Câu hỏi thường gặp về Hội chứng Ganser

29-04-2025 13:17 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Đưa ra các câu trả lời gần đúng cho các câu hỏi đơn giản là đặc điểm nổi bật nhất của hội chứng Ganser. Bệnh nhân đưa ra câu trả lời không chính xác, bản chất của câu trả lời cho thấy rằng người bệnh hiểu câu hỏi.

1. Phân biệt chẩn đoán hội chứng Ganser

Hội chứng Ganser cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như:

  • Rối loạn lưỡng cực
  • Tâm thần phân liệt
  • Trầm cảm
  • Rối loạn phân ly
  • Rối loạn giả tạo do bản thân tự gây ra (Hội chứng Munchausen)
  • Rối loạn thần kinh nhận thức liên quan đến HIV (HAND)
  • Chấn thương sọ não
  • Viêm màng não, viêm não
  • Bệnh não gan
  • Nghiện chất
  • Giả bệnh

Không có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán được Hội chứng Ganser nhưng người bệnh có thể thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác. Điều quan trọng là phải loại trừ nguyên nhân tiềm ẩn.

Câu hỏi thường gặp về Hội chứng Ganser- Ảnh 1.

Hiện tại vẫn chưa có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn hội chứng Ganser.

2. Người mắc hội chứng Ganser có cần nhập viện không?

Có nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân mắc hội chứng Ganser thường hồi phục tự nhiên và khá nhanh, đôi khi chỉ sau vài giờ hoặc một ngày. Tuy nhiên người bệnh có thể cần phải nhập viện tâm thần trong giai đoạn cấp tính để đánh giá và ngăn ngừa nguy cơ gây hại cho bản thân và những người xung quanh.

3. Hội chứng Ganser có phổ biến không?

Hội chứng Ganser được cho là rất hiếm gặp, với tỷ lệ mắc bệnh chính xác không rõ. Một đánh giá cho thấy chỉ có 117 trường hợp được báo cáo trong các tài liệu tiếng Hà Lan, Anh, Đức và Pháp từ năm 1898 đến năm 2016. Hầu hết các trường hợp được ghi nhận trong tài liệu chỉ mô tả từng bệnh nhân riêng lẻ. Hội chứng Ganser phổ biến hơn ở nam giới, với tỷ lệ nam/nữ có thể là 3 hoặc 4:1 nhưng liệu sự khác biệt này là có thật hay do sai lệch lựa chọn vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, Whitlock suy đoán rằng tỷ lệ Ganser được báo cáo cao hơn ở nam giới có thể là do tỷ lệ nam giới phạm tội bị giam giữ cao hơn.

Câu hỏi thường gặp về Hội chứng Ganser- Ảnh 2.

Hội chứng Ganser được cho là rất hiếm gặp, với tỷ lệ mắc bệnh chính xác không rõ.

Hội chứng này thường được mô tả ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 40 nhưng cũng có thể gặp ở tất cả các độ tuổi khác nhau. Hội chứng này cũng đã được ghi nhận ở trẻ em.

4. Địa chỉ thăm khám và điều trị hội chứng Ganser

Để thăm khám và điều trị hội chứng Ganser hoặc các vấn đề liên quan đến thần kinh, người bệnh nên đến các chuyên khoa về thần kinh tuyến tỉnh hoặc trung ương. Dưới đây là một số địa chỉ thăm khám và điều trị hội chứng Ganser tại Hà Nội người bệnh có thể tham khảo:

  • Khoa Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai/Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
  • Viện Thần kinh – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân Y 103. Địa chỉ: Số 261 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội.
  • Trung tâm Y khoa số 1 - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội
  • Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Việt Xô. Địa chỉ: Số 1 Trần Khánh Dư, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Chế độ dinh dưỡng với người mắc hội chứng GanserChế độ dinh dưỡng với người mắc hội chứng Ganser

SKĐS - Chế độ ăn uống lành mạnh có thể góp phần cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và hỗ trợ quá trình điều trị hội chứng Ganser.


BS Nguyễn Thị Thúy Nga
Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Việt Xô
Ý kiến của bạn