1. Đông y có chữa được lao phổi không?
Vi khuẩn lao cần được điều trị bằng thuốc chống lao, do vậy đông y không dùng để chữa lao màng phổi.
2. Lao màng phổi có phải là bệnh lý thường gặp?
Màng phổi là phần bao bọc toàn bộ bề mặt phổi, cấu tạo bao gồm 2 lá là lá thành và lá tạng. Các bệnh lý và biến chứng trên màng phổi rất đa dạng, trong đó lao màng phổi là trường hợp gặp nhiều nhất. Lao màng phổi là một dạng lao ngoài phổi, đứng thứ hai trong số các thể lao dễ gặp nhất (sau lao hạch bạch huyết).
Theo nhiều nghiên cứu khảo sát trên thế giới và ở Việt Nam thì lao phổi chiếm khoảng 25 - 30% trong tất cả các thể lao ngoài phổi, khoảng 3 - 5% các bệnh lý về phổi hiện nay. Không giới hạn bất kỳ độ tuổi nào bởi ai cũng có thể là đối tượng của bệnh lao màng phổi, tuy nhiên người trẻ trong độ tuổi 16 - 30 chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.

ThS.BSNT Phan Hữu Kiệm - Khoa Nội IV, Bệnh viện Phổi Hà Nội
3. Chẩn đoán lao màng phổi bằng cách nào?
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ ngoài thăm khám lâm sàng có thể áp dụng một số phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán như:
- X- quang phổi thẳng và nghiêng
- Siêu âm màng phổi.
- Chọc hút và xét nghiệm dịch màng phổi.
- Sinh thiết màng phổi qua soi màng phổi hoặc sinh thiết mù để lấy mẫu làm xét nghiệm giải phẫu bệnh tìm tổn thương lao đặc hiệu.
- Tìm vi khuẩn lao bằng kỹ thuật PCR có thể được chỉ định cho những bệnh nhân khó và ở nơi có điều kiện tiến hành.
Các kỹ thuật xét nghiệm mới như tìm kháng thể kháng lao trong dịch màng phổi bằng kỹ thuật ELISA và xét nghiệm Gene Xpert có giá trị chẩn đoán. Tuy nhiên giá thành cao, chỉ một số nơi mới có trang thiết bị để thực hiện.
4. Lao màng phổi có chữa được không?
Lao màng phổi có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng phác đồ điều trị dài ngày. Tuy nhiên nếu không tuân thủ điều trị có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề như tràn dịch, tràn khí màng phổi, viêm phủ màng phổi, dày dính dịch nhiều ở màng phổi và ổ cặn màng phổi. Do đó, cần phát hiện kịp thời và có cách điều trị bệnh phù hợp càng sớm càng tốt.
5. Chữa khỏi lao màng phổi rồi có bị tái phát không?
Bệnh lao màng phổi có thể bị tái phát nếu như bạn điều trị không đúng phác đồ, không tuân thủ điều trị, ngừng điều trị khi chưa hết phác đồ điều trị. Bên cạnh đó, sau khi điều trị người bệnh vẫn có thể bị lây nhiễm lại vi khuẩn lao và gây ra lao phổi hay lao ngoài phổi như lao màng phổi. Vì thế, để đề phòng tái phát bạn cần tuân thủ việc điều trị và có các biện pháp phòng bệnh chủ động.

Hình ảnh cắt lớp vi tính lao màng phổi trước điều trị của một bệnh nhân.
6. Địa chỉ thăm khám và điều trị bệnh lao màng phổi
Khi có các vấn đề về hô hấp người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Việc khám sức khỏe và tầm soát để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm rất quan trọng.
- Bệnh viện Phổi Trung ương. Địa chỉ: 463 Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phú, Ba Đình, Hà Nội.
- Bệnh viện Phổi Hà Nội. Địa chỉ: 44 Thanh Nhàn, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
- Khoa Hô hấp – Bệnh viện E. Địa chỉ: 87-89 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội
- Khoa Hô hấp – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: 1B Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.