Cầu Thăng Long “lung lay” vì nạn cát tặc

06-04-2011 18:28 | Xã hội
google news

Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm sắp vào hè, khi mực nước sông Hồng bắt đầu rút cạn cũng là lúc hàng chục chiếc tàu hút cát trái phép như một lũ chuột xù xì lại ùn ùn kéo về khu vực dưới chân cầu Thăng Long

Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm sắp vào hè, khi mực nước sông Hồng bắt đầu rút cạn cũng là lúc hàng chục chiếc tàu hút cát trái phép như một lũ chuột xù xì lại ùn ùn kéo về khu vực dưới chân cầu Thăng Long (thuộc địa phận 2 xã Võng La và Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) để thi nhau gặm nhấm cát ven sông. Dân chúng thì đang kêu cứu từng ngày trong khi chính quyền địa phương lại tỏ ra bất lực

 Tàu hút cát ngang nhiên hoạt động.

Khoét sông, khoét cả… di tích

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyển (thôn Yên Hà, xã Hải Bối) sống ven sông Hồng thì việc khai thác cát trái phép được tiến hành ngang nhiên ngay giữa ban ngày. Buổi sáng chúng thường hoạt động từ 5-11h, còn buổi chiều từ 14 -17h. Tàu này hút đầy cát chở đi lại có tàu khác đến. Có khi hàng loạt tàu đến hút cát cùng một lúc. Hầu như lúc nào khu vực này cũng có tiếng ồn của động cơ máy nổ, máy hút cát.

Điều ông Tuyển và những hộ dân khác ở thôn Yên Hà lo ngại nhất không phải là vấn đề tiếng ồn mà chính là nguy cơ sạt lở bờ sông do việc hút cát gây ra. Ông Tuyển cho cho biết, mỗi tàu hút cát ở đây có dung tích từ 100 -150m3. Có tàu lên đến 200m3. Mỗi ngày một chủ tàu có thể hút được từ 7-10 chuyến. Tính sơ sơ mỗi ngày có đến hàng chục ngàn khối cát ở khu vực này bị rút ruột. Với công suất ấy thì bờ sông không lở mới là chuyện lạ. Bên ngoài bị đào xuống thì bên trong bắt buộc phải lở thôi. Vườn nhà ông Tuyển rộng khoảng 300m2. Trước đây kéo dài ra bên ngoài bờ tre gần 20m. Thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, toàn bộ bãi đất bồi ấy đã bị nước sông nuốt chửng. Thậm chí một số bụi tre ngăn nước nằm phía bên ngoài cũng bị hà bá nhổ bật gốc cuốn phăng đi. Để đối phó, ông Tuyển đã phải huy động người nhà dùng dây thép buộc chằng các bụi tre lại với nhau mới có thể giữ được. Tuy nhiên đấy chỉ là biện pháp tình thế. Ông Tuyển lo ngại, nếu cứ tình trạng này, sẽ không lâu nữa, ngay cả những bụi tre sâu trong vườn cũng bị đánh bật. Khi ấy thì tất cả sẽ theo nhau chìm nghỉm dưới nước sâu. Ông Tuyển và những người dân có đất ven sông ở Yên Hà đã nhiều lần phản ánh lên thôn, xã đề nghị giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. “Ở Yên Hà này có khoảng gần 100 nhà có đất ven sông. Tất cả chúng tôi đều sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ” - ông Tuyển bức xúc.

Không chỉ khu vực thôn Yên Hà, xã Hải Bối bị ảnh tưởng bởi nạn sa tặc mà “hàng xóm” là xã Võng La cũng bị quấy nhiễu. Đặc biệt là điểm giáp ranh giữa hai xã, nơi có chùa Võng La, một di tích lịch sử đã được xếp hạng. Sư thầy Đại Đức Thích Đàm Hậu, ở chùa Võng La bức xúc: “Gần chục năm nay, năm nào chúng tôi cũng bị “tra tấn” bởi tiếng ồn của tàu hút cát. Khu đất trước cửa chùa thì năm nào cũng bị lở”.

Được biết, chùa Võng La (còn có tên khác là chùa Chài) được Bộ Văn hoá và Thông tin cấp giấy chứng nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 13/2/2009. Nơi đây trước kia là một căn cứ địa cách mạng quan trọng. Nạn sa tặc không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian thanh tịnh nơi cửa chùa mà còn đe doạ trực tiếp đến phần diện tích “đất thiêng” của di tích này. Trước nguy cơ sạt lở, các sư thầy trong chùa và nhiều bô lão trong làng đã tự bỏ tiền túi, thuê máy xúc đắp cao tại khu vực đất bị sạt lở, đồng thời trồng tre bao quanh nhưng cũng không mấy hiệu quả. Tại phần diện tích mới đắp này, chúng tôi quan sát được rất nhiều vết nứt to, sâu. Một số chỗ đã có hiện tượng đất bị chảy xói xuống sông. Sư thầy Thích Đàm Hậu cho rằng, nếu không sớm dẹp bỏ nạn hút cát trái phép tại khu vực trước cửa chùa, nguy cơ di tích này bị sụt lún là hoàn toàn có thể xảy ra.

 Cát tặc  ngang nhiên hoành hành ở gần chân cầu Thăng Long (Hà Nội).

Chính quyền xã chờ… cảnh sát

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn  Đình Phúc, Phó Chủ tịch xã Hải Bối cho biết, UBND xã Hải Bối có nhận được ý kiến phản ánh của người dân thôn Yên Hà cách đây nửa tháng: “Ngay khi nhận được tin báo, chúng tôi đã đi kiểm tra thực tế và đã có phản ánh lên Công ty Quản lý khai thác đường sông và Đội Cảnh sát giao thông đường thủy Hà Nội. Không biết tình trạng đó các anh xử lí thế nào”. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao từ khi nhận được tin báo của người dân đến nay, chính quyền xã vẫn không có phương án xử lí đình chỉ những trường hợp vi phạm, để cho tình trạng vẫn tiếp tục tái diễn, ông Phúc lại giải thích rằng, việc này nằm ngoài khả năng của UBND xã: “Việc xử lí đình chỉ thì xã không làm được. Các phương tiện hút cát đều cách bờ khoảng 80-90m, trong khi xã chúng tôi không có phương tiện đi lại. Hơn nữa những tàu hút cát này không phải tàu của người trong xã và cũng không hút cát đổ lên địa bàn xã mà chở đi nơi khác nên xử lí cũng khó”.

Đồng quan điểm với ông Phúc, Phó Chủ tịch xã Võng La, ông Nguyễn Công Lương cũng cho rằng để xử lí dứt điểm vấn nạn sa tặc thì các cơ quan chuyên trách, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Cảnh sát Môi trường thành phố Hà Nội cần nhanh chóng vào cuộc. Còn về phía xã, lực lượng công an viên mỏng, lại thiếu phương tiện đi lại nên việc “đối đầu” với bọn sa tặc sẽ cực kì bất lợi. “Chúng tôi đã nhiều lần thử tiếp cận với các tàu hút cát nhưng không được. Thấy bóng công an xã là chúng chạy biến ra giữa sông vì chúng biết chúng tôi không có phương tiện và cũng không dám ra ngoài. Để giải quyết dứt điểm nạn hút cát trái phép này cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên trách, trong đó có lực lượng CSGT đường thủy”, ông Lương khẳng định.

Phóng sự của Đức Huy


Ý kiến của bạn