Câu hỏi thường gặp về lupus ban đỏ

20-04-2025 05:16 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh lupus ban đỏ hay còn gọi là lupus ban đỏ hệ thống xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công vào các mô lành mạnh của chính cơ thể người bệnh.

1. Lupus ban đỏ có nguy hiểm không?

Tình trạng viêm của lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan của cơ thể và gây ra các biến chứng như:

  • Thận: Lupus có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng của thận, và suy thận là một trong các nguyên nhân tử vong hàng đầu của lupus. Các dấu hiệu và triệu chứng về thận bao gồm: ngứa khắp nơi, đau ngực, buồn nôn, nôn và phù chân.
  • Não và thần kinh trung ương. Lupus có thể gây ra nhức đầu, chóng mặt, thay đổi hành vi, chứng ảo giác, và cả đột quỵ hay động kinh. Nhiều người bị các vấn đề về trí nhớ, khó diễn đạt các ý nghĩ.
  • Máu và mạch máu. Có thể bị thiếu máu, tăng nguy cơ chảy máu hay đông máu và viêm thành mạch.
  • Phổi. Lupus làm tăng nguy cơ viêm màng phổi, có thể gây đau khi thở. Cũng làm cho dễ bị viêm phổi.
  • Tim. Lupus có thể gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Gây nguy cơ bệnh tim-mạch và các cơn đau tim.
Câu hỏi thường gặp về lupus ban đỏ- Ảnh 1.

ThS.BS Võ Thị Kim Tương - Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương 2 (Bệnh viện Hữu Nghị).

  • Có thể làm tăng: Nhiễm khuẩn (vì điều trị lupus làm yếu hệ miễn dịch), ung thư, hoại tử vô mạch của xương nhất là khớp háng (xảy ra khi giảm cấp máu cho xương).
  • Biến chứng khi thai nghén: Lupus làm cho dễ sảy thai, cao huyết áp (tiền sản giật) và đẻ non. Để giảm các biến chứng này, người ta khuyến cáo nên trì hoãn việc có thai cho đến khi bệnh đã kiểm soát được ít nhất 6 tháng.

2. Chẩn đoán lupus ban đỏ bằng cách nào?

Gần đây, năm 2012, những trung tâm cộng tác quốc tế về lupus hệ thống năm (Systemic International Collaborating Clinics - SLICC 2012) đã đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Lupus ban đỏ hệ thống gồm:

Tiêu chuẩn lâm sàng

Tiêu chuẩn miễn dịch

Lupus da cấp

ANA

Lupus da mạn

Anti-DNA

Loét miệng hay mũi

Anti-Sm

Rụng tóc không sẹo

KT Antiphospholipid

Viêm khớp

Giảm bổ thể (C3, C4)

Viêm thanh mạc

Test Coombs trực tiếp (Không được tính khi có sự tồn tại của thiếu máu tan huyết)

Thận

Thần kinh

Thiếu máu tan huyết

Giảm bạch cầu

Người bệnh được chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống khi có ≥ 4 tiêu chuẩn (có ít nhất một tiêu chuẩn lâm sàng và một tiêu chuẩn cận lâm sàng) hoặc bệnh thận lupus được chứng minh trên sinh thiết kèm với ANA hoặc anti-DNA.

Bệnh được phân loại theo 4 thể

  • Thể cấp: tổn thương nhiều nội tạng và nặng.
  • Thể mạn: ít tổn thương nội tạng, biểu hiện ngoài da nhẹ.
  • Thể bán cấp: trung gian giữa hai thể trên.
  • Thể hỗn hợp: hội chứng Sharp: thể bệnh hỗn hợp giữa lupus và xơ cứng bì, có các triệu chứng: viêm nhiều khớp, hội chứng Raynaud, ngón tay hình khúc dồi, hẹp thực quản, viêm đa.

Lupus ban đỏ cần được chẩn đoán phân biệt với thấp khớp cấp; Các bệnh thuộc nhóm bệnh mô liên kết khác: Viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì toàn thể, viêm đa cơ, viêm da cơ… Các bệnh lý của hệ tạo máu: suy tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu các nguyên nhân khác. Các bệnh lý thận, tim, phổi mạn tính do các nguyên nhân khác.

Câu hỏi thường gặp về lupus ban đỏ- Ảnh 2.

Một bệnh nhi điều trị lupus ban đỏ tại Bệnh viện Bạch Mai. Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai

3. Người mắc lupus ban đỏ cần có những lưu ý gì?

  • Tránh tiếp xúc ánh sáng mặt trời: Mặc áo dài tay, đội mũ rộng vành khi ra nắng. Dùng kem chống nắng thường xuyên.
  • Tránh các nhiễm khuẩn: Do người bị bệnh lupus dễ nhiễm khuẩn hơn người khác.
  • Khi mang thai: Khả năng có thai của bệnh nhân lupus không bị ảnh hưởng, nhưng có thai có thể làm bệnh nặng lên hoặc ảnh hưởng đến thai nhi. Bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn trước khi có thai và theo dõi trong suốt thai kỳ.
  • Dùng thuốc: Không tự ý dừng thuốc và dùng các thuốc không rõ nguồn gốc (thuốc nam, thuốc bắc…). Cần tuân thủ điều trị và trao đổi với bác sĩ để dùng thuốc đầy đủ, hợp lý.
  • Chế độ ăn: Ăn nhạt – hạn chế muối trong khẩu phần ăn, hạn chế đồ ăn ngọt, ăn đầy đủ dinh dưỡng. Không cần kiêng các đồ ăn thịt cá dầu mỡ nếu không có những rối loạn khác kèm theo.
  • Bổ sung canxi và các vitamin, vi chất khác khi cần thiết. Canxi đặc biệt cần bổ sung cho bệnh nhân lupus ban đỏ do dùng steroids kéo dài.

4. Đông y có điều trị được lupus ban đỏ không?

Hiện tại chưa có bằng chứng nào chứng minh đông y điều trị được lupus ban đỏ. Việc điều trị cần có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Do vậy khi được xác định mắc lupus ban đỏ người bệnh cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý điều trị.

5. Địa chỉ thăm khám và điều trị lupus ban đỏ

Để thăm khám và điều trị bệnh lupus ban đỏ, người bệnh có thể đến các chuyên khoa dị ứng, miễn dịch lâm sàng tại các tuyến y tế tỉnh, trung ương. Tại đây các bác sĩ sẽ thực hiện khám và chẩn đoán tình trạng bệnh từ đó đưa ra các phương án phù hợp cho từng bệnh nhân.

Dưới đây là một số địa chỉ thăm khám và điều trị bệnh lupus ban đỏ người bệnh có thể tham khảo:

  • Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ:78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
  • Khoa Dị ứng - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Khoa Dị ứng miễn dịch và Da liễu - Bệnh viện E. Địa chỉ: 89 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội
  • Khoa Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội
  • Bệnh viện Da liễu Trung ương. Địa chỉ: 15A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
Thuốc điều trị lupus ban đỏThuốc điều trị lupus ban đỏ

SKĐS – Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Điều trị bệnh là cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nặng.


ThS.BS Võ Thị Kim Tương
Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương 2 - Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn