- 1. Hội chứng thận hư ở người lớn liên quan đến bệnh lý nào?
- 2. Hội chứng thận hư ở người lớn gây hậu quả gì?
- 3. Hội chứng thận hư có chữa khỏi được không?
- 4. Các phương pháp điều trị hội chứng thận hư
- 5. Đông y có chữa được hội chứng thận hư không?
- 6. Cách chăm sóc người bị hội chứng thận hư
- 7. Chi phí điều trị hội chứng thận hư
1. Hội chứng thận hư ở người lớn liên quan đến bệnh lý nào?
Hội chứng thận hư là tình trạng mất protein qua nước tiểu do tổn thương cầu thận kèm theo phù và giảm albumin máu.
Hội chứng thận hư có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có một số độ tuổi thường gặp hơn là trẻ em và người lớn. Ở người lớn, hội chứng thận hư thường liên quan đến các bệnh lý nền như đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống, viêm gan virus hoặc do sử dụng một số loại thuốc nhất định.
2. Hội chứng thận hư ở người lớn gây hậu quả gì?
Khi mắc hội chứng thận hư nếu điều trị không đúng hoặc điều trị muộn sẽ gây nhiều hậu quả như: suy dinh dưỡng, thiếu máu, xuất hiện tình trạng ứ muối và nước dư thừa trong cơ thể gây tăng huyết áp, suy thận…
Các biến chứng thường gặp ở người bệnh hội chứng thận hư là nhiễm khuẩn huyết, viêm mô, viêm tế bào, viêm phế quản, viêm phổi, rối loạn nước, điện giải… Biến chứng tiêu hóa khiến bệnh nhân đau bụng do viêm loét dạ dày - tá tràng và biến chứng ít gặp hơn là tắc mạch máu nhưng dễ gây tử vong.
3. Hội chứng thận hư có chữa khỏi được không?
Hội chứng thận hư do nhiều nguyên nhân gây ra, bệnh kéo dài và dễ tái phát và khi cầu thận đã bị tổn thương việc phục hồi hoàn toàn là rất khó, do đó hiện tại chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, với các phương pháp điều trị hiện đại, bệnh nhân có thể kiểm soát tốt các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
4. Các phương pháp điều trị hội chứng thận hư
Mục tiêu của điều trị hội chứng thận hư là: Kiểm soát triệu chứng: giảm phù nề, giảm protein niệu; Ngăn ngừa biến chứng: suy thận mạn tính, tăng huyết áp, tim mạch...; Cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các phương pháp điều trị bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng, kết hợp với chế độ ăn uống và tập luyện để tăng cường sức khỏe.
5. Đông y có chữa được hội chứng thận hư không?
Các bài thuốc Đông y có thể hỗ trợ giảm phù nề, giảm protein niệu, cải thiện chức năng thận, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp hỗ trợ điều trị, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng và tư vấn sử dụng thuốc Đông y nếu cần.
Theo BSCKII. Trịnh Hùng, Phó Trưởng khoa Nội Thận khớp, Bệnh viện 198, các bài thuốc dân gian cũng như y học cổ truyền cũng có rất nhiều tác dụng trong việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, bệnh lý thận có nhiều biến chứng nguy hiểm như phù phổi, suy tim, suy thận, huyết khối, tắc mạch, thậm chí đe dọa tính mạng. Chính vì vậy, khi có các dấu hiệu của bệnh thận người dân cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xét nghiệm và tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp.
6. Cách chăm sóc người bị hội chứng thận hư
Chăm sóc người bệnh hội chứng thận hư đòi hỏi sự kiên nhẫn. Trước tiên người bệnh cần được lưu ý tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị của các bác sĩ. Uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và báo ngay cho bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ nào do thuốc.
Hằng ngày theo dõi nước tiểu, tình trạng phù, cân nặng, huyết áp.
Chế độ ăn uống cần giảm muối để giảm phù nề và kiểm soát huyết áp. Hạn chế muối và nước khi có phù nhiều, ăn nhạt hoàn toàn trong giai đoạn phù. Tùy thuộc vào mức độ suy thận, bác sĩ sẽ tư vấn lượng protein phù hợp.
Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, ngủ đủ giấc. Tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe tim mạch và tuần hoàn máu.
7. Chi phí điều trị hội chứng thận hư
Chi phí điều trị hội chứng thận hư phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như xác định nguyên nhân, tình trạng bệnh, người bệnh đã có biến chứng hay chưa. Nếu nguyên nhân rõ ràng, điều trị sớm chi phí có thể thấp và hiệu quả. Nếu bệnh đã nặng, tổn thương thận càng lớn thì chi phí điều trị càng cao, nhất là bệnh nhân đã bị các biến chứng như suy thận, tăng huyết áp, tim mạch…
Vì vậy, người bệnh lưu ý cần đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như phù nề, tiểu có bọt, mệt mỏi, kém ăn... Càng phát hiện sớm thì khả năng điều trị càng hiệu quả và đỡ tốn kém. Cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều lượng. Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, tập thể dục đều đặn. Nhớ tái khám đúng lịch hẹn để kiểm tra chức năng thận và điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần.
Xem thêm: