Hà Nội

Câu hỏi thường gặp về còi xương

20-11-2024 05:51 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh còi xương sẽ khiến xương của trẻ yếu, mềm đi và chậm lớn. Thậm chí một số trường hợp còi xương còn có thể khiến trẻ bị biến dạng xương.

1. Đông y có chữa được còi xương không?

Trong đông y còi xương ở trẻ còn gọi là bệnh cam. Đông y có một số bài thuốc giúp tăng cường thể trạng cho trẻ còi xương, chữa các triệu chứng hay ra mồ hôi trộm, tiêu hóa kém… Tuy nhiên, để biết chính xác trẻ bị còi xương ở mức độ nào, quá trình điều trị ra sao, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.

Các bác sĩ sẽ có những chỉ định cụ thể với từng trường hợp của trẻ. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị còi xương cho trẻ.

2. Cần lưu ý gì cho chế độ chăm sóc trẻ bị còi xương?

Khi trẻ bị còi xương, bố mẹ có thể bổ sung vitamin D cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin D cung cấp trong bữa ăn của trẻ cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh việc bổ sung quá nhiều khiến trẻ bị dư thừa vitamin D dẫn đến các bệnh nguy hiểm như vôi hóa động mạch, sỏi thận,…

Câu hỏi thường gặp về còi xương- Ảnh 1.

BS Nguyễn Ngọc Định (Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương).

Sau đây là những lưu ý về chế độ dinh dưỡng của trẻ bị còi xương:

  • Đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm chất chính: chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Chú ý bổ sung nhóm vi chất tham gia vào quá trình hình thành xương như vitamin D, canxi, phosphate, sắt và kẽm.
  • Tăng lượng chất béo từ dầu, mỡ giúp trẻ hấp thụ vitamin D dễ dàng hơn.
  • Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi để trẻ hấp thụ các vi chất dễ hơn.

3. Chăm sóc bệnh nhân còi xương như thế nào?

Trẻ bị còi xương cần được đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và có phác đồ điều trị cụ thể. Bên cạnh phác đồ điều trị của bác sĩ, chế độ ăn theo chỉ định cha mẹ cần có các biện pháp để chăm sóc con tốt hơn như:

  • Thói quen sinh hoạt khoa học: Cha mẹ cần lựa chọn các bài tập vận động phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ, thường xuyên cho trẻ vui chơi ngoài trời để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện…
  • Cho trẻ kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nếu trẻ có vấn đề về còi xương, cha mẹ cần theo dõi cân nặng thường xuyên và thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.
  • Cho trẻ tắm nắng thường xuyên. Đối với trẻ sơ sinh, lúc này làn da của trẻ khá nhạy cảm, bố mẹ nên tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, khi tắm nắng cho trẻ, trẻ nên được mặc quần áo và thoa kem chống nắng phù hợp khi tắm nắng.

Cấu trúc xương của trẻ bị còi xương thường sẽ mềm và yếu hơn so với trẻ bình thường. Vì vậy, khi trẻ vui chơi, chạy nhảy, bố mẹ cần giám sát cẩn thận, hạn chế các hoạt động nặng, gây nứt, gãy xương ở trẻ.

Câu hỏi thường gặp về còi xương- Ảnh 2.

Cho trẻ tắm nắng hàng ngày khoảng 15-30 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ) là cách để phòng ngừa còi xương.

4. Còi xương có chữa khỏi được không?

Thông thường, bệnh còi xương sẽ được chẩn đoán thông qua thăm khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng và kiểm tra sự bất thường của xương như hộp sọ, ngực, chân tay,… Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ thực hiện một số xét nghiệm y khoa để kiểm tra mức độ biến dạng của xương và nồng độ vitamin D, canxi và phosphate trong cơ thể bệnh nhân để đánh giá sự thiếu hụt chất dinh dưỡng cho trẻ, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Còi xương ở trẻ có thể chữa được nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và tìm nguyên nhân.

Câu hỏi thường gặp về còi xương- Ảnh 3.

Trẻ bị còi xương cần được thăm khám và điều trị sớm để hạn chế những biến chứng.

5. Còi xương có nguy hiểm không?

Bệnh còi xương nếu không điều trị có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ở trẻ. Bệnh có thể gây ra ảnh hưởng đến cả sức khỏe và trí tuệ của trẻ. Những biến chứng có thể gặp ở trẻ còi xương là:

  • Chậm phát triển về thể chất
  • Cột sống bất thường, cong cột sống
  • Dị tật xương
  • Mất xương vĩnh viễn
  • Răng mọc thiếu, khiếm khuyết nha khoa

6. Chi phí thăm khám và điều trị còi xương

Ban đầu, trẻ sẽ được khám tổng quát để chẩn đoán tình trạng bệnh. Khi khám tổng quát, thông thường các bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp như:

  • Khám cân nặng, chiều cao
  • Khám nội tổng quát
  • Xét nghiệm máu, nước tiểu
  • Đánh giá chức năng gan, thận và định lượng sắt, kẽm, canxi, vitamin D… trong cơ thể

Chi phí khám có thể từ 500.000 đồng trở lên. Sau đây là một số địa chỉ thăm khám còi xương tại Hà Nội để cha mẹ tham khảo:

  • Bệnh viện Nhi Trung ương. Địa chỉ: 18/879 La Thành, Đống Đa, Hà Nội.
  • Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai). Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.
  • Khoa Nhi (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Khoa Nhi (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.
Còi xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaCòi xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Nguyên nhân chính gây bệnh còi xương là do việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của xương như vitamin D, canxi...


BS Nguyễn Ngọc Định
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương
Ý kiến của bạn