1. Hội chứng Catatonia được phát hiện năm nào?
Thuật ngữ "catatonia" lần đầu tiên được sử dụng bởi bác sĩ tâm thần người Đức Karl Ludwig Kahlbaum vào năm 1874, trong cuốn sách Die Katatonie oder das Spannungsirresein của ông. Ban đầu, ông mô tả đây là một hội chứng tâm thần vận động độc lập, đặc trưng bởi những bất thường trong hành vi vận động. Mô tả của ông bao gồm các hiện tượng như u sầu, hưng cảm, hôn mê, lú lẫn và co giật, với các dạng biểu hiện xen kẽ. Sau đó, Bleuler coi đây là một phần không thể thiếu của bệnh tâm thần phân liệt mới được hình thành. Tuy nhiên đến nửa sau thế kỷ 20, các bác sĩ lâm sàng đã quan sát thấy catatonia xảy ra trong nhiều tình trạng bệnh lý và tâm thần khác nhau, không chỉ riêng ở bệnh tâm thần phân liệt.
2. Hội chứng Catatonia có phổ biến không?
Theo nghiên cứu hiện, hội chứng Catatonia xảy ra ở 0,5% đến 2,1% những người được chăm sóc tâm thần. Con số này tăng lên khoảng 10% đối với những người cần điều trị sức khỏe tâm thần nội trú. Theo phân tích tổng hợp của 74 nghiên cứu đánh giá tỷ lệ mắc bệnh trong các bối cảnh bệnh lí khác nhau, tỷ lệ mắc Catatonia cao nhất là ở các rối loạn cơ thể (20,6%), rối loạn lưỡng cực (20,2%) và loạn thần sau sinh (20%), tiếp theo là rối loạn phổ tự kỷ (11%) và tâm thần phân liệt (9%).
Hội chứng Catatonia có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở thanh thiếu niên hoặc thanh niên hoặc ở người lớn tuổi mắc các bệnh lý hiện có. Bệnh xảy ra ở nam và nữ với số lượng gần bằng nhau.
3. Chẩn đoán hội chứng Catatonia bằng cách nào?
Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, Phiên bản thứ năm (DSM-5) , chẩn đoán Catatonia khi có ít nhất 3 trong 12 triệu chứng sau:
1. Sững sờ
2. Giữ nguyên dáng
3. Tư thế uốn sáp
4. Không nói (tức là không có hoặc rất ít phản ứng bằng lời nói [loại trừ nếu biết chứng mất ngôn ngữ]).
5. Thái độ hoặc hành vi mang tính tiêu cực
6. Tư thế (tức là duy trì tư thế một cách tự phát và chủ động chống lại trọng lực).
7. Kiểu cách, điệu bộ, cử chỉ kì lạ
8. Hành vi rập khuôn
9. Kích động, không bị ảnh hưởng bởi các kích thích bên ngoài.
10. Nhăn mặt.
11. Nói lặp lại (tức là bắt chước lời nói của người khác).
12. Nói lặp lại (tức là bắt chước các chuyển động của người khác).

Hội chứng Catatonia kéo dài càng lâu thì khả năng đáp ứng với phương pháp điều trị càng thấp.
Catatonia gặp trong rất nhiều bệnh lí, vì vậy khi gặp bệnh nhân với các triệu chứng như trên cần phải tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị .
Xét nghiệm hình ảnh: Bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)… Xét nghiệm máu, nước tiểu và dịch não tủy Kiểm tra hoạt động não: Điện não đồ (EEG) để phân tích và ghi lại hoạt động điện trong não của bạn
4. Hội chứng Catatonia có chữa khỏi được không?
Việc điều trị và tiên lượng của hội chứng Catatonia thường phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý đi kèm. Điều trị kịp thời là rất quan trọng vì hội chứng Catatonia kéo dài càng lâu thì khả năng đáp ứng với phương pháp điều trị càng thấp. Theo các nghiên cứu cho thấy hội chứng catatonia có tỷ lệ phục hồi từ 12% đến hơn 40%, bất kể phương pháp điều trị nào được áp dụng. Việc điều trị muộn có liên quan đến tiên lượng xấu.
Bên cạnh đó hội chứng Catatonia thường có tính chu kỳ, nên bệnh nhân đã hồi phục sau một đợt catatonia vẫn có nguy cơ mắc thêm các đợt khác. Vì vậy điều quan trọng là phải theo dõi , phát hiện kịp thời và quản lí bệnh nhân chặt chẽ.

Những người có dấu hiệu của Catatonia cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
5. Người mắc hội chứng Catatonia khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Hội chứng Catatonia có thể xảy ra ở nhiều bệnh lí khác nhau. Những người có dấu hiệu của Catatonia cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Những người mắc hội chứng Catatonia, đặc biệt là những người mắc các tình trạng như tâm thần phân liệt, có nguy cơ tự làm hại bản thân và tự tử cao hơn. Catatonia cũng có thể gây các biến chứng nguy hiểm như ngã, chấn thương, mất nước, loét, thuyên tắc phổi…Vì vậy khi bệnh nhân có biểu hiện bệnh cần đưa đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
6. Địa chỉ thăm khám và điều trị hội chứng Catatonia
Để thăm khám và điều trị hội chứng Catatonia hoặc các vấn đề liên quan đến thần kinh, người bệnh nên đến các chuyên khoa về thần kinh tuyến tỉnh hoặc trung ương. Dưới đây là một số địa chỉ thăm khám và điều trị hội chứng Catatonia tại Hà Nội người bệnh có thể tham khảo:
- Khoa Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai/Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc Gia - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ:78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
- Viện Thần kinh – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân Y 103. Địa chỉ: Số 261 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội.
- Trung tâm Y khoa số 1 - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội
- Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Việt Xô. Địa chỉ: Số 1 Trần Khánh Dư, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội