Hà Nội

Cầu Long Biên bị thủng: Đừng chờ hỏng mới sửa!

09-06-2022 17:05 | Xã hội
google news

SKĐS - Làm thế nào để vẫn sử dụng cầu Long Biên cho người dân đi lại, nhưng lại bảo tồn, hạn chế thấp nhất hư hỏng cầu… là việc cần tính đến, theo các chuyên gia.

Xe ba gác là "thủ phạm" gây lỗ thủng trên cầu Long BiênXe ba gác là 'thủ phạm' gây lỗ thủng trên cầu Long Biên

SKĐS - Theo lực lượng chức năng, khi một xe ba gác qua cầu đến đoạn qua bãi giữa do chở nặng cồng kềnh đã gây ra một lỗ thủng to có đường kính khoảng 60x80 cm.

Không thể kéo dài tình trạng duy tu nhỏ giọt, hỏng đâu sửa đó 

Chỉ trong tháng 5 vừa qua, cầu Long Biên (Hà Nội) đã 2 lần xảy ra sự cố sập tấm đan mặt cầu. Thực trạng xuống cấp của cầu hôm nay cũng một phần tới từ kế hoạch xây dựng cầu mới thay thế, dẫn tới cầu cũ khó nhận được các dự án lớn để trùng tu, đại tu khi chưa biết mục đích sử dụng trong tương lai ra sao.

Sau hơn 120 năm sử dụng, cầu Long Biên được xếp vào loại cầu yếu nhưng hàng ngày vẫn gánh trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại, trong đó có cả tàu hỏa, xe máy, xe đạp, người đi bộ. Các chuyên gia cho rằng những sự cố xảy ra là những cảnh báo quan trọng, đòi hỏi một phương án dài hơi cho cầu Long Biên, không thể kéo dài tình trạng duy tu nhỏ giọt, hỏng đâu sửa đó như hiện nay.

Chuyên gia hiến kế bảo tồn cầu Long Biên - Ảnh 2.

Cầu Long Biên đã trên 100 tuổi với nhiều điểm xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau khi xảy ra những sự cố trên cầu Long Biên thời gian gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, khẩn trương sửa chữa ngay những hư hỏng; giao Tổng công ty trong năm nay kiểm định tổng thể cây cầu, đề xuất những hạng mục cần sửa chữa, quy mô, nguồn vốn và lộ trình sửa chữa cầu Long Biên. Trước mắt, trong năm nay đã bố trí nguồn vốn để sửa chữa phần đường bộ bao gồm cả phần đường bộ cho xe đạp, xe máy và lối cho người đi bộ. Đây cũng là phần đường vừa qua xảy ra hiện tượng sập tấm đan.

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội cho rằng với kinh phí ít ỏi hiện nay chỉ đủ sửa chữa tạm thời chứ rất khó để thực hiện trùng tu cầu Long Biên một cách bài bản. Việc trùng tu cầu Long Biên không chỉ gia cường chống sập, phục dựng hình dáng ban đầu mà còn tạo nên những tuyến phố thương mại mới, giải tỏa giao thông các nút giao cắt đường sắt cắt ngang đường bộ trong phố như Trần Phú, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học …

"Vai trò của cầu Long Biên đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Hà Nội thì đã được thể hiện từ rất lâu. Bên cạnh những giá trị lịch sử thì cây cầu này mang lại lợi ích về mặt giao thông, vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, không phải khi cầu hỏng hóc mới sửa chữa mà cần có kế hoạch bảo dưỡng, trùng tu cụ thể nhằm bảo vệ cây cầu 120 năm tuổi này", ông Liên nói.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, phải coi cầu Long Biên là một di sản, cần phải đầu tư nhiều hơn cho duy tu. Nhà nước nên có cái nhìn tổng thể, sao cho vừa bảo tồn được giá trị văn hóa phi vật thể cầu Long Biên, vừa phục vụ người dân đi lại, đồng thời phát triển được du lịch, bao gồm cả du lịch bãi giữa - khi đó sẽ có đầu tư tương xứng. Hà Nội nếu coi trọng giá trị này sẽ tìm được giải pháp tốt nhất cho cầu Long Biên. Để giảm áp lực cho cây cầu yếu, Cảnh sát giao thông phải xử lý vi phạm ngay đầu cầu, không để lên cầu rồi mới ghi lại hình ảnh phạt nguội. Có thể phân khung giờ, giờ nào cho xe máy qua, giờ nào cho khách du lịch lên cầu, chụp ảnh...

