Câu hỏi thường gặp về nhiễm giun chỉ

28-03-2025 06:48 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận Việt Nam loại trừ bệnh chân voi. Tuy nhiên Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, có rất nhiều yếu tố thuận lợi để nhiễm giun chỉ tái xuất hiện.

1. Đông y có điều trị được nhiễm giun chỉ không

Hiện chưa có bằng chứng nào về việc đông y điều trị được nhiễm giun chỉ. Nhiễm giun chỉ cần điều trị bằng thuốc diệt ấu trùng. Do vậy khi có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm giun chỉ người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

2. Giun chỉ là gì?

Filarioidea là một siêu họ của giun chỉ, ký sinh, với nhiều họ, chi và loài. Vật chủ cuối cùng của chúng là động vật có xương sống, nhưng chỉ một số loài giun chỉ lây nhiễm sang người. Giun chỉ trường thành cư trú ở hạch lympho hoặc các mô dưới da. Các con cái đẻ ra các vi ấu trùng, từ đó vi ấu trùng này sinh sống trong máu hoặc di chuyển đến các mô. Khi bị các loài hút máu thích hợp nuốt (muỗi hoặc ruồi), các vi ấu trùng này phát triển thành các ấu trùng gây bệnh có thể xâm nhập vào da cả vật chủ tiếp theo nếu bị đốt. Chu kì sống của các loài giun chỉ là giống nhau ngoại trừ các khu vực nhiễm bệnh.

Câu hỏi thường gặp về nhiễm giun chỉ- Ảnh 1.

BS. Nguyễn Ngọc Chìu - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 19-8.

3. Ở Việt Nam thường nhiễm loại giun chỉ nào?

Trên thế giới có 3 loài giun chỉ gây bệnh cho người là Wuchereria bancrofti (W. bancrofti), Brugia malayi (B. malayi ) và Brugia timori ( B.timori ). Tại Việt Nam, chỉ phát hiện được 2 loài là W. bancrofti và B. malayi.

  • Ấu trùng W.bancrofti thường khu trú ở hệ thống bạch huyết vùng bẹn hoặc nách. Giun chỉ W.bancrofti trưởng thành trông giống như sợi chỉ, mầu trắng sữa dài từ 25-40 mm, chiều ngang khoảng 0,1 mm. Giun W.bancrofti cái dài khoảng 60-100 mm.
  • Ấu trùng B.malayi thường khu trú ở hạch bộ phận sinh dục và vùng thận. Giun chỉ B.malayi gần giống như giun chỉ W.bancrofti. Giun đực có kích thước khoảng 22,8 x 0,08 mm, giun cái có kích thước khoảng 55 x 0,16 mm.

Giun đực và cái thường cuộn vào nhau làm cản trở bạch huyết. Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài của ấu trùng giun chỉ và giun chỉ trưởng thành không tồn tại ở môi trường tự nhiên, chỉ tồn tại trong cơ thể người và trong cơ thể muỗi truyền bệnh.

Câu hỏi thường gặp về nhiễm giun chỉ- Ảnh 2.

Bệnh giun chỉ bạch huyết do muỗi truyền, khi bị ốm người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị

4. Phân biệt nhiễm giun chỉ với các bệnh lý tương tự

Giai đoạn đầu của nhiễm ấu trùng giun chỉ bạch huyết cần phân biệt với các sốt do nhiễm khuẩn, do virus, sốt rét, viêm bạch mạch do nhiễm khuẩn.

Phù voi cần chẩn đoán phân biệt với phù do nấm, chèn ép bạch mạch do nguyên nhân khác. Đái dưỡng chấp cần phân biệt với nguyên nhân ở thận như lao thận hoặc do chấn thương. Tràn dịch màng tinh hoàn cần phân biệt với thoát vị bẹn.

5. Địa chỉ thăm khám và điều trị nhiễm giun chỉ

Khi có những biểu hiện bất thường người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và tìm nguyên nhân. Chi phí thăm khám ban đầu rơi vào khoảng 200.000 - 500.000 đồng, các bác sĩ sẽ tùy vào từng trường hợp để chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán tình trạng bệnh cũng như phương án điều trị. Dưới đây là một số địa chỉ khám và điều trị nhiễm giun chỉ tại Hà Nội người bệnh có thể tham khảo:

  1. Viện Sốt Rét - Ký Sinh Trùng - Côn trùng Trung Ương. Địa chỉ: 34 Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
  2. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Cơ sở 1: Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Cơ sở 2: Số 78, Đường Giải Phóng, Hà Nội.
  3. Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Giải Phóng - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội
  4. Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo -Hai Bà Trưng - Hà Nội.
  5. Khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng- Đống Đa - Hà Nội
Bài tập cho người bệnh giun chỉBài tập cho người bệnh giun chỉ

SKĐS - Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, các bài tập thể dục cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm các triệu chứng của bệnh giun chỉ, đặc biệt là phù nề.


BS. Nguyễn Ngọc Chìu
Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn