Cầu Rồng kể chuyện Thăng Long

21-11-2010 15:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Theo như kế hoạch ban đầu thì Festival cầu Long Biên 2010 diễn ra vào dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng để tránh ùn tắc giao thông những ngày Đại lễ nên phải lui lại, sau đó lại vì những lý do khách quan nên Festival đã được chốt lại: diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/11/2010.

Theo như kế hoạch ban đầu thì Festival cầu Long Biên 2010 diễn ra vào dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng để tránh ùn tắc giao thông những ngày Đại lễ nên phải lui lại, sau đó lại vì những lý do khách quan nên Festival đã được chốt lại: diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/11/2010.

21 hoạt động của lễ hội sẽ được diễn ra trong 2 ngày của Festival với chủ đề: Cầu Rồng kể chuyện Thăng Long - Hà Nội, Hòa bình - Hội nhập - Phát triển. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc biệt được tổ chức nhằm tôn vinh cây cầu chứng nhân lịch sử, biểu tượng ý chí kiên cường đấu tranh cho hòa bình và tự do, tôn vinh dòng sông Hồng, nền văn hiến Thăng Long và văn minh VN.

Để cùng cả nước hành động vì miền Trung, những người trong BTC cũng đặt ra nhiệm vụ phải có những hoạt động mang tính cộng đồng để quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ. Vì thế, bên cạnh những hoạt động chính của lễ hội, BTC dành hẳn không gian 200m của hành trình Cây cầu mơ ước, kết hợp với Trung tâm hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu tổ chức triển lãm về môi trường "Vì một hành tinh xanh - Cho ngàn năm xanh mãi"; Cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội và sinh viên các trường đại học diễu hành đi xe đạp "Vì một hành tinh xanh". Bên cạnh đó, các đơn vị trên phối hợp cùng Học viện Âm nhạc quốc gia VN tổ chức đêm nhạc trẻ; Cùng nhóm Art for Life và các nhiếp ảnh gia chụp ảnh... Tất cả các hoạt động trên đều nhằm gây quỹ ủng hộ miền Trung.

 Cầu Long Biên.

Thành phố Hà Nội vừa kỷ niệm 1000 năm, vì thế Festival cầu Long Biên 2010 với chủ đề Cầu Rồng kể chuyện Thăng Long - Hà Nội cũng có nhiều điểm nhấn. Sân khấu mang dáng dấp một con thuyền lớn để nhớ về một thuở vua Lý Công Uẩn đã đi thuyền đến con sông này và thấy một con rồng bay lên. Ngày hôm nay, con rồng ấy đã hiện thân thành cây cầu, vừa là chứng nhân lịch sử, vừa là biểu tượng cho khát khao về sự phát triển của đất nước. Đó cũng chính là chủ điểm chính của Festival. Cây cầu ký ức (chiều từ Hoàn Kiếm - Gia Lâm): tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc với các loại hình nghệ thuật, tranh ảnh, hiện vật, trang phục cổ... Tại đây, những người nông dân sẽ trình diễn các công đoạn làm lúa, gieo mạ, giã gạo, chế biến sản phẩm từ lúa gạo, trình diễn âm nhạc truyền thống. Cây cầu ước mơ (chiều từ Gia Lâm - Hà Nội) phản ánh tương lai của Hà Nội, của VN trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Qua đó, mỗi người sẽ nhìn nhận và thay đổi cách sống trong xã hội hôm nay. Festival sẽ có 70 quốc gia có Đại sứ quán tại Hà Nội cùng tham dự với rực rỡ sắc cờ của 70 nước. Tại đây sẽ có hình ảnh giới thiệu về đất nước, con người, thủ đô của các quốc gia tham dự giúp người xem có thể chu du bằng hình ảnh tới 70 nước trên thế giới.

Đặc biệt sau nhiều lần sang VN, nhà soạn nhạc Christophe Hache đã sáng tác bài Trên cây cầu Long Biên, Claude Vadasz sáng tác ca khúc Thấy Hà Nội dành tặng cho Festival cầu Long Biên 2010. 24 cây acordion của Học viện Âm nhạc quốc gia VN sẽ biểu diễn trên tàu 2 tác phẩm này trên chặng đường tàu đi từ ga Hà Nội, xuyên qua phố Phùng Hưng, phố Gầm Cầu tới cầu Long Biên, rồi biểu diễn đi bộ trên cầu. Festival cầu Long Biên là lễ hội mang tất cả các loại hình nghệ thuật xuống đường phố, với ý tưởng cây cầu dẫn chúng ta đến với thế giới và dẫn thế giới đến với chúng ta.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt: Long Biên - nhịp cầu hòa bình được truyền hình trực tiếp trên VTV từ 20 giờ - 21 giờ 30 ngày 21/11.

Lan Hương


Ý kiến của bạn