Câu hỏi thường gặp về lao hạch

15-03-2025 17:50 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lao hạch bạch huyết nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, đúng nguyên tắc sẽ khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại di chứng.

1. Đông y có điều trị được lao hạch hay không?

Lao hạch là bệnh lý do vi khuẩn gây ra và cần được điều trị bằng thuốc kháng lao. Do vậy đông y không thể được điều trị được lao hạch.

2. Chẩn đoán lao hạch bằng cách nào?

Các biểu hiện lâm sàng của lao hạch có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Để chẩn đoán lao hạch, các bác sĩ sẽ thực hiện những phương pháp sau:

Câu hỏi thường gặp về lao hạch- Ảnh 1.

ThS.BSNT Phan Hữu Kiệm - Khoa Nội IV, Bệnh viện Phổi Hà Nội

  • Siêu âm hạch: Nhằm đánh giá tính chất hạch, các hạch có kích thước to nhỏ không đều, có khuynh hướng dính vào tổ chức xung quanh, có thể có vùng hoại tử trong hạch, phần mềm quanh hạch phù nề.
  • Chọc hút hạch bằng kim nhỏ: Kỹ thuật này khá đơn giản, dễ làm, cho kết quả nhanh, hầu như không có tai biến. Chọc hút hạch để làm xét nghiệm tế bào học hoặc để xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Các trường hợp điển hình, chọc hút tế bào làm hạch đồ, khi soi trên kính hiển vi sẽ thấy các thành phần của một nang lao điển hình.
  • Sinh thiết hạch: Giúp chẩn đoán mô bệnh học, xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Đây là kỹ thuật quan trọng, có giá trị giúp chẩn đoán xác định lao hạch cao hơn chọc hút tế bào, thấy được tổn thương là nang lao điển hình (hiệu quả chẩn đoán đạt trên 80%). Cũng như chọc hút tế bào, sinh thiết hạch lấy bệnh phẩm tìm vi khuẩn lao có ý nghĩa quyết định trong chẩn đoán lao hạch.
  • Ngoài ra còn có một số xét nghiệm khác như: phản ứng da với Tuberculin, xét nghiệm đờm tìm AFB, các xét nghiệm máu, xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm PCR lao, chụp X-quang lồng ngực, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực…

3. Có những loại lao hạch nào?

Lao hạch có thể chia làm 3 loại dưới đây:

  • Thể thâm nhiễm: hạch viêm không có bã đậu hoá.
  • Thể bã đậu: hoại tử bã đậu chiếm ưu thế, có thể rò ra ngoài da hoặc tạo ổ áp xe lạnh ở dưới da.
  • Thể xơ hoá: hạch xơ hóa chiếm ưu thế, các hạch rắn chắc dính với nhau, có thể vẫn có hoại tử bã đậu (thể xơ bã đậu)

Trên lâm sàng có thể chia làm các nhóm chính sau:

  • Lao hạch bã đậu: là thể lao hạch điển hình, gặp nhiều nhất trong lâm sàng .
  • Thể u hạch lao: thường là một hạch lao đơn độc, to, mật độ chắc, không đau, ít khi nhuyễn hoá. Do sự phát triển của tế bào xơ và mô liên kết trong hạch làm cho hạch trở nên xơ cứng. Loại này chẩn đoán khó và dễ nhầm với bệnh lý hạch to do các nguyên nhân khác.
  • Thể viêm nhiều hạch: hay gặp ở những bệnh nhân HIV/AIDS với bệnh cảnh viêm nhiều nhóm hạch ở toàn thân, cơ thể gầy sút nhanh, phản ứng Mantoux thường âm tính.
  • Lao hạch phối hợp với lao các bộ phận khác: lao hạch có thể phối hợp với lao sơ nhiễm, lao phổi, lao các màng. Ngoài triệu chứng lao hạch, bệnh nhân còn biểu hiện các triệu chứng kèm theo ở những bộ phận khác trong cơ thể bị lao.
Câu hỏi thường gặp về lao hạch- Ảnh 2.

Bệnh lao hạch là một dạng bệnh lao ngoài phổi khá phổ biến tại Việt Nam với nhiều triệu chứng bệnh dễ quan sát dưới da.

4. Phân biệt lao hạch và lao phổi

Lao hạch thường là biến chứng của lao phổi, khi vi khuẩn lao xâm nhập vào các hạch bạch huyết gây viêm.

Bệnh lao hạch là tình trạng sưng hạch bạch huyết và do vi khuẩn lao gây ra. Người bệnh thường có biểu hiện 1 hoặc nhiều hạch sưng to, tập hợp thành 1 chuỗi, thường không đau hoặc chỉ hơi đau, có thể đổi màu hoặc trùng màu với da. Lao hạch ít gặp hơn lao phổi, chỉ có khoảng 5% các trường hợp lao có triệu chứng được chẩn đoán là lao hạch.

Bệnh lao phổi là bệnh truyền nhiễm có thể gây nhiễm trùng ở phổi hoặc các mô khác do trực khuẩn lao gây ra. Bệnh thường ảnh hưởng đến phổi, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như cột sống, não hoặc thận. Không phải tất cả những người bị nhiễm lao đều bị bệnh lao.

5. Phân biệt hạch và lao hạch

Bình thường các hạch của cơ thể rất nhỏ, chỉ lớn bằng hạt thóc, hạt đỗ, hạt ngô nhỏ, kích thước hạch thông thường nhỏ hơn 1 cm. Các hạch mềm nằm lẫn trong các mô xung quanh, ở tổ chức mỡ dưới hay hay lẫn trong thớ cơ nên khó nhận biết.

Khi hạch đã có thể sờ nắn thấy nghĩa là chúng đã sưng to. Nếu hạch lúc sưng lúc giảm, lúc không lúc đau thì có thể là hạch viêm do nhiễm khuẩn thông thường. Nếu hạch có sưng nóng, đỏ, sờ thấy đau, mật độ mềm thì sau dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, nếu hạch bớt sưng đau, kích thước nhỏ đi thì là viêm hạch do nhiễm khuẩn.

Nếu hạch cứng, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, sờ như hạt đạn chì, chân lan tỏa như rễ cây thì phải coi chừng đây có thể là hạch ung thư hoặc hạch di căn ung thư.

Nếu hạch phát triển chậm, sờ nắn không đau, mềm căng thì có thể là lao hạch.

6. Địa chỉ thăm khám và điều trị lao hạch

Khi có các vấn đề về hô hấp người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Việc khám sức khỏe và tầm soát để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm rất quan trọng.

  1. Bệnh viện Phổi Trung ương. Địa chỉ: 463 Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phú, Ba Đình, Hà Nội.
  2. Bệnh viện Phổi Hà Nội. Địa chỉ: 44 Thanh Nhàn, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  3. Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
  4. Khoa Hô hấp – Bệnh viện E. Địa chỉ: 87-89 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.
  5. Khoa Hô hấp – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: 1B Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thuốc điều trị lao hạchThuốc điều trị lao hạch

SKĐS - Lao hạch gây ra các triệu chứng sưng, khó chịu cho người bệnh. Lao hạch có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.


ThS.BSNT Phan Hữu Kiệm
Khoa Nội IV, Bệnh viện Phổi Hà Nội
Ý kiến của bạn