1. Lao cột sống có chữa khỏi hoàn toàn được không?
Lao cột sống là bệnh lao thứ phát, bệnh tiến triển âm thầm, thường được chẩn đoán muộn do dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cột sống khác. Đặc điểm lâm sàng của lao cột sống rất đa dạng tùy theo từng thể bệnh, giai đoạn bệnh và biểu hiện trên từng người khác nhau. Lao cột sống có biến chứng thần kinh là thể lao nặng, thần kinh bị tổn thương do chèn ép cơ học, mất vững, gù, vẹo cột sống. Hiện nay, lao cột sống là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Từ sau khi phát hiện ra thuốc chống lao, điều trị lao cột sống có những bước tiến đáng kể, các phẫu thuật viên mạnh dạn hơn trong chỉ định phẫu thuật. Cùng với sự phát triển về khoa học kỹ thuật, chuyên ngành phẫu thuật lao cột sống đã phát triển, có những đặc thù riêng và đã thu được nhiều thành công trong điều trị lao cột sống, góp phần đáng kể đưa lao cột sống không còn là căn bệnh nguy hiểm và đáng sợ như trước. Có nhiều phương pháp phẫu thuật lao cột sống, chỉ định tùy theo thể bệnh và giai đoạn bệnh.

ThS.BSNT Phan Hữu Kiệm - Khoa Nội IV, Bệnh viện Phổi Hà Nội
2. Lao cột sống có nguy hiểm không?
Bệnh nếu không được điều trị sớm sẽ để lại những biến chứng nghiêm trọng:
- Chèn ép thần kinh xung quanh do xẹp đốt sống, thoát vị đĩa đệm, do áp-xe lạnh, do viêm màng não tủy… gây đau. Nếu chèn ép thần kinh ở vùng cột sống thắt lưng gây yếu liệt hai chân, rối loạn cảm giác vùng hậu môn sinh dục khiến đại tiểu tiện không tự chủ.
- Có thể gây biến dạng cột sống, hoặc gù nhọn cột sống;
- Làm tăng nguy cơ bị gãy xương cột sống;
- Chèn ép ở cột sống cổ có thể gây liệt tứ chi, suy hô hấp, khàn tiếng, rối loạn chức năng ăn uống...
Người bệnh cần được theo dõi quản lý chặt chẽ, tuân thủ các nguyên tắc điều trị của bác sĩ tránh hiện tượng lao tái phát, lao kháng thuốc.
3. Lao cột sống có phổ biến không?
Lao cột sống là một dạng bệnh lý lao ngoài phổi thường gặp. Theo tổ chức y tế Thế giới WHO, khoảng 1/3 dân số thế giới phơi nhiễm với vi khuẩn lao, gần 10% bệnh nhân nhiễm lao bị lao xương khớp, trong đó lao cột sống chiếm 50%. Bệnh thường diễn tiến chậm, âm thầm.
Tỉ lệ lao cột sống theo vị trí tổn thương: đốt sống cổ là ít nhất khoảng 4%, cột sống vùng ngực và thắt lưng chiếm khoảng 96%, trong đó lao cột sống ngực chiếm gần 80%. Lao cột sống xảy ra nhiều nhất từ các đốt sống ngực 7 đến đốt sống thắt lưng 3. Đa số lao cột sống ở đốt sống ngực thấp.

Ổ áp xe lạnh do lao gây chèn ép và phá hủy đốt sống.
4. Chẩn đoán lao cột sống bằng cách nào?
Các bác sĩ sẽ thông qua thăm khám lâm sàng để phát hiện các triệu chứng điển hình của bệnh lao cột sống, ngoài ra còn kết hợp các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán lao cột sống như:
- Xquang cột sống thường quy: Phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn, một số dấu hiệu gián tiếp như hẹp khe khớp, mất khoáng vùng bờ trên, dưới thân đốt, tiêu xương.
- Chụp cắt lớp vi tính: thấy rõ hình ảnh tổn thương thân đốt sống, đĩa đệm, xác định chính xác độ vững của cột sống.
- Chụp cộng hưởng từ: có giá trị chẩn đoán cao, giúp phát hiện tổn thương đĩa đệm, thân đốt sống, tính chất của ổ áp xe.
- Bệnh nhân có thể được chỉ định sinh thiết vào tổn thương nghi ngờ để làm các xét nghiệm như giải phẫu bệnh, gene Xpert, nhuộm soi… để chẩn đoán xác định lao.

Tổn thương đốt sống do lao
5. Đông y có chữa được lao cột sống không?
Hiện tại chưa có nghiên cứu nào chứng minh đông y có thể chữa lao cột sống. Lao cột sống là một bệnh nội khoa và các thuốc chống lao có vai trò chính trong việc phục hồi và đáp ứng của bệnh nhân. Chỉ cần điều trị nội khoa khi không có biến chứng thần kinh, cột sống vững và không biến dạng bất kể có áp xe ở đốt sống. Điều trị thuốc sớm đầy đủ có thể ngăn ngừa các biến chứng nặng.
Phác đồ thuốc lao được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa lao và bệnh phổi và thời gian điều trị có thể kéo dài từ 6 đến 18 tháng và phối hợp nhiều thuốc.
6. Địa chỉ thăm khám và điều trị lao cột sống
Khi có các vấn đề về hô hấp người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Việc khám sức khỏe và tầm soát để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm rất quan trọng.
- Bệnh viện Phổi Trung ương. Địa chỉ: 463 Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Phú, Ba Đình, Hà Nội.
- Bệnh viện Phổi Hà Nội. Địa chỉ: 44 Thanh Nhàn, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
- Khoa Hô hấp – Bệnh viện E. Địa chỉ: 87-89 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội
- Khoa Hô hấp – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: 1B Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.