Câu hỏi thường gặp về hội chứng bàng quang tăng hoạt

22-03-2024 15:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng bàng quang tăng hoạt chủ yếu là điều trị ngoại trú. Người mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt cần kiểm soát thói quen và chế độ sinh hoạt hàng ngày để việc điều trị được hiệu quả.

1. Đông y có chữa được bàng quang tăng hoạt hay không?

Đông y không thể chữa được bàng quang tăng hoạt. Việc sử dụng các thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc để chữa bàng quang tăng hoạt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe thậm chí là ngộ độc, suy gan, suy thận

Cần chú ý rằng việc dùng thuốc nên được sử dụng dưới hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc bừa bãi để chữa bàng quang tăng hoạt.

2. Người bệnh cần làm gì khi mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt?

Trên thực tế, nhiều người bệnh có hội chứng bàng quang tăng hoạt nhưng chủ quan hoặc chịu đựng trong suốt một thời gian dài mới tìm đến bác sĩ. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Người mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt sẽ bị mất tập trung, ảnh hưởng đến sinh hoạt, gián đoạn giấc ngủ kéo dài và dẫn đến nhiều hệ lụy như trầm cảm, tự kỷ, giảm khả năng tình dục… Do vậy, khi có những bất thường về đi tiểu người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế, chuyên khoa về tiết niệu để được thăm khám, tìm nguyên nhân.

Câu hỏi thường gặp về hội chứng bàng quang tăng hoạt - Ảnh 1.

Người mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt cần kiểm soát thói quen và chế độ sinh hoạt hàng ngày để việc điều trị được hiệu quả.

3. Cách chăm sóc người bệnh mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt thể nhẹ tại nhà

Hội chứng bàng quang tăng hoạt chủ yếu là điều trị ngoại trú. Người mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt cần kiểm soát thói quen và chế độ sinh hoạt hàng ngày để việc điều trị được hiệu quả. Người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh như:

- Ghi nhật ký đi tiểu, tập tiểu theo giờ

- Tập luyện một số bài tập phục hồi chức năng sàn chậu theo tư vấn của bác sĩ.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống, hạn chế các đồ ăn thức uống có tính kích thích

- Điều chỉnh lượng nước uống trong ngày theo tư vấn của bác sĩ. Nếu bị tiểu đêm nên hạn chế uống nước sau 18h hoặc trong vòng 3-4 tiếng trước khi ngủ.

- Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ. Người bệnh không tự ý dừng thuốc khi cảm thấy bệnh có dấu hiệu cải thiện.

4. Bàng quang tăng hoạt có chữa khỏi không?

Nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách, bệnh nhân có thể chữa khỏi được hội chứng bàng quang tăng hoạt. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý, hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể điều trị khỏi nhưng vẫn có nguy cơ tái phát theo từng giai đoạn nếu có các yếu tố thuận lợi xuất hiện.

Câu hỏi thường gặp về hội chứng bàng quang tăng hoạt - Ảnh 2.

Bàng quang tăng hoạt khi mang thai chính là một trong những vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai và gây ra rất nhiều bất tiện.

5. Lưu ý với người béo phì, tiểu đường, mang bầu… khi mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt

- Người béo phì thường có nguy cơ cao mắc bàng quang tăng hoạt. Do vậy, với những người béo phì mắc bàng quang tăng hoạt cần phải có kế hoạch giảm cân hợp lý để duy trì được mức BMI ổn định. Người béo phì mắc bàng quang tăng hoạt cần phải thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều trị phù hợp hơn nữa cần được theo dõi thường xuyên trong quá trình chữa bệnh.

- Người bị tiểu đường mắc bàng quang tăng hoạt: Bệnh tiểu đường sẽ gây ra một số biến chứng ở bàng quang, khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên hoặc tiểu không tự chủ. Khi người bệnh ở tình trạng đường huyết cao cũng có thể dẫn đến việc tiểu không tự chủ.

Người bệnh tiểu đường sẽ thường xuyên muốn đi tiểu và mất kiểm soát việc tiểu tiện, dẫn đến tiểu không tự chủ. Do vậy, người bệnh tiểu đường khi có các dấu hiệu của hội chứng bàng quang tăng hoạt cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám. Việc điều trị cho người bệnh cần kết hợp giữa chuyên khoa tiết niệu và nội tiết để tìm ra phương án tốt nhất. Người bệnh sẽ phải giữ mức đường huyết ổn định để quá trình điều trị bàng quang tăng hoạt được hiệu quả.

- Phụ nữ mang thai bị bàng quang tăng hoạt: Khi mang thai, bàng quang phải chịu áp lực lớn đồng thời hệ thống cơ sàn chậu giảm chức năng khiến mẹ bầu gặp các vấn đề về tiết niệu.

Bàng quang tăng hoạt khi mang thai chính là một trong những vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai và gây ra rất nhiều bất tiện. Nếu trong quá trình mang thai, bà bầu gặp các triệu chứng bàng quang tăng hoạt (tiểu đêm, tiểu nhiều lần, tiểu són…) thì không cần quá lo lắng nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Tuy nhiên nếu xuất hiện thêm các triệu chứng như khát nước, không tăng cân, đói, đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu nhiều, nước tiểu có màu bất thường… thì cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tìm nguyên nhân. Phụ nữ mang thai cần hết sức lưu ý các dấu hiệu bất thường trong suốt quá trình thai kỳ để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể có các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với những bệnh về đường tiết niệu khác. Do đó, khi có triệu chứng bất thường, người bệnh cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác cũng như được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Thông thường, bệnh nhân sẽ được thăm khám lâm sàng và làm một số chỉ định như: tổng phân tích nước tiểu, siêu âm hệ tiết niệu, nội soi bàng quang, niệu động học…

Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trịBàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

SKĐS - Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng tiểu gấp, thường đi kèm với tăng số lần tiểu ngày và/hoặc tiểu đêm, có tiểu són hoặc không có tiểu són.


ThS.BS Trịnh Thị Thanh Hằng
Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn