1. Đông y có chữa được còn ống động mạch không?
Còn ống động mạch (PDA) là một bệnh lý tim mạch và cần được can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật. Do vậy không dùng đông y để chữa bệnh còn ống động mạch.
2. Chẩn đoán còn ống động mạch bằng cách nào?
Việc chẩn đoán bệnh dựa vào triệu chứng điển hình của bệnh là có tiếng thổi liên tục ở khoang liên sườn 2 bên trái. Tuy nhiên, thông thường ở một trẻ có bệnh lý này thường không có biểu hiện lâm sàng gì, hoặc bệnh nhân thường đến với các đợt viêm phổi, hoặc tình cờ phát hiện do một bệnh lý khác.
Mặt khác, tiếng thổi này có thể không điển hình trong một số trường hợp như ở trẻ sơ sinh non tháng hay ở những người lớn có ống nhỏ. Ngay cả ở một trẻ có ống lớn nhưng có kèm theo tăng lưu lượng phổi nặng thì cũng không thể phát hiện ra tiếng thổi này.
Một số biểu hiện khác cũng giúp định hướng bệnh như cân nặng thường nhỏ hơn so với tuổi trong một phần ba số trẻ có ống động mạch hoặc có biểu hiện không tăng cân, những trẻ có tiền sử đẻ non, suy thai quanh đẻ, thiếu oxy quanh đẻ.
Như vậy, đối với trẻ sơ sinh thường gặp các triệu chứng sau:
- Tiếng thổi liên tục
- Mạch nảy
- Tăng động mỏm tim
- Suy tim và các dấu hiệu của suy tim
- Giảm áp lực tâm trương
- Mạch nhanh
- Tim to
- Gan to
- Giãn tâm thất phải, trái hoặc cả hai
- Những đợt khó thở
- Hiện tượng phụ thuộc máy thở
- Suy hô hấp
- Toan chuyển hóa vô căn
- Chậm tăng cân
Dựa vào các phương pháp chẩn đoán còn ống động mạch như:
- Dấu hiệu X-quang: Tim to, chỉ số tim/ngực tăng trên 55% với trẻ nhũ nhi, cung động mạch phổi nổi, thương tổn nhu mô phổi viêm phế quản phổi.
- Điện tim đồ: Đánh giá trạng thái tăng gánh tâm trương thất trái, dày thất trái, nhĩ trái. Đánh giá dày thất phải, nhĩ phải.
- Siêu âm: Siêu âm Doppler tim mạch là một công cụ cho phép chẩn đoán chính xác và kịp thời bệnh còn ống động mạch với độ nhậy (96%) và độ đặc hiệu cao (100%). Thông qua việc thăm dò bằng các phương pháp:
+ Siêu âm 2D: thấy trực tiếp ống động mạch ở khoảng 90 - 100% ở trẻ em.
+ Siêu âm Doppler màu: với độ nhạy là 96% và đặc hiệu là 100%, có thể tính áp lực động mạch phổi qua trung gian chênh áp lực ống động mạch, van ba lá, van động mạch phổi.
3. Chăm sóc bệnh nhân còn ống động mạch như thế nào?
Bệnh nhân sau khi thực hiện đóng ống động mạch bằng dụng cụ hoặc phẫu thuật cần được theo dõi để đề phòng các biến chứng và ra viện khi có chỉ định. Bệnh nhân cần thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
4. Còn ống động mạch có chữa khỏi được không?
Hiện tại với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, còn ống động mạch có thể chữa khỏi được và ít để lại biến chứng cho người bệnh.
5. Còn ống động mạch có nguy hiểm không?
Còn ống động mạch có thể gây ra suy tim, nhiễm trùng phổi tái phát ở trẻ. Nếu không được điều trị sẽ làm tăng áp động mạch phổi từ đó gây ra tình trạng bệnh mạch máu phổi tắc nghẽn.
6. Chi phí khám còn ống động mạch
Để thăm khám bệnh lý còn ống động mạch, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa về tim mạch. Tại đây, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và chỉ định một số phương pháp để chẩn đoán bệnh. Dưới đây là chi phí tham khảo một số dịch vụ:
- Siêu âm Doppler có giá từ 220.000 đồng trở lên
- Chụp X-quang có giá từ khoảng 50.000 đồng trở lên
- Điện tim đồ có giá từ 50.000 đồng trở lên
Một số địa chỉ bệnh viện thăm khám, điều trị bệnh lý còn ống động mạch bạn có thể tham khảo:
- Viện Tim mạch quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ: số 78 Giải Phóng, phường Phương Đình, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Nhi Trung ương. Địa chỉ: 18/879 La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội
- Viện Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: 1 Trần Hưng Đạo, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội