Câu hỏi thường gặp về khoèo chân bẩm sinh

30-03-2025 05:31 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bàn chân khoèo không được điều trị thích hợp sẽ gây ra các biến dạng nghiêm trọng, làm mất chức năng của bàn chân cũng như thẩm mỹ cho trẻ.

1. Chăm sóc người bị khoèo chân bẩm sinh thế nào?

Trẻ em, người lớn bị khoèo chân bẩm sinh hay còn gọi là bàn chân khoèo không được phục hồi chức năng sớm có thể có những vấn đề về tâm lý cần được cán bộ tâm lý hỗ trợ. Gia đình cần giải thích cho trẻ hiểu về tình trạng bệnh tật của trẻ, chấp nhận và vượt qua mặc cảm của bệnh tật. Nhà trường cần giải thích cho các học sinh trong trường hiểu về tình trạng bệnh tật của trẻ bàn chân khoèo để có sự thông cảm và giúp đỡ.

Trẻ hoàn toàn có thể đi lại bình thường, nếu được can thiệp sớm và kiên trì theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng. Do vậy khi có bất thường từ lúc sinh ra cha mẹ nên cho trẻ đi khám sớm và can thiệp.

2. Tiên lượng bệnh nhân khoèo chân bẩm sinh thế nào?

Nếu trẻ bàn chân khoèo được phát hiện sớm và được chỉnh sửa bằng phương pháp Ponseti có thể có bàn chân gần như bình thường. Tuy nhiên có thể có một số khác biệt như: Bàn chân bị bệnh thường nhỏ hơn bàn chân lành, nhưng sự khác biệt không đáng kể.

Hiệu quả chữa bệnh khoèo chân sẽ cao hơn đối với trẻ dưới 2 tuổi, càng lớn càng khó chữa và tỉ lệ khỏi bệnh hoàn toàn không cao.

Câu hỏi thường gặp về khoèo chân bẩm sinh- Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Ngọc Cương - Trưởng khoa Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

3. Bàn chân khoèo có nguy hiểm không?

Cứ 1.000 trẻ sơ sinh sống có khoảng 1 - 2 trẻ mắc dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh; trong đó trẻ trai hay mắc hơn trẻ gái gấp 2 lần. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng người bàn chân khoèo bẩm sinh không được điều trị sẽ bị ảnh hưởng chất lượng cuộc sống rất nhiều bởi tình trạng này gây khó khăn trong đi lại và là một khuyết tật suốt đời.

Trẻ bị khoèo chân bẩm sinh đi lại có thể bị lệch người, dáng đi xấu. Ngoài ra, người bị bàn chân khoèo không được phục hồi chức năng sớm thường có cảm giác tự ti, xấu hổ, không mạnh dạn tham gia vào các hoạt động như vui chơi, học hành, thể dục thể thao, tìm kiếm việc làm và xây dựng gia đình. Người lớn bị bàn chân khoèo nếu không được phục hồi chức năng có thể gặp khó khăn trong kiếm việc làm do hình thức và chức năng vận động bị hạn chế nên khó được chấp nhận. Người bị bàn chân khoèo không được phục hồi chức năng sớm thường bị bạn bè, người xung quanh chế nhạo.

4. Bàn chân khoèo có phải là dị tật phôi thai không?

Chân khoèo không phải là một dị tật phôi thai mà là một biến dạng theo sự phát triển. Bàn chân phát triển từ tuần thứ 9 của thai kỳ khi chồi (mầm) chi có hướng thẳng theo trục của cơ thể, ở giai đoạn sớm hai lòng bàn chân thường đối mặt với nhau nhưng từ tuần thứ 14 của thai kỳ hai chân xoay vào trong và có hình dạng hoàn thiện. Siêu âm thường phát hiện bàn chân khoèo từ tuần thứ 17 của thai kỳ, trung bình là khoảng tuần thứ 22 – 23 của thai kỳ.

Câu hỏi thường gặp về khoèo chân bẩm sinh- Ảnh 2.

Trẻ bị bàn chân khoèo cần phải được phục hồi chức năng sớm.

5. Địa chỉ thăm khám và điều trị khoèo chân bẩm sinh

Để thăm khám và điều trị khoèo chân bẩm sinh, người bệnh có thể đến các khoa Chấn thương chỉnh hình, Phục hồi chức năng của các bệnh viện Trung ương - tỉnh. Dưới đây là một số địa chỉ thăm khám bàn chân khoèo tại Hà Nội bạn đọc có thể tham khảo:

1. Khoa Can thiệp điện quang thuộc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng- Đống Đa - Hà Nội

2. Khoa Chấn thương chỉnh hình, Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Địa chỉ: 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội

3. Trung tâm Cơ xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Giải Phóng - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội

4. Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Nhi Trung ương. Địa chỉ: Địa chỉ: 18/879 La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội

5. Khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống (Viện Chấn thương Chỉnh hình)- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo -Hai Bà Trưng - Hà Nội.

Bài tập hỗ trợ điều trị cho trẻ bị khoèo chân bẩm sinhBài tập hỗ trợ điều trị cho trẻ bị khoèo chân bẩm sinh

SKĐS - Đối với những trường hợp bị khoèo chân bẩm sinh, bên cạnh quá trình điều trị bằng phẫu thuật, bó bột nắn chỉnh... việc thực hiện các bài tập có tác dụng hỗ trợ, giúp đưa bàn chân về tư thế đúng, tạo dáng đi đúng về sau.


TS.BS Nguyễn Ngọc Cương
Trưởng khoa Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn