Câu lạc bộ Không đánh vợ

20-03-2011 09:06 | Xã hội
google news

Nạn bạo hành gia đình đã từng là vấn đề nhức nhối dẫn đến bao bất hạnh, đổ vỡ, ly hôn tại xã Gia Sinh - huyện Gia Viễn - tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên mấy năm gần đây, những người từng có “tiền án” bạo hành đã tham gia câu lạc bộ có cái tên khá ngộ nghĩnh: Không đánh vợ.

Nạn bạo hành gia đình đã từng là vấn đề nhức nhối dẫn đến bao bất hạnh, đổ vỡ, ly hôn tại xã Gia Sinh - huyện Gia Viễn - tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên mấy năm gần đây, những người từng có “tiền án” bạo hành đã tham gia câu lạc bộ có cái tên khá ngộ nghĩnh: Không đánh vợ. Họ biết sống và lo lắng cho hạnh phúc của gia đình mình cùng bao người xung quanh.

Muôn vàn lý do

Tận nguồn của vấn nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) chính là tình trạng bất bình đẳng giới đã tồn tại nhiều năm qua ở Việt Nam. Những quan niệm cổ hủ như: Trách nhiệm của người phụ nữ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái, trong việc nội trợ hay quan điểm phụ nữ phải “tòng phu, tòng tử” vẫn còn nặng trong tư tưởng nhiều thế hệ, nhất là các vùng nông thôn, miền núi kinh tế còn nhiều khó khăn. Thêm nữa, những bế tắc trong tài chính luôn là nguyên nhân hàng đầu khiến các đấng mày râu tìm đến bạo lực để giải tỏa, mà người vợ và những đứa con thơ dễ bị chọn là nơi trút nỗi bực dọc ấy. Ở nhiều gia đình, tình trạng bạo lực thường xảy ra như cơm bữa. Có khi lý do đơn giản chỉ là chồng đi làm về muộn, vợ chưa kịp hỏi han là người chồng sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Thấy vợ ngứa mắt, khi chồng lỡ uống quá chén là... đánh. Vợ nấu canh nhạt là chồng... chửi.

Chị em tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ.

Cũng phải nói thêm, nạn nghiện hút, cờ bạc, rượu chè không chỉ làm kinh tế nhiều gia đình bị sa sút mà đã từng là nguyên nhân gây ra những vụ bạo hành liên miên ở Gia Sinh. Nhiều năm qua, các cấp lãnh đạo địa phương phải đau đầu mà vẫn chưa tìm ra cách hạn chế tình trạng BLGĐ. Đúng thời gian đó, 7/2007, xã Gia Sinh được tiếp nhận Dự án Phòng chống BLGĐ với hỗ trợ của Viện Sức khỏe sinh sản & gia đình (SDC) và Tổ chức Phát triển & Hợp tác Thụy Sỹ (RaFH). Dự án đã tìm được sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp lãnh đạo địa phương cùng nhân dân trong xã, nhất là các chị em phụ nữ nơi từng là nạn nhân của BLGĐ phấn khởi hưởng ứng.

Niềm vui  đã về

Chị Lê Thị Hằng - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Gia Sinh, Phó ban Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) xã Gia Sinh chia sẻ: “Ngày trước, xã  này có rất nhiều đối tượng nghiện hút ma túy, họ cứ lên cơn nghiện là quay sang đánh đập vợ con, cả thôn xóm lao đao vì nghiện ngập. Từ khi có Dự án PCBLGĐ về, chúng tôi đã thành lập cùng lúc 3 câu lạc bộ, nhờ vào sự nhiệt tình của không ít hội viên gương mẫu, xóm làng chúng tôi đã dần bình yên trở lại”.

Mong ước lớn của phụ nữ là được đàn ông cùng chia sẻ, gánh vác mọi công việc.