Theo lãnh đạo Cục Đường sắt, VNR từng có văn bản đề xuất dừng khai thác 2 làn đường bộ của cầu Long Biên do xuống cấp. Tuy nhiên, cầu Chương Dương ùn tắc thường xuyên nên Hà Nội kiến nghị vẫn tiếp tục cho khai thác cầu Long Biên.

Chuyên gia hiến kế bảo tồn cầu Long Biên

PGS.TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, bảo tồn cầu Long Biên nguyên trạng hiện nay, đồng thời gia cố bền vững để giữ chức năng cầu. Đừng mang gánh nặng lớn khoác lên cầu Long Biên, bởi đây chỉ là một phần của quỹ di sản, không nhất thiết phải đem tất cả giá trị văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội lên cầu như làng nghề, vườn treo, nghệ thuật...

GS.KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm chỉ nên tính tới khả năng tận dụng cây cầu với tư cách là một công trình giao thông trong một thời gian ngắn nữa. Sớm muộn cũng phải sử dụng những công trình đường sá hiện đại, đưa tuyến đường sắt cũ ra khỏi nội đô. Về lâu dài, chỉ nên quy hoạch cầu thành tuyến dành cho xe máy trong khoảng thời gian cũng không dài, cho đi bộ và xe đạp.

Cần trùng tu, nâng cấp và khôi phục những đặc điểm cơ bản cấu trúc và diện mạo vốn có của cầu. Cuối cùng, cần cải tạo thích nghi để phục vụ các nhu cầu văn hóa và du lịch, trên cơ sở tôn trọng những đặc điểm cấu trúc và hình dạng của cầu.

Về ý tưởng biến cầu Long Biên thành một công trình nhấn vào nét văn hóa, GS Hoàng Đạo Kính cho rằng khoảng không gian giữa cầu, nơi có đường xe lửa và rộng chừng 4m, có thể dành cho việc tổ chức một dãy dài các gian trưng bày. Tại đó, có thể tổ chức shop hàng lưu niệm và hàng thủ công, các điểm dịch vụ đa dạng, các quầy giải khát… Những quầy hàng này có kính gắn hai bên và mái che ở trên để ít ảnh hưởng đến hình dáng chung của cầu.

"Ở châu Âu người ta gọi dãy hành lang như thế là passage, là một trung tâm mua sắm, dạo chơi ở nhiều đô thị lớn. Với giải pháp này, ta có thể tạo nên một dạng "chợ - cầu", có một không hai", ông Kính đề xuất.

Theo quy hoạch và kế hoạch triển khai dự án đường sắt, cầu Long Biện hiện hữu sẽ được thay thế bằng cầu Long Biên mới phục vụ tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, Thủ tướng phê duyệt năm 2004). Tuy nhiên, dự án này đình trệ từ năm 2014 tới nay, khi xảy ra vụ việc liên quan tới Công ty tư vấn JTC (Nhật Bản) đưa hối lộ để có được hợp đồng tư vấn.

Bộ GTVT chỉ đạo khắc phục ngay hư hỏng, thủng mặt cầu Long BiênBộ GTVT chỉ đạo khắc phục ngay hư hỏng, thủng mặt cầu Long Biên

Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương khắc phục ngay hư hỏng, thủng mặt cầu Long Biên, rà soát tổng thể các hạng mục cần đầu tư báo cáo Bộ GTVT.

Xem thêm video đang được quan tâm: 

Sau Vụ Rơi Tầng Ở Thái Nguyên, Nhìn Lại Top 3 “Thảm Kịch” Đau Lòng Do Mối Tình Vụng Trộm | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn