Câu hỏi thường gặp về Lyme (Viêm nhiễm do bọ ve đốt)

29-04-2025 05:52 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hiện tại không có vaccine phòng ngừa bệnh Lyme. Nếu bạn đang sống ở khu vực nông thôn, rừng núi thì nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ cao hơn. Nếu bạn đang ở khu vực có khả năng ve sinh sống, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân.

1. Bệnh Lyme (viêm nhiễm do bọ ve đốt) là gì?

Bệnh Lyme được phát hiện vào năm 1976 do các trường hợp mắc bệnh tập trung nhiều ở Lyme, Connecticut và tên của bệnh được đặt theo nơi đầu tiên phát hiện ra căn bệnh này. Đây là căn bệnh do ve truyền được báo cáo phổ biến nhất tại Hoa Kỳ.

Bệnh Lyme là do vi khuẩn lây truyền sang người qua vết cắn của ve.

Ve thích sống ở những vùng rừng rậm, đồng cỏ thấp và sân. Không phải tất cả ve đều mang vi khuẩn gây bệnh Lyme. Tùy thuộc vào vị trí, có từ dưới 1% đến hơn 50% ve bị nhiễm vi khuẩn này. Trong khi hầu hết các vết cắn của ve đều vô hại, một số loài có thể gây ra các bệnh đe dọa tính mạng. Các bệnh do ve truyền bao gồm:

  • Sốt màng não miền núi
  • Bệnh Lyme
  • Bệnh Rickettsia
  • Bệnh Babesiosis
  • Sốt ve Colorado
  • Viêm não Powassan
  • Bệnh Tularemia
  • Bệnh Ehrlichiosis
  • Sốt Q

2. Chẩn đoán bệnh Lyme bằng cách nào?

Ở những khu vực mà bệnh Lyme phổ biến, hầu hết các bác sĩ đều quen thuộc với việc chẩn đoán và điều trị bệnh Lyme.

Ở những khu vực mà bệnh Lyme không phổ biến hoặc đối với các trường hợp bệnh Lyme phức tạp hơn, các bác sĩ chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm thường là bác sĩ tốt nhất để người bệnh thăm khám và điều trị.

Câu hỏi thường gặp về Lyme (Viêm nhiễm do bọ ve đốt)- Ảnh 1.

TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương).

Nếu bệnh nhân nhớ được vết cắn của bọ ve kèm theo phát ban thì việc chẩn đoán khá dễ dàng. Tuy nhiên đa phần nhiều người lại không chú ý đến những vết cắn nhỏ khiến việc chẩn đoán khó khăn hơn do các triệu chứng rất dễ nhầm với các bệnh khác.

Để chẩn đoán xác định, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm để tìm kháng thể trong máu của bệnh nhân. Các kháng thể có thể được tìm thấy trong khoảng từ hai đến bốn tuần sau khi mắc bệnh. Có trường hợp sau 8 tuần mắc bệnh nhưng trong máu của bệnh nhân vẫn chưa xuất hiện kháng thể.

Điều này có nghĩa là bạn có thể mắc bệnh Lyme dù xét nghiệm kết quả âm tính. Do đó xét nghiệm có thể được thực hiện lại để khẳng định chẩn đoán.

Mặt khác, kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính cũng không có nghĩa là bạn đang mắc bệnh vì các kháng thể có thể được tìm thấy trong máu vài năm sau khi đã khỏi bệnh. Và cũng có trường hợp kết quả dương tính là giả do tính không đặc hiệu của xét nghiệm.

Nếu bác sĩ nghi ngờ một trường hợp mắc chứng loạn thần kinh (neuroborreliosis) thì bệnh nhân cần nhập viện để xét nghiệm tủy để xác định bệnh Lyme đã xâm nhập vào hệ thống thần kinh. Trong trường hợp mắc chứng loạn thần kinh mạn tính, cần chụp CT scan.

3. Tình trạng bệnh Lyme sau điều trị

Nếu sau khi bạn điều trị xong bệnh Lyme mà không thấy khỏe hơn, hãy nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị một đợt kháng sinh dài hơn hoặc có thể kê toa một loại thuốc khác để giúp giảm các triệu chứng như đau khớp hoặc đau cơ.

Câu hỏi thường gặp về Lyme (Viêm nhiễm do bọ ve đốt)- Ảnh 2.

Các triệu chứng của bệnh Lyme rất đa dạng, chúng thường xuất hiện theo từng giai đoạn.

Ngay cả khi bạn hồi phục hoàn toàn sau điều trị bệnh Lyme, hệ thống miễn dịch của bạn vẫn có thể tiếp tục tạo kháng thể để chống lại vi khuẩn gây bệnh Lyme trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi hết nhiễm trùng. Vì lý do này, bạn có thể tiếp tục xét nghiệm dương tính với các kháng thể này ngay cả khi bạn không còn bị bệnh. Tuy nhiên, các kháng thể đó sẽ không bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm bệnh Lyme lần thứ hai. Vì vậy, hãy bảo vệ cơ thể mình khỏi bị bọ ve cắn để tránh nhiễm bệnh Lyme bằng cách tránh đi vào các nơi có bụi rậm, bôi thuốc chống bọ khi ra ngoài trời... Và nếu bị bọ ve cắn hãy đi khám và điều trị ngay.

4. Đông y có điều trị được bệnh Lyme không?

Hiện tại chưa có bằng chứng nào chứng minh đông y điều trị được bệnh Lyme. Việc điều trị chủ yếu là sử dụng kháng sinh và cần phát hiện sớm để tăng hiệu quả điều trị. Do vậy khi bạn có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

5. Địa chỉ thăm khám và điều trị bệnh Lyme

Khi có những biểu hiện bất thường người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và tìm nguyên nhân. Chi phí thăm khám theo yêu cầu ban đầu rơi vào khoảng 200.000 - 500.000 đồng, các bác sĩ sẽ tùy vào từng trường hợp để chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán tình trạng bệnh cũng như phương án điều trị. Dưới đây là một số địa chỉ khám và điều trị bệnh Lyme tại Hà Nội người bệnh có thể tham khảo:

  • Viện Sốt Rét - Ký Sinh Trùng - Côn trùng Trung Ương. Địa chỉ: 34 Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
  • Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Địa chỉ: Cơ sở 1: Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội; Cơ sở 2: Số 78, Đường Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.
  • Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Giải Phóng - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội
  • Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo - Hai Bà Trưng - Hà Nội.
  • Khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng- Đống Đa - Hà Nội.
Người bệnh Lyme nên thực hiện tập luyện như thế nào?Người bệnh Lyme nên thực hiện tập luyện như thế nào?

SKĐS - Mặc dù hiếm gặp nhưng nếu không được xử trí kịp thời, người bệnh Lyme có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh việc điều trị, thực hiện các bài tập hàng ngày hỗ trợ người bệnh nâng cao tinh thần và sức khỏe.


TS Nguyễn Văn Dũng
Trưởng Khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương)
Tags:
Ý kiến của bạn