Những người luôn trăn trở vì nạn bạo hành gia đình như chị Lê Thị Hằng đã tìm được một hướng đi mới. Được sự giúp đỡ, ủng hộ và tham gia nhiệt tình của Chủ tịch xã và các cấp lãnh đạo địa phương, Ban PCBLGĐ xã Gia Sinh thành lập cùng lúc 3 câu lạc bộ (CLB): “Đàn ông mẫu mực”, “Phụ nữ giúp phụ nữ”, “Chúng ta cùng chia sẻ”, tất cả nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với gia đình. Đồng thời, các CLB ra đời cũng đánh vào tâm lý của người chủ gia đình, được xác định là những người chủ yếu gây ra nạn bạo hành. Những ngày đầu thực hiện chương trình PCBLGĐ tại xã gặp rất nhiều khó khăn. Luật PCBLGĐ dù đã được ban hành nhưng vẫn chưa thật sự đi sâu vào trong đời sống của người dân. Do vậy, công tác vận động những người bạo hành sinh hoạt trong các CLB PCBLGĐ gặp rất nhiều trở ngại. Để đưa Luật PCBLGĐ và tuyên truyền các kiến thức cho chị em, vận động các ông chồng tham gia các CLB, nhiều hội viên đã phải tự nghĩ ra những cách ứng phó khôn khéo, mềm dẻo vì có những người đàn ông tính vũ phu và cũng quyết liệt trong chuyện không chịu hợp tác với cán bộ để “Nói không với bạo lực gia đình”.

 Có nhiều câu chuyện cảm động về những người tuyên truyền viên ở Gia Sinh. Anh Nguyễn Xuân Quý (nguyên là Chủ nhiệm Hội Nông dân) được bầu là người đứng đầu CLB Đàn ông mẫu mực. CLB của anh được thành lập nhằm quy tụ  những thành phần thường xuyên sử dụng vũ lực và liên miên chìm trong ma men để sinh hoạt. Anh còn hăng hái phụ trách luôn cả CLB Chúng ta cùng chia sẻ. Ở CLB Chúng ta cùng chia sẻ là những người bị bạo hành và những người bạo hành sinh hoạt tập thể với nhau.

Các CLB đều có con số khoảng 20 thành viên, có khi lên đến cả 50 thành viên. Để có thể thành lập và duy trì sự hoạt động của các CLB này không phải là điều đơn giản và trong một sớm, một chiều. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động này đòi hỏi rất nhiều tâm huyết, sự kiên trì và tấm lòng đồng cảm của những người quyết tâm loại bỏ nạn BLGĐ ra khỏi cuộc sống.

Anh Quý tâm sự: “Những ngày đầu vận động anh em đã từng dùng vũ lực với vợ con vào CLB của mình thực sự rất khó vì ai cũng tự cho rằng đó là quyền của người đàn ông. Công tác vận động, tuyên truyền, khuyên giải phải dùng đến tình cảm, nhẹ nhàng và bí mật”. Trong công tác PCBLGĐ tại xã, anh Quý luôn được anh em tin tưởng là một người đàn ông mẫu mực của gia đình và xã hội. Mọi công tác tại cơ sở, các cuộc tập huấn kinh nghiệm chống BLGĐ anh đều tham gia tích cực. Những nhân vật “cứng đầu” đều bị anh đến tận nhà khuyên giải tận tình.

Những con người ngày đêm thầm lặng cho công tác PCBLGĐ ở Gia Sinh không phải hiếm gặp. Đó là anh Vũ Anh Xuân (xóm 9), anh Đinh Hồng Thái (xóm 2), anh Trần Xuân Huế (xóm 4)… Các anh tuyên truyền viên ngày ngày chăm lo giữ gìn hạnh phúc cho bao tổ ấm trong xã, ngoài làng được gọi vui là những người “vác tù và” chống bạo hành. Công việc đó đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Nhiều trường hợp khi người tuyên truyền viên đến tận gia đình để động viên, giảng hòa còn bị những ông chồng đối xử một cách bạo lực, chửi mắng, đuổi ra khỏi nhà. Các anh giãi bày: “Khi đến nhà vận động, nhiều ông chồng bảo đó là công việc riêng trong gia đình của họ, không cần ai can thiệp vào. Họ cho rằng đó là công việc của họ, tự gia đình họ giải quyết. Nhưng chúng tôi ý thức được tình trạng bạo lực này không phải của riêng ai, mà cả xã hội phải có trách nhiệm vì tình trạng bạo lực này là một tệ nạn của xã hội. Nhưng chính những người này khi đã hiểu ra bạo hành giới là vi phạm pháp luật thì họ lại là những thành viên tích cực BLGĐ nhất”.

Các CLB PCBLGĐ đã hoạt động được gần 4 năm nay và đã thu được những kết quả to lớn. Những người đã từng gây bạo lực với vợ con, sau khi được sinh hoạt trong các CLB, được “giác ngộ” Luật PCBLGĐ đã dần trở thành nòng cốt của các CLB. Nhờ sự nhiệt tình, quyết tâm của những người “vác tù và” đó mà nhiều gia đình ở Gia Sinh đã giữ được ngọn lửa hạnh phúc.   

 Phóng sự của Dương Khánh Thảo


Ý kiến của bạn