Câu hỏi thường gặp về bướu cổ

31-08-2024 13:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Phần lớn các trường hợp bướu cổ thường gặp thuộc loại lành tính nên người bệnh không cần quá lo lắng. Tuy nhiên người bệnh cũng không nên chủ quan mà cần tới cơ sở y tế để thăm khám khi mắc bướu cổ.

1. Đông y có chữa được bướu cổ hay không?

Đối với các trường hợp bướu cổ đơn thuần, các bác sĩ có thể dựa vào thăm khám để quyết định có kết hợp các bài thuốc đông y để điều trị cho người bệnh hay không. Bởi nếu kết hợp không đúng (dùng quá liều, dùng không đúng cách) sẽ có thể gây ra tác dụng phụ.

Thậm chí một số trường hợp có thể gây ra tương tác thuốc và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Tốt nhất, người bệnh không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Tất cả các loại thuốc đều cần có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ điều trị. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối và không tự ý bỏ thuốc, sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bướu cổ.

2. Có những loại bướu cổ nào?

Dưới đây là một số loại bướu cổ thường gặp dựa theo chức năng của tuyến giáp và hình thái phát triển:

Hình thái phát triển

  • Bướu cổ đơn thuần: Là dạng bướu cổ lành tính khiến toàn bộ tuyến giáp sưng lên khi sờ vào có cảm giác mịn, người bệnh có thể cảm thấy nghẹn ở cổ.
  • Bướu giáp đơn nhân: Là dạng bướu cổ có một cục rắn có thể có chất lỏng bên trong phát triển bên trong tuyến giáp. Bướu giáp đơn nhân khi sờ vào có cảm giác sần thậm chí có những trường hợp nhân to nổi gồ lên da. Trong trường hợp nhân nhỏ có thể phát hiện qua siêu âm tuyến giáp.

Phân loại theo chức năng

  • Bướu giáp không độc: Nếu tuyến giáp của người bệnh to lên nhưng hormone tuyến giáp không bị ảnh hưởng (bình giáp) thì được gọi là bướu giáp không độc.
  • Bướu giáp độc: Là tình trạng bướu giáp to ra và sản xuất ra nhiều hormone hay còn gọi là cường giáp.
Câu hỏi thường gặp về bướu cổ- Ảnh 1.

Bướu cổ có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường gặp ở phụ nữ hơn.

3. Cách chăm sóc sau mổ bướu cổ tại nhà

Người mắc bướu cổ có thể sẽ phải phẫu thuật, sau khi mổ bướu cổ người bệnh cần lưu ý để phục hồi sức khỏe bằng cách:

  • Tùy vào từng phương pháp phẫu thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc vết thương khác nhau. Có thể sẽ xuất hiện cơn đau từ 4-5 ngày sau mổ kèm theo một số biểu hiện như đau họng, mệt mỏi… và sẽ giảm dần từ 1-2 tuần.
  • Sử dụng thuốc trị sẹo, chăm sóc vết mổ và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần tái khám theo lịch hẹn để theo dõi tình trạng vết mổ và khám chức năng của tuyến giáp.
  • Người bệnh cần hạn chế các hoạt động làm căng vết mổ, khiến vết mổ đau đớn. Hạn chế nói quá to để ảnh hưởng tới dây thanh quản. Nên nghỉ ngơi và hạn chế căng thẳng, áp lực về mặt tâm lý.
  • Sau mổ, người bệnh nên hạn chế đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhiều gia vị, dầu mỡ. Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Nên có chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng và tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C trong thực đơn hàng ngày. Bên cạnh đó nên ưu tiên các thực phẩm dạng lỏng, dễ hấp thu như cháo, soup, đồ hầm, sinh tố…

4. Ai dễ mắc bệnh bướu cổ?

Bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bướu cổ. Tuy nhiên có một số yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bướu cổ:

