Trong khi công trình xây dựng cầu Ba Thá bắc qua sông Đáy, đoạn chảy qua địa phận xã An Viên, huyện Ứng Hòa với xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức thuộc thành phố Hà Nội vẫn đang trong quá trình thi công. Lợi dụng cơ hội trên, từ lâu tại khu vực dưới chân cầu này vẫn luôn tồn tại một chiếc “cầu phao tạm” được dựng lên nhằm để “chặt chém” khách qua đường.
Qua quan sát, chúng tôi được biết trạm thu phí cầu phao này làm từ tre, nứa và phủ trên là lớp bạt nilon đã cũ, bên trong kê vừa chiếc giường lụp xụp dùng cho việc kéo gác chặn khách. Với chiều dài khoảng 30m, cây cầu được cấu tạo từ những ván gỗ và một số thùng phi buộc với nhau một cách tạm bợ và sơ sài, tiềm ẩn không ít những nguy hiểm. Nhưng để qua được khúc sông này, các chủ phương tiện tham gia giao thông đều phải đóng phí, xe đạp là 2.000 đồng, xe máy là 5.000 đồng, nếu như chở thêm hàng thì mức phí có thể còn “nhảy nhót” hơn nữa. Tại trạm thu phí này luôn có một người phụ nữ ngồi bên ngoài làm nhiệm vụ quan sát người đi đường, nếu như gặp khách lạ thì sẽ ra tín hiệu để người đàn ông ngồi bên trong kéo dây hạ gác tre xuống. Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Vân - một người vừa qua đây không khỏi bức xúc: “Tôi đi qua cầu phà đã nhiều nhưng quả thật chưa thấy có một nơi nào khó hiểu như thế này cả. Đi qua cầu phải nộp phí nhưng không hề nhận được vé và cũng không thấy người thu tiền mặc quần áo cũng như trang phục của nhân viên soát vé”. Cách cây cầu phao này không xa, song song với nó là một cây cầu nhỏ bằng bê tông nhưng không hiểu vì lý do gì, trên bề mặt cây cầu lại bị án ngữ hoàn toàn bằng những tấm sắt rất lớn và xung quanh đó là vô số những đống cát đá nằm chình ình bên cạnh. Đề nghị ngành chức năng cũng như chính quyền sở tại cần sớm có biện pháp nhằm đảm bảo an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tham gia giao thông qua khu vực này.
Bài và ảnh: Xuân Lương