Câu hỏi thường gặp về chấn thương sọ não

02-11-2024 17:59 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chấn thương sọ não có nguy cơ tử vong cao cũng như để lại các di chứng nặng nề cho người bệnh.

1. Đông y có chữa được chấn thương sọ não không?

Chấn thương sọ não là một chấn thương nghiêm trọng cần được xử trí bởi các bác sĩ chuyên khoa hồi sức thần kinh. Đông y có thể hỗ trợ điều trị cùng với chuyên ngành ngoài thần kinh trong giai đoạn điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

2. Có mấy loại chấn thương sọ não?

Có thể phân ra 2 loại:

  • Chấn thương sọ não kín: Không có rách da đầu, vỡ xương sọ, rách màng cứng.
  • Chấn thương sọ não hở (hay vết thương sọ não): Có rách da đầu, vỡ xương sọ dưới vị trí rách da, rách màng cứng làm thông thương màng nhện và nhu mô não với môi trường bên ngoài.

3. Chăm sóc người bệnh chấn thương sọ não

Bên cạnh việc chăm sóc người bệnh chấn thương sọ não theo chỉ định của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng.

  • Ở giai đoạn cấp tính từ khoảng 2-5 ngày sau phẫu thuật, người bệnh thương nằm 1 chỗ hoặc cử động nhẹ do vậy cần lựa chọn chế độ dinh dưỡng hợp lý vừa đủ, tránh việc thừa dinh dưỡng tạo nên gánh nặng cho người bệnh. Người bệnh thường được khuyến cáo chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày và ưu tiên lựa chọn các thực phẩm mềm, lỏng như súp, cháo, sữa, sinh tố… để dễ hấp thu. Nếu người bệnh gặp tình trạng khó ăn uống sẽ được chỉ định dinh dưỡng bằng đường sonde (ống thông).
  • Giai đoạn hồi phục nhu cầu năng lượng của người bệnh sẽ thay đổi và thường được khuyến cáo bổ sung các chất cần thiết để nhanh bình phục. Các dưỡng chất được khuyến cáo trong giai đoạn này là: chất đạm, O-mega3, chất khoáng, vitamin… Việc đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh vô cùng quan trọng. Chăm sóc dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp người bệnh nhanh hồi phục. Tuy nhiên, mọi chỉ định đều phải do bác sĩ chuyên khoa quyết định.
Câu hỏi thường gặp về chấn thương sọ não- Ảnh 1.

BSCKI Nguyễn Tiến Quân - Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện 19-8).

4. Sơ cứu người bị chấn thương sọ não

Việc sơ cứu trước viện đối với người bệnh chấn thương sọ não là vô cùng quan trọng. Trước hết cần đánh giá mức độ nặng nhẹ của tổn thương não: bất tỉnh, co giật, rối loạn nhịp thở, nôn mửa, chảy máu… cũng như các tổn thương kết hợp (cột sống cổ, bụng, ngực, chân tay…) để quyết định can thiệp theo trình tự cấp cứu:

  • Đánh giá tình trạng hô hấp tim mạch: Đảm bảo thông thoáng đường thở, lấy bỏ dị vật đất, cát, làm sạch đờm rãi... hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu bệnh nhân có biểu hiện ngừng tuần hoàn.
  • Cố định cột sống cổ.
  • Nếu người bệnh chảy máu nhiều ở vết thương da đầu thì cần băng bó ngay.
  • Để người bệnh nằm nghiêng cho lưỡi hạ xuống thấp với mục đích để đờm dãi và máu chảy ra tránh trường hợp tắc nghẽn đường thở.
  • Sau khi xử trí cấp cứu ban đầu, cần tìm phương tiện đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nên hạn chế việc tự di chuyển bệnh nhân dễ dẫn đến việc làm nặng tình trạng tổn thương do sai tư thế.

5. Người bị chấn thương sọ não mất bao lâu để hồi phục?

Rất khó để đánh giá chính xác khả năng hồi phục của một bệnh nhân chấn thương sọ não. Bởi mỗi bệnh nhân là một cá thể khác nhau với những đặc trưng về tổn thương, khả năng đáp ứng điều trị. Quan trọng hơn hết, người bệnh cần được theo dõi quá trình hồi phục sau chấn thương, hầu hết các bệnh nhân sẽ bình phục sau những chấn thương não nhẹ. Trong quá trình hồi phục cần lưu ý một số vấn đề như:

  • Ngủ đủ giấc.
  • Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, uống đủ nước.
  • Cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý và tránh làm việc căng thẳng, stress.
  • Không sử dụng các chất kích thích (cà phê, thuốc lá…) và không uống rượu bia.
  • Tập luyện một số bài tập theo lời khuyên của bác sĩ.
Câu hỏi thường gặp về chấn thương sọ não- Ảnh 2.

Một trường hợp chấn thương sọ não cần phải phẫu thuật.

Một số bài tập phục hồi chức năng sẽ giúp người bệnh khôi phục tối đa chức năng của cơ thể sau khi bị chấn thương sọ não. Thời gian cho việc hồi phục của mỗi bệnh nhân là khác nhau. Nếu trong quá trình hồi phục người bệnh có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì cần liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, tìm nguyên nhân.

6. Chi phí thăm khám và điều trị chấn thương sọ não

Ngay sau khi người bệnh có các va chạm giao thông hoặc các dấu hiệu nghi ngờ bị chấn thương sọ não cần đưa ngay vào cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời. Các bác sĩ sẽ thông qua thăm khám lâm sàng, chụp chiếu để đưa ra những chẩn đoán và phương án điều trị thích hợp. Người nhà và bệnh nhân cần xác định với những trường hợp chấn thương sọ não nặng không chỉ mất chi phí điều trị lớn mà thời gian điều trị cũng phải kéo dài.

Chi phí tham khảo một số hình thức thăm khám có thể áp dụng cho người bệnh chấn thương sọ não:

  • Giá chụp X-quang đầu có thể có mức giá từ 150.000 -200.000 đồng.
  • Giá chụp CT não khoảng 900.000 - 4.000.000 đồng.
  • Chi phí phẫu thuật chấn thương sọ não phụ thuộc vào tình trạng bệnh của từng người.
  • Ngoài ra người bệnh còn cần chi trả thêm các khoản thuốc, giường nằm điều trị...
Vì sao cần phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não?Vì sao cần phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não?

SKĐS - Sau chấn thương sọ não, một số bệnh nhân có thể may mắn hồi phục hoàn toàn trong khi một số khác lại bị di chứng yếu một phần cơ thể. Việc phục hồi chức năng cho người bệnh chấn thương sọ não rất quan trọng.


BSCKI Nguyễn Tiến Quân
Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện 19-8).
Ý kiến của bạn