Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 -1700) sinh tại làng Phúc Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (nay thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Ông là con thứ ba của Tiết chế Chiêu Võ hầu Nguyễn Hữu Dật. Nguyễn Hữu Cảnh sinh ra trong hoàn cảnh nước nhà đang thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Từ nhỏ ông nổi tiếng thông minh, học giỏi, văn võ toàn tài và sớm có chí lập thân, lập nghiệp. (hình ảnh tượng thờ Nguyễn Hữu Cảnh tại Đồng Nai, nguồn: internet).
Nguyễn Hữu Cảnh theo cha tham gia nhiều trận mạc, lập nhiều chiến công, được nhiều người kính trọng, nể phục, được Chúa Nguyễn trọng dụng, phong tước Lễ Thành hầu và giao giữ chức Cai cơ. Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn có tài điều hành, tổ chức và thu phục nhân tâm. Năm Nhâm Thân (1692) Chúa Nguyễn phái ông làm Thống binh vào phương Nam kinh lược để tổ chức, ổn định lại bộ máy ở vùng đất vừa mới được bình định.
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mất năm Canh Thìn (1700), được an táng tại Cù Lao Phố, cạnh dinh Trấn Biên, Đồng Nai. Đến năm 1802, di hài của ông được hậu duệ cải về an táng tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Do chiến tranh loạn lạc, ngôi mộ của ông một thời gian dài không được hương khói, dẫn đến thất lạc.
Dòng họ Nguyễn Hữu qua nhiều đời vẫn lưu truyền câu “thiệu” về vị trí mộ của Nguyễn Hữu Cảnh như sau: “Thượng An Mã, hạ đùng đùng, trung trung nhất huyệt” (phía trên là núi An Mã, phía dưới là phá Hạc Hải (hạ nguồn sông Kiến Giang) chính giữa là phần mộ). Dựa theo nội dung câu "thiệu" này, hậu nhân dòng họ Nguyễn Hữu xác định được vị trí tương đối của khu mộ. Sau một thời gian dài tập trung tìm kiếm tại khu vực trên, năm 1995, con cháu tìm lại được ngôi mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Hiện khu lăng mộ của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tọa lạc trên một ngọn đồi cao, không gian rộng rãi thoáng mát, tựa lưng vào dãy núi An Mã thuộc và hướng nhìn ra sông Kiến Giang. Ngôi mộ được được bao quanh bởi rừng keo tràm và nhiều nhà dân.
Bia mộ Nguyễn Hữu Cảnh được tạc bằng đá xanh cao khoảng 1,2m, mặt trước của bia khắc 3 dòng chữ Hán. Trong đó có nội dung quan trọng được dịch là "Người mở mang đầu tiên miền Nam bậc khai quốc thần thượng cấp của triều Nguyễn".
Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được trùng tu lớn vào năm 2013. Khu lăng mộ này mang diện mạo mới với nhiều hạng mục được xây dựng bằng đá bề thế.
Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây không chỉ là một điểm đến ý nghĩa đối với du khách khi tham quan Quảng Bình, mà còn là nơi giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ mai sau.