Câu hỏi thường gặp về gù cột sống

29-03-2025 17:35 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Gù cột sống có thể khác nhau về mức độ ảnh hưởng. Đường cong càng lớn, tình trạng bệnh càng nghiêm trọng.

1. Gù cột sống có nguy hiểm không?

Trong phần lớn các trường hợp, chứng gù cột sống gây ra ít phiền toái và không cần điều trị. Đôi khi, người bệnh có thể phải đeo nẹp lưng hoặc tập các bài tập để cải thiện tư thế và tăng cường cột sống. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng gù cột sống có thể gây đau đớn, gây biến dạng cột sống đáng kể và dẫn đến các rối loạn về hô hấp. Người mắc chứng gù cột sống nặng có thể cần phẫu thuật để giúp giảm đường cong cột sống quá mức và cải thiện các triệu chứng vận động của họ.

Gù cột sống có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng. Nói chung, đường cong càng lớn, tình trạng bệnh càng nghiêm trọng. Những đường cong nhẹ hơn có thể gây đau lưng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì. Những đường cong nghiêm trọng hơn có thể gây ra biến dạng cột sống đáng kể và dẫn đến một cái bướu trên lưng bệnh nhân.

2. Có mấy loại gù cột sống?

Gù cột sống được chia làm 3 nhóm:

Gù cột sống tư thế: Loại gù cột sống phổ biến nhất, thường trở nên đáng chú ý ở tuổi vị thành niên. Nó được nhận thấy trên lâm sàng là tư thế bệnh nhi sai hoặc chùng xuống, nhưng không liên quan đến các bất thường cấu trúc nghiêm trọng của cột sống. Đường cong gây ra bởi chứng gù cột sống tư thế thường tròn và bệnh nhân thường có thể điều chỉnh được khi đứng thẳng. Chứng gù cột sống tư thế thường gặp ở trẻ em gái hơn trẻ em trai. Nó hiếm khi gây đau đớn và vì đường cong không tiến triển nên nó thường không dẫn đến các vấn đề trong cuộc sống của người lớn.

Câu hỏi thường gặp về gù cột sống- Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Ngọc Cương - Trưởng khoa Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Gù cột sống của Scheuermann: Giống như chứng gù cột sống tư thế, chứng gù cột sống của Scheuermann thường trở nên rõ ràng trong những năm thiếu niên. Tuy nhiên, chứng gù cột sống của Scheuermann có thể dẫn đến biến dạng nghiêm trọng đáng kể so với chứng gù cột sống tư thế – đặc biệt ở những bệnh nhân gầy. Chứng gù cột sống của Scheuermann là do bất thường cấu trúc ở cột sống.

Gù cột sống bẩm sinh: Bệnh gù cột sống bẩm sinh có từ lúc mới sinh. Nó xảy ra khi cột sống không phát triển bình thường khi em bé còn trong tử cung. Xương có thể không hình thành như mong muốn hoặc một số đốt sống có thể dính với nhau. Chứng gù cột sống bẩm sinh thường nặng hơn khi trẻ lớn lên. Người bệnh mắc chứng gù cột sống bẩm sinh thường cần điều trị phẫu thuật khi còn rất bé để ngăn chặn sự tiến triển của đường cong. Nhiều khi những bệnh nhân này sẽ có thêm các dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như tim và thận.

3. Chăm sóc người bệnh gù cột sống bằng cách nào?

Người bệnh gù cột sống sau khi được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị bệnh. Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Với người lớn: tránh mang vác vật nặng hoặc ngồi sai tư thế trong thời gian quá dài.
  • Với trẻ nhỏ: Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế; Không để trẻ mang vác cặp sách quá nặng; Lựa chọn kích thước bàn ghế học phù hợp với lứa tuổi.

Chú ý chế độ dinh dưỡng bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, canxi, chất xơ… theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Câu hỏi thường gặp về gù cột sống- Ảnh 2.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng gù cột sống có thể gây đau đớn, gây biến dạng cột sống đáng kể và dẫn đến các rối loạn về hô hấp.

4. Đông y có chữa được gù cột sống không?

Trong một số trường hợp, các biện pháp đông y phục hồi chức năng sẽ có thể hỗ trợ quá trình điều trị gù cột sống. Tuy nhiên tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ có chỉ định. Người bệnh nên lưu ý tuyệt đối không tự ý điều trị hay sử dụng các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

5. Địa chỉ khám và điều trị gù cột sống

Để thăm khám và điều trị gù cột sống, người bệnh có thể đến các khoa Chấn thương chỉnh hình, Phục hồi chức năng của các bệnh viện Trung ương - tỉnh. Dưới đây là một số địa chỉ thăm khám gù cột sống tại Hà Nội bạn đọc có thể tham khảo:

1. Khoa Can thiệp điện quang thuộc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng- Đống Đa - Hà Nội

2. Khoa Chấn thương chỉnh hình, Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Địa chỉ: 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội

3. Trung tâm Cơ xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: 78 Giải Phóng - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội

4. Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Nhi Trung ương. Địa chỉ: Địa chỉ: 18/879 La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội

5. Khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống (Viện Chấn thương Chỉnh hình)- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo -Hai Bà Trưng - Hà Nội. 

Bài tập cho người gù cột sốngBài tập cho người gù cột sống

SKĐS - Việc kết hợp các phương pháp điều trị y khoa với tập luyện đúng cách sẽ hỗ trợ hiệu quả giảm thiểu tình trạng gù cột sống, cải thiện chức năng vận động, giúp người bệnh đạt được chất lượng cuộc sống tốt hơn.


TS.BS Nguyễn Ngọc Cương
Trưởng khoa Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn