Câu hỏi thường gặp với bệnh nhau tiền đạo

12-10-2024 18:06 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nhau tiền đạo là tình trạng bất thường trong thai kỳ. Nhau tiền đạo là yếu tố nguy cơ chính gây xuất huyết sau sinh và có thể dẫn đến bệnh tật hoặc tử vong cho người mẹ và trẻ sơ sinh.

1. Đông y có chữa được nhau tiền đạo?

Trường hợp thai phụ muốn chữa trị bệnh nhau tiền đạo bằng các bài thuốc Đông y cần lưu ý:

Đông y có một số bài thuốc có tác dụng an thai, tốt cho thai phụ bị ra huyết, doạ sảy thai từ các vị thuốc như: bạch truật, biển đậu, đỗ trọng, hoài sơn, thục địa, câu kỷ tử, chích thảo, sâm cao ly, sơn thù, bạch thược… Để sử dụng các bài thuốc này, thai phụ phải đi khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ, cân nhắc kỹ lợi ích khi dùng.

Với thai phụ bị nhau tiền đạo – là bệnh lý nguy hiểm trong thai kỳ, thì cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ trong suốt thai kỳ, không khuyến khích dùng các bài thuốc từ Đông y.

Câu hỏi thường gặp với bệnh nhau tiền đạo- Ảnh 1.

Hình ảnh nhau thai bình thường và nhau tiền đạo.

2. Dấu hiệu nhận biết và các biến chứng nguy hiểm của nhau tiền đạo

Triệu chứng nhau tiền đạo có thể khác nhau dựa trên mức độ nặng nhẹ và thể lâm sàng mà bệnh nhân mắc phải. Tuy nhiên thai phụ có thể nhận ra dấu hiệu nhau tiền đạo qua các triệu chứng sau:

Âm đạo xuất huyết bất thường, máu màu đỏ tươi có thể lẫn máu cục nhưng không có cảm giác đau bụng, thường xuất hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ;

Tái phát xuất huyết âm đạo với lượng máu chảy ra nhiều hơn;

Xuất huyết kèm theo các cơn đau bụng do bị co thắt tử cung gặp ở một số trường hợp.

Biến chứng của nhau tiền đạo nguy hiểm như thế nào?

Nhau tiền đạo là một tai biến thai sản nghiêm trọng gây nên nhiều nguy hiểm đối với cả thai phụ và thai nhi.

Nhau tiền đạo có thể dẫn đến tình trạng băng huyết trong thai kỳ và khi sinh đẻ, gây nhiều nguy hiểm, đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi, cụ thể:

Đối với thai phụ: Bệnh gây xuất huyết tái phát nhiều lần trong thai kỳ khiến thai phụ thiếu máu, dễ sinh non. Trường hợp nhau tiền đạo bám gần cổ tử cung, sau sinh bánh nhau bị bóc tách khiến cổ tử cung hở, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng, thậm chí có thể phải cắt bỏ tử cung nếu bánh nhau cài chặt vào cơ tử cung, không tách được khỏi lớp niêm mạc tử cung.

Đối với thai nhi: Mẹ bị thiếu máu có thể khiến thai nhi suy dinh dưỡng, suy thai. Khi mẹ xuất huyết quá nhiều, để cứu cả mẹ và thai nhi bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai gấp, mặc dù thai chưa đủ tháng khiến trẻ sinh non có nguy cơ bị suy hô hấp, thậm chí tử vong. Thêm vào đó, việc bánh nhau thai nằm ở phần dưới tử cung khiến thai nhi khó xoay đầu xuống, dẫn đến tình trạng ngôi thai ngược (ngôi mông hoặc ngôi ngang) dễ xảy ra.

Trong số những trường hợp mắc bệnh, nguy hiểm nhất là nhau tiền đạo trung tâm bởi bánh nhau thai che mất hoàn toàn cổ tử cung.

Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu trên, mẹ bầu cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị rau tiền đạo kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

3. Bị nhau tiền đạo kiêng ăn gì?

Khi bị  tiền đạo, các mẹ bầu nên kiêng ăn rau ngót, ngải cứu, đu đủ xanh... Trong rau ngót có chứa nhiều papaverin có thể gây có thắt cơ trơn, tăng nguy cơ đẻ non. Đu đủ xanh giàu papain và chymopapain góp phần làm chậm sự phát triển của bào thai và làm tăng nguy cơ xuất huyết ở sản phụ.

Trong ngải cứu có chứa hoạt chất có thể kích thích gây sảy thai hoặc sinh non, vì vậy thai phụ bị nhau tiền đạo không nên ăn loại rau này.

Thai phụ bị nhau tiền đạo có uống nước dừa được không?

Thai phụ bị nhau tiền đạo vẫn có thể uống nước dừa với lượng vừa phải. Mẹ bầu vẫn có thể tận dụng những lợi ích và các chất dinh dưỡng và nước dừa mang lại. Tuy nhiên chỉ nên uống vừa đủ ( 3 - 4 lần/ tuần), vì nếu uống quá nhiều sẽ làm lượng đường huyết tăng.

4. Phương pháp nào giúp phát hiện nhau tiền đạo chính xác?

Thông thường, những dấu hiệu đầu tiên của nhau tiền đạo sẽ xuất hiện trong lần siêu âm định kỳ lúc thai kỳ 20 tuần tuổi. Những dấu hiệu ban đầu này, thai phụ không nên quá lo lắng, vì nhau thai thường nằm thấp hơn trong tử cung trong thời gian đầu của thai kỳ.

