Những tranh cãi về tuổi thực sự của cầu Long Biên dường như chẳng còn quan trọng nữa, dù 105, 106 hay 110 tuổi thì một cây cầu vắt ngang sông Hồng qua “ba thế kỷ” đã, đang và sẽ là một hình ảnh còn mãi trong tiềm thức mỗi người dân Hà Nội... Nhưng có lẽ “ám ảnh” và trăn trở nhiều nhất về cầu Long Biên vẫn là giới họa sĩ - càng trăn trở, họ càng muốn vẽ nhiều về nó, vẻ đẹp này dù nhìn ở góc độ nào cũng khiến người xem phải suy ngẫm.
Cầu Long Biên trở thành “nàng thơ” trong nhiều tác phẩm nghệ thuật.
Hà Nội là nơi lưu dấu khá nhiều công trình kiến trúc xưa như: Cầu Thê Húc, Tháp Rùa, Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn, tháp nước Hàng Đậu, khu phố cổ... Những hình ảnh đó được các họa sĩ vẽ và khai thác rất đa dạng và phong phú, nhưng có lẽ cầu Long Biên là một đề tài được nhiều họa sĩ quan tâm và thành công hơn cả với tác phẩm của mình.
Tại sao đề tài cầu Long Biên lại được các họa sĩ dành nhiều tình cảm đến như vậy? Có lẽ bởi công trình kiến trúc độc đáo in bóng xuống dòng sông Hồng, những con thuyền nhỏ nhoi, những dãy phố cổ tạo nên một không gian đầy mỹ cảm, vì vậy, có thể khai thác được nhiều yếu tố tạo hình nên đã cuốn hút các họa sĩ? Những lý do ấy có vẻ thuyết phục nhưng chưa đủ... Những ai đã từng chọn cầu Long Biên làm “nàng thơ” trong tác phẩm của mình sẽ có những cảm nhận và “lý do” khác nhau.
“Nhất dáng, nhì kết cấu”
Đây có lẽ là cách nhìn và đánh giá về cây cầu Long Biên dưới con mắt của các họa sĩ kiến trúc. Chiều dài toàn cây cầu là 1.862m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Cho dù chỉ ngắm cầu Long Biên ở góc độ kết cấu thôi, người ta cũng cảm thấy “ngây ngất” trước vẻ đẹp “không tuổi” của nó.
Cuối tháng 3/2014, cuộc thi ký họa với chủ đề “Cầu Long Biên - tình yêu còn mãi” dành cho sinh viên kiến trúc được tổ chức và lễ trao giải cũng diễn ra vài ngày sau đó. BTC đã chọn ra những bức ký họa xuất sắc nhất trong những bức ký họa của hàng trăm sinh viên thuộc các CLB Kiến trúc của các trường ĐH thực hiện nhằm lưu giữ lại hình ảnh về cây cầu Long Biên - một chứng nhân lịch sử của dân tộc, đồng thời thổi bùng lên niềm đam mê nghiên cứu, tìm hiểu và bảo tồn những di sản kiến trúc và các công trình kiến trúc cổ.
Vẻ đẹp được công chúng trân trọng
Cầu Long Biên không chỉ đẹp bởi kết cấu, hình tượng của tác phẩm kiến trúc này đã đi vào các tác phẩm mỹ thuật thực sự phong phú, đa dạng về phong cách, chất liệu, kích thước... Hình ảnh cây cầu Long Biên được các họa sĩ khai thác ở mọi khía cạnh, góc nhìn, cách đặt vấn đề cho tác phẩm. Mỗi tác phẩm vẽ cây cầu có thể mang thông điệp về một thời đạn bom, một thời hòa bình và những buồn vui kiếp người... Thông qua những tác phẩm vẽ cầu Long Biên, người nghệ sĩ đã bày tỏ quan điểm nghệ thuật của mình, gửi những thông điệp, những tình cảm cũng như trách nhiệm của người nghệ sĩ với cây cầu huyền thoại.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cầu Long Biên vẫn được đánh giá là cây cầu đẹp nhất của Thủ đô bởi nét đẹp cổ kính, đầy chất lãng mạn. Vẻ đẹp nhuốm màu thời gian nghiễm nhiên trở thành “chất liệu” quý khi được các họa sĩ đưa vào tác phẩm của họ. Có thể nói, trong dòng chảy của mỹ thuật Thủ đô nói riêng, mỹ thuật nước nhà nói chung thì hình tượng cây cầu Long Biên đã chiếm một vị trí quan trọng trong các đề tài sáng tác của giới nghệ sĩ. Mảng đề tài cầu Long Biên cũng chiếm được cảm tình, sự trân trọng của công chúng yêu nghệ thuật.
Có thể kể tên những tác giả và tác phẩm lấy nguồn cảm hứng và “chất liệu” từ cây cầu này: Tranh đồ họa cầu Long Biên họa sĩ Lê Huy Tiếp; Tranh sơn dầu cầu Long Biên - họa sĩ Mai Duy Minh; Tranh sơn dầu cầu Long Biên một thời bình yên - họa sĩ Phạm Kim Bình; Tranh sơn dầu Hà Nội tháng chạp 1972 - họa sĩ Bùi Anh Hùng (giải A Triển lãm mỹ thuật toàn Quốc đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 2009); Tranh sơn mài cầu Long Biên - họa sĩ Nguyễn Đức Việt (Triển lãm mỹ thuật quốc tế Bienale tại Bắc Kinh 2012); Tranh sơn mài Một chiều Long Biên - họa sĩ Đỗ Đức Khải (giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật toàn Quốc hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long)...
Tại những cuộc “bàn tròn” về dự án quy hoạch bảo tồn, cải tạo, phát triển cầu Long Biên và khu vực liên quan mới đây, các nhà khoa học còn đưa ra ý tưởng muốn biến cầu Long Biên thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Chưa biết tính khả thi của ý tưởng này đến đâu, nhưng lâu nay, cây cầu vẫn lặng lẽ “kể lại” những câu chuyện đương thời chảy dài theo năm tháng. Đối với giới sáng tác nghệ thuật, đó là những “cống hiến lặng lẽ” mà họ ghi nhận và trân trọng.
Tùng Lâm