  • Trong gia đình có người mắc các bệnh lý về tuyến giáp, ung thư tuyến giáp.
  • Người thiếu i-ốt trong chế độ ăn hoặc thiếu i-ốt vì lý do khác.
  • Người từ 40 tuổi trở đi. Khi cơ thể lão hóa có thể gây ảnh hưởng đến sự hoạt động của tuyến giáp.
  • Phụ nữ trong quá trình mang thai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do sự thay đổi về hormone.
  • Người xạ trị vùng ngực, cổ.
  • Nguy cơ bướu cổ cũng có thể tăng lên với những người béo phì, người mắc hội chứng chuyển hóa, kháng insulin.
Câu hỏi thường gặp về bướu cổ- Ảnh 2.

Siêu âm tuyến giáp là cách hiệu quả để phát hiện bướu cổ.

5. Chẩn đoán bướu cổ bằng cách nào?

Các bất thường ở tuyến giáp có thể sờ bằng tay, nhìn tại nhà hoặc thông qua thăm khám sức khỏe định kỳ để có phát hiện sớm bệnh lý. Các bác sĩ có thể thông qua một số phương pháp để chẩn đoán bệnh bướu cổ như:

  • Siêu âm tuyến giáp: Đây là phương pháp đơn giản nhất để phát hiện bất thường ở tuyến giáp đồng thời kiểm tra được kích thước, hoặc xem tuyến giáp có u hay không.
  • Xét nghiệm máu: Thông qua nồng độ hormone tuyến giáp có thể cho thấy tuyến giáp có hoạt động bình thường không.
  • Sinh thiết: Mẫu mô hoặc tế bào ở tuyến giáp sẽ được lấy để làm sinh thiết nếu xuất hiện các nhân giáp lớn. Mục đích của sinh thiết là để loại trừ trường hợp ung thư.
  • Chụp MRI hoặc CT tuyến giáp: Khi bướu cổ lớn và lan sang các phần xung quanh, các bác sĩ có thể cần chụp CT/MRI để đo kích thước và phần lan rộng của bướu cổ.
  • Xạ hình tuyến giáp: Giúp đánh giá chức năng tuyến giáp toàn diện và phát hiện ung thư ở giai đoạn khởi phát.

6. Chi phí khám, điều trị bướu cổ

Khi bị bướu cổ, người bệnh có thể thăm khám tại chuyên khoa nội tiết của các bệnh viện. Dựa vào tình trạng của từng người bệnh các bác sĩ sẽ đưa ra những phương án điều trị phù hợp. Dưới đây là một số chi phí tham khảo tại các bệnh viện:.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Chi phí chưa bao gồm phí xét nghiệm):

  • Khám thường: 100.000 đồng.
  • Khám chọn: Thạc sĩ 300.000 đồng/ Tiến sĩ 400.000 đồng/ Giáo sư- Phó Giáo sư 500.000 đồng.
  • Khám yêu cầu: 300.000 đồng.
  • Khám dịch vụ 24/7 (tại cơ sở Tứ Hiệp): 300.000 đồng.
  • Khám ngoài giờ: 300.000 đồng.

Bệnh viện Bạch Mai:

  • Khám chọn: Thạc sĩ – Bác sĩ: 300.000 đồng/ Tiến sĩ – Bác sĩ chuyên khoa II: 350.000 đồng/ Giáo sư- Phó Giáo sư – Bác sĩ cao cấp: 400.000 đồng.
  • Siêu âm: 140.000 đồng.

Bệnh viện Đại học Y: Khám theo yêu cầu ung bướu 350.000 đồng.

Chế độ ăn cho người bệnh bướu cổChế độ ăn cho người bệnh bướu cổ

SKĐS - Khi bị bướu cổ, việc áp dụng chế độ ăn uống khoa học giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và cải thiện tình trạng bệnh.


Ths.BS Hoàng Vũ
Khoa Phẫu thuật lồng ngực - Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn