1. Lưỡi bản đồ có nguy hiểm không?
Lưỡi bản đồ (geographic tongue), hay viêm lưỡi di trú lành tính, là một tình trạng viêm mạn tính lành tính của niêm mạc lưỡi, đặc trưng bởi các tổn thương ban đỏ kèm theo gai lưỡi có viền trắng giới hạn rõ.
Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc gây ra các bệnh lý nguy hiểm khác nhưng người mắc có thể gặp các triệu chứng khó chịu như nóng rát, đau nhẹ khi ăn các thực phẩm kích thích, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Về mặt tinh thần, đặc điểm tổn thương tái phát, kéo dài và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý nghiêm trọng khác có thể gây lo lắng, căng thẳng cho người bệnh hoặc gây mặc cảm về ngoại hình.
Ngoài ra, lưỡi bản đồ còn liên quan đến một số bệnh lý toàn thân như vảy nến, hội chứng Reiter, rối loạn nội tiết và thiếu hụt vi chất,…. Do đó, việc thăm khám và tư vấn bác sỹ chuyên khoa có vai trò quan trọng giúp phát hiện các vấn đề sức khoẻ khác có liên quan.
2. Chẩn đoán lưỡi bản đồ bằng cách nào?
Chẩn đoán lưỡi bản đồ chủ yếu dựa trên lâm sàng. Các xét nghiệm cận lâm sàng thường cho kết quả bình thường và nhìn chung không cần sinh thiết tổn thương do tính chất lành tính của bệnh.

Lưỡi bản đồ là tổn thương lành tính, ảnh hưởng tới bề mặt lưỡi của người bệnh.
Về mặt lâm sàng, có thể quan sát thấy các mảng ban đỏ do mất các nhú chỉ (filiform papillae), với viền trắng rõ ràng.
Các tổn thương này chủ yếu xuất hiện ở mặt lưng và rìa lưỡi, có tính chất di chuyển, và có thể thay đổi kích thước, hình dạng và vị trí trong vài ngày. Bệnh diễn tiến theo từng giai đoạn bùng phát và thuyên giảm, không gây biến chứng hay di chứng.
Một số trường hợp hiếm, bệnh có thể ảnh hưởng đến các vùng khác của niêm mạc miệng như: Khẩu cái mềm, niêm mạc má, sàn miệng, lợi và lưỡi gà, tuy nhiên rất ít gặp.
Phần lớn các trường hợp là không có triệu chứng, chỉ có một số ít người bệnh cảm thấy nóng rát trong miệng (stomatodynia) hoặc có cảm giác vướng vật lạ.
Các chẩn đoán phân biệt cần được cân nhắc gồm: nấm miệng (oral candidiasis), lichen phẳng miệng (oral lichen planus), lupus ban đỏ, chấn thương và phản ứng phụ do thuốc. Các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán phân biệt như xét nghiệm máu, sinh thiết chỉ được thực hiện khi có y lệnh của bác sỹ khi cần thiết.
3. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lưỡi bản đồ
Các nghiên cứu về các yếu tố liên quan có thể làm tăng nguy cơ của lưỡi bản đồ đã đem lại những kết quả khác nhau. Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị lưỡi bản đồ bao gồm:
- Tiền sử gia đình: Viêm lưỡi bản đồ có tính chất gia đình, nhiều nghiên cứu cho rằng lưỡi bản đồ có tính chất di truyền đa gen.
- Lưỡi có rãnh nứt sâu: Những người bị lưỡi bản đồ thường có một rối loại khác được gọi là lưỡi nứt, là tình trạng xuất hiện những rãnh sâu trên bề mặt lưỡi.
- Bệnh thường xảy ra ở những trường hợp bị vảy nến, thiếu máu, bệnh tiểu đường, dị ứng,…
- Những người thường xuyên bị áp lực tâm lý, căng thẳng và lo âu quá nhiều.
- Thực phẩm có thể là yếu tố gây kích hoạt bệnh, chẳng hạn như đồ có tính axit, đồ cay nóng.
- Một số trường hợp liên quan đến nội tiết tố như có thai, chu kì kinh nguyệt.

Nếu bạn có các tổn thương ở lưỡi mà không tự khỏi trong vòng 7-10 ngày, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và tư vấn.
4. Đông y có điều trị được lưỡi bản đồ không?
Hiện tại chưa có bằng chứng nào chứng minh đông y điều trị được lưỡi bản đồ. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng bằng việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau… và thay đổi trong chế độ sinh hoạt của người bệnh. Do vậy khi bạn có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
5. Địa chỉ thăm khám và điều trị lưỡi bản đồ
Khi có những biểu hiện bất thường nào về răng miệng người bệnh thường đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và tìm nguyên nhân. Chi phí thăm khám ban đầu rơi vào khoảng 200.000 - 500.000 đồng, các bác sĩ sẽ tùy vào từng trường hợp để chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán tình trạng bệnh và điều trị. Dưới đây là một số địa chỉ khám lưỡi bản đồ tại Hà Nội người bệnh có thể tham khảo:
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương. Địa chỉ: 40B Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng- Đống Đa - Hà Nội
- Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Bạch Mai (Tầng 1, nhà A7) - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Giải Phóng - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội
- Khoa Răng - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo -Hai Bà Trưng - Hà Nội
- Khoa Răng – Hàm – Mặt, Bệnh viện 19-8. Địa chỉ: Số 9 Trần Bình - Cầu Giấy - Hà Nội.