các kỹ thuật hiện đại trong y học, phẫu thuật nội soi đã và đang là một kỹ thuật không thể thiếu trong điều trị các bệnh lý ngoại khoa của nhiều chuyên ngành khác nhau. Các phương pháp phẫu thuật nội soi khớp ít xâm lấn dần thay thế phẫu thuật mở trong chấn thương chỉnh hình như phẫu thuật nội soi khớp gối, phẫu thuật nội soi khớp vai…. Đây là những kỹ thuật được áp dụng và có tính ứng dụng cao, giảm thiểu các tai biến phẫu thuật trong điều trị các chấn thương và chấn thương thể thao.
PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức phát biểu tại hội thảo
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết, với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật tiến bộ các kỹ thuật mới trên thế giới trong điều trị chấn thương và chấn thương trong thể thao, hội thảo "Cập nhật tiến bộ trong phẫu thuật nội soi khớp điều trị chấn thương và chấn thương thể thao" là cơ hội để các y bác sĩ Việt Nam được cập nhật kiến thức, tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến nhất từ chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm trong phẫu thuật khớp của Ireland, BS Mark Ferguson.
BS Mark Ferguson mổ trình trực tuyến tới 18 điểm cầu phía Bắc
Cũng trong hội thảo, BS Mark Ferguson cùng các y bác sĩ Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức đã mổ trình diễn cho một bệnh nhân bị chấn thương thể thao. Điểm đặc biệt là ca phẫu thuật được truyền trực tiếp tới 18 điểm cầu là các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực phía Bắc để các y bác sĩ ở khắp các tỉnh được cùng nhau trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong phẫu thuật nội soi khớp điều trị chấn thương và chấn thương thể thao.
Kỹ thuật nội soi mới giúp người bệnh hồi phục nhanh
Bệnh nhân nam , 42 tuổi, tên là Hoàng Kim S. (Nhân Chính, Hà Nội), bị ngã cách đây gần 3 tuần vào viện do đau khớp vai phải sau khi chơi thể thao bị ngã. Chị Tô Lan P., vợ anh S cho biết, sau khi ngã ở tư thế vai đập xuống sàn, anh S. đau, buốt nhiều ngày. Gia đình đã đưa anh đi điều trị ở một số nơi nhưng không đỡ, anh chỉ cử động được từ phần khuỷu tay trở xuống, còn từ khớp vai đến khuỷu tay, anh gần như không vận động được. Điều này làm anh rất đau và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, khi ăn uống anh phải dùng tay trái để đỡ tay phải mới vận động được.
PGS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức
PGS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết, hình ảnh cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân bị tổn thương khớp vai do rách chóp xoay khớp vai, ngoài ra bệnh nhân còn rách gân cơ trên gai, dưới gai, có xuất hiện tràn dịch khớp vai nặng. Bác sĩ Mark Ferguson đã tiến hành phẫu thuật nội soi khớp vai cho bệnh nhân với sự hỗ trợ của robot. Trong quá trình nội soi, phẫu thuật viên có thể đánh giá tổn thương, chẩn đoán chính xác 100% và điều trị ngay trong quá trình mổ. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi vừa chẩn đoán và xử lý chính xác, hơn nữa đây lại là một kỹ thuật ít xâm lấn, vết mổ rất nhỏ, và bệnh nhân hồi phục sớm.
BS Mark Ferguson cho biết, với kỹ thuật nội soi trước đây, chỉ cần 1 vít hoặc 2 vít để cố định vào xương khâu chóp xoay bị rách tuy nhiên vẫn có khả năng gân bị xoay. Còn với kỹ thuật mới này, cố định gân rất chắc giúp người bệnh vận động được sớm hơn.
Tìm hiểu kỹ môn thể thao trước khi tập để tránh chấn thương
PGS Khánh cho biết, bất cứ môn thể thao nào khi tập, con người đều có thể “dính” chấn thương kể cả những môn tập rất nhẹ nhàng như yoga. Tốt nhất, mỗi người khi lựa chọn một môn thể thao để tập luyện cần tìm hiểu kỹ xem môn thể thao đó có phù hợp với sức khỏe và thể trạng của mình hay không. Cần tìm hiểu thật kỹ môn thể thao đó có tác động tới cơ thể thế nào. Trước khi tập cần khởi động để tránh chấn thương không đáng có.
Nếu gặp bất cứ triệu chứng nào như đau nhức, đau buốt sau ngã, lục khục khớp, đau bất thường sau tập thể thao, không thể cử động được một tư thế nào đó …. người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán và xử trí chính xác nhất.