Ở nhiều phụ nữ được chẩn đoán bị nhau tiền đạo sớm khi mang thai, tình trạng này sẽ tự khỏi. Nhau thai thường tự điều chỉnh, khoảng 10% thai phụ có nhau thai nằm thấp ở tuần thứ 20 sẽ có nhau thai nằm thấp trong lần siêu âm tiếp theo. Khi thai to lên, tử cung phát triển, khoảng cách giữa cổ tử cung và nhau thai có thể tăng lên. Chỉ một số trường hợp, nhau tiền đạo sẽ tồn tại đến cuối thai kỳ.

Việc chẩn đoán nhau tiền đạo được thực hiện thông qua siêu âm. Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả để phát hiện nhau tiền đạo. Qua đó có thể xác định được vị trí bánh nhau bám ở vùng nào của tử cung như mặt trước, mặt sau, đáy, thân, bám thấp, bán trung tâm hay nhau tiền đạo trung tâm.

Siêu âm qua ngả âm đạo: Bác sĩ đặt một đầu dò bên trong âm đạo để quan sát bên trong ống âm đạo và cổ tử cung của bạn. Đây là phương pháp được ưa chuộng và chính xác nhất để xác định nhau tiền đạo.

Siêu âm qua ổ bụng: Kỹ thuật viên chăm sóc sức khỏe đặt gel lên bụng của bạn và di chuyển một thiết bị cầm tay được gọi là đầu dò xung quanh bụng của bạn để xem các cơ quan vùng chậu. Sóng âm thanh tạo ra hình ảnh trên màn hình.

Phương pháp siêu âm cũng có ý nghĩa trong chẩn đoán nhau tiền đạo biến chứng nhau cài răng lược. Đây là tình trạng nhau thai phát triển lấn sâu, dính một phần hoặc hoàn toàn vào thành tử cung dẫn đến mất máu sau sinh, nguy hiểm hơn là lấn xuyên thành tử cung gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Hình ảnh siêu âm cho thấy khoảng cách giữa bánh nhau và thành bàng quang thu hẹp lại, mạch máu xuyên qua thành cơ tử cung đến thành bàng quang trên phổ siêu âm doppler. Biến chứng này thường được khuyến cáo thực hiện siêu âm phát hiện sớm từ sau tuần thai thứ 28.

Câu hỏi thường gặp với bệnh nhau tiền đạo- Ảnh 2.

Các mẹ bầu nên khám thai, siêu âm định kỳ để theo dõi bất kỳ thay đổi nào trong thai kỳ.

5. Bị nhau tiền đạo nên kiêng hoạt động gì, nên làm gì?

Khi bị rau tiền đạo, thai phụ cần ăn bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế đi lại, tránh đi chơi xa, không làm việc nặng, kiêng giao hợp, không tập thể dục sau 20 tuần tuổi thai.

Việc thăm khám âm đạo ở thai phụ bị rau tiền đạo có thể gây chảy máu nặng. Vì vậy, nên hạn chế thăm khám âm đạo. Trong trường hợp thật cần thiết phải thăm khám âm đạo trong điều kiện vô khuẩn (trong phòng mổ) và chuẩn bị sẵn sàng để truyền máu cũng như mổ lấy thai nếu cần.

Thai phụ bị nhau tiền đạo cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ trong suốt thai kỳ. Đối với trường hợp rau tiền đạo không triệu chứng: Theo dõi điều trị ngoại trú.

Thai phụ cần nhập viện ngay nếu có cơn gò tử cung hoặc ra huyết âm đạo.

Khi sản phụ bị rau tiền đạo có ra huyết âm đạo cần phải vào bệnh viện có chuyên khoa sản có khả năng phẫu thuật để được chẩn đoán và điều trị. Tùy theo mức độ ra huyết âm đạo và sự trưởng thành của thai nhi mà bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kỳ hay tiếp tục dưỡng thai thêm.

6. Có thể dự phòng rau tiền đạo không?

Hiện nay vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác gây ra rau tiền đạo, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy rau tiền đạo thường gặp ở những người sinh nhiều lần, nạo phá thai, sảy thai nhiều lần hoặc viêm nhiễm tử cung trước đó...

Để có một thai kỳ khỏe mạnh và quá trình sinh nở an toàn, tránh được những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, phụ nữ nên:

Hạn chế mang thai khi đã lớn tuổi (ngoài 35 tuổi), không khuyến cáo mang thai khi đã có đủ con.

Có biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế việc nạo phá thai.

Tuân thủ đúng các chỉ định mổ lấy thai để tránh sẹo tử cung không cần thiết.

Không hút thuốc lá, cũng như tránh hít phải khói thuốc lá khi mang thai.

Quản lý thai nghén chặt chẽ, khám thai định kỳ. Khi có các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là xuất huyết âm đạo, cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản.

Nhau tiền đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaNhau tiền đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Nhau tiền đạo là tình trạng bất thường khi mang thai. Bình thường bánh nhau bám ở đoạn thân hoặc đáy tử cung. Gọi là nhau tiền đạo khi bánh nhau bám thấp về phía đoạn dưới tử cung, che một phần hoặc che kín toàn bộ lỗ cổ tử cung, làm cản trở đường ra của thai nhi khi chuyển dạ.


BS. Phan Tuấn Anh
Ý kiến của bạn