Câu hỏi thường gặp về lỵ amip cấp

27-04-2025 13:54 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh lỵ amip cấp tính được báo cáo là có tỷ lệ tử vong từ 55% đến 88%. Người ta ước tính rằng hơn 500 triệu người bị nhiễm E histolytica trên toàn thế giới. Mỗi năm có từ 40.000 đến 100.000 người tử vong, khiến bệnh nhiễm trùng này đứng thứ hai sau bệnh sốt rét về tỷ lệ tử vong do ký sinh trùng nguyên sinh.

1. Lỵ amip cấp có thể gây ra những biến chứng gì?

Lỵ amip cấp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.

Thủng ruột: niêm mạc và lớp dưới niêm mạc đại tràng bị phá hủy nặng nề gây thủng ruột, dẫn đến viêm phúc mạc là biến chứng gây tử vong hay gặp nhất ở các thể trung bình và thể nặng. Người bệnh đau bụng dữ dội, sốt cao, co cứng thành bụng. Cần xử trí ngoại khoa khẩn cấp.

Xuất huyết tiêu hoá: do tổn thương mạch máu, đôi khi trầm trọng, cần truyền máu ngay và dùng thuốc diệt amíp.

Lồng ruột: thường gặp nhất ở vùng manh tràng.

Viêm loét đại tràng: không tìm thấy amip trong ruột nhưng phản ứng huyết thanh (+) với hiệu giá kháng thể cao.

Viêm ruột thừa do amip

2. Xét nghiệm phân tìm amip bằng cách nào?

Xét nghiệm soi phân tìm amip

Có thể tìm thấy amip trong chất nhầy, máu:

- Amip ăn hồng cầu (E.histolytica): giai đoạn bệnh cấp.

Câu hỏi thường gặp về lỵ amip cấp- Ảnh 1.

ThS.BS Phạm Thế Hùng - Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai.

- Amip không ăn hồng cầu và thể bào nang: ở người lành mang mầm bệnh, người bệnh đã điều trị không đủ liệu trình.

Cần soi phân ngay sau khi người bệnh đi ngoài (trong vòng 2 giờ). Amip thường thấy nhiều ở chỗ có nhày máu. Nếu không tìm thấy amip, cần làm lại xét nghiệm nhiều lần.

Cấy phân tìm amip

Có thể cấy amip ở điều kiện yếm khí tương đối pH=6,5-7, trong môi trường trứng đông hay huyết thanh ngựa đông, tinh bột gạo pha dung dịch Ringer.

Tất cả các nhân viên chế biến và phục vụ ăn uống phải được xét nghiệm phân định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện nhiễm amip.

3. Đông y có điều trị được lỵ amip cấp không?

Hiện chưa có bằng chứng nào chứng minh đông y có thể điều trị được lỵ amip cấp. Khi bị lỵ amip cấp người bệnh cần được điều trị bằng các loại thuốc đặc hiệu chống ký sinh trùng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

4. Chăm sóc người mắc lỵ amip cấp như thế nào?

Bệnh lỵ amip cấp tính được báo cáo là có tỷ lệ tử vong từ 55% đến 88%. Người ta ước tính rằng hơn 500 triệu người bị nhiễm E histolytica trên toàn thế giới. Mỗi năm có từ 40.000 đến 100.000 người tử vong, khiến bệnh nhiễm trùng này đứng thứ hai sau bệnh sốt rét về tỷ lệ tử vong do ký sinh trùng nguyên sinh.

Đối với người mắc lỵ amip cấp cần phải nhập viện. Tại đây các bác sĩ sẽ hướng dẫn cách xử lý phân, quần áo, chăn màn của người bệnh để tránh lây truyền cho người lành.

Với những người lành mang trùng, người tiếp xúc cần cấm có thời hạn việc hành nghề chế biến, phục vụ ăn uống, chăm sóc trực tiếp bệnh nhân đối với những người nhiễm amip. Chỉ cho phép hành nghề trở lại sau khi hoàn tất hóa trị liệu. Xét nghiệm phân người sống chung nhà với bệnh nhân và người tiếp xúc nghi nhiễm.

Câu hỏi thường gặp về lỵ amip cấp- Ảnh 2.

Người mắc lỵ amip cấp thường đi ngoài phân nhày máu, đôi khi xen kẽ với phân lỏng, số lượng không nhiều, nhưng đi nhiều lần trong ngày.

5. Địa chỉ thăm khám và điều trị lỵ amip cấp

Khi có những biểu hiện bất thường về tiêu hóa hoặc nghi ngờ mắc lỵ amip người bệnh thường đến cơ sở y tế để thăm khám và tìm nguyên nhân. Chi phí thăm khám theo yêu cầu ban đầu rơi vào khoảng 200.000 - 500.000 đồng, các bác sĩ sẽ tùy vào từng trường hợp để chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán tình trạng bệnh cũng như phương án điều trị. Dưới đây là một số địa chỉ khám và điều trị lỵ amip tại Hà Nội người bệnh có thể tham khảo:

  • Trung tâm Tiêu hóa Gan mật - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Giải Phóng - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội
  • Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo -Hai Bà Trưng - Hà Nội
  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng- Đống Đa - Hà Nội
  • Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện E. Địa chỉ: 89 Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội.
Chế độ ăn hỗ trợ phục hồi đường ruột cho người bệnh lỵ amip cấpChế độ ăn hỗ trợ phục hồi đường ruột cho người bệnh lỵ amip cấp

SKĐS - Con đường lây truyền chính lỵ amip cấp là thông qua ăn uống. Các triệu chứng chủ yếu liên quan đến tiêu hóa nên chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cả dự phòng và điều trị bệnh lỵ amip cấp.


ThS.BS Phạm Thế Hùng
Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn