Câu hỏi thường gặp về bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12

04-09-2024 10:58 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thiếu máu do thiếu vitamin B12 gây thiếu oxy trong máu và các mô, dẫn đến việc các hệ cơ quan trong cơ thể có thể hoạt động bất thường. Bên cạnh đó, thiếu oxy sẽ khiến bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, yếu ớt...

1. Đông y có chữa được thiếu máu do thiếu vitamin B12?

Đông y không chữa được bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12, nhưng có nhiều món ăn, bài thuốc rất hiệu quả với căn bệnh này. Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc sau:

Tứ vật thang

Là bài thuốc vừa bổ huyết, hoạt huyết, hành khí, dùng cho bệnh nhân huyết hư có khí huyết ứ trệ. Bài thuốc thường dùng cho phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh hoặc sau đẻ con bị ứ sản dịch, huyết hư huyết trệ.

Thành phần: Đương quy 12g, Thục địa 12g, Xuyên khung 6g, Bạch thược 12g. Cách dùng: Sắc thuốc uống, ngày 1 thang; Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn.

Đương quy bổ huyết thang

Bài thuốc có tác dụng bổ khí, sinh huyết, dùng cho bệnh nhân bị mất máu nặng do các vết thương lâu không lành, nổi ban dị ứng hoặc băng lậu sau sinh nở.

Thành phần: Hoàng kỳ 40g, Đương quy 12g. Sắc thuốc uống, ngày 1 thang; Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn.

Quy tỳ thang

Bài thuốc điều trị chứng tâm tỳ lưỡng hư, khí huyết đều hư và các chứng chảy máu do tỳ hư mà không giữ được máu trong lòng mạch. Bệnh nhân mắc chứng tâm tỳ lưỡng hư thường có các triệu chứng kèm theo như: mất ngủ, ngủ không sâu giấc, ăn uống không ngon miệng, hay quên, dễ hoảng sợ, suy nhược cơ thể.

Thành phần: Nhân sâm 12g, Hoàng kỳ 20g, Toan táo nhân 12g, Mộc hương 2g, Bạch truật 12g, Phục thần 12g, Đương quy 4g, Chích cam thảo 2g, Viễn trí 4g, Long nhãn 12g. Sắc thuốc uống, ngày 1 thang, thêm 3 lát gừng và 3 quả đại táo; Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn.

Người bệnh lưu ý, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc về uống. Kết hợp sử dụng thuốc với chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý. Tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.

2. Cách xử trí, phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12

Thông thường, thiếu máu do thiếu vitamin B12 rất dễ điều trị bằng chế độ ăn uống và bổ sung vitamin B12. Ăn uống hợp vệ sinh và khoa học. Khẩu phần ăn phải có đầy đủ các chất, hợp khẩu vị, hạn chế các gia vị nhân tạo, hương liệu và dầu mỡ.

Câu hỏi thường gặp về bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12- Ảnh 1.

Thiếu máu do thiếu vitamin B12 rất dễ điều trị bằng chế độ ăn uống và bổ sung vitamin B12.

Chế độ sinh hoạt làm việc cân đối, kết hợp rèn luyện nâng cao sức khỏe. Phụ nữ cần lưu ý đến chu kỳ kinh nguyệt của mình, bổ sung thêm sắt uống và ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều sắt.

Lắng nghe cơ thể và phát hiện kịp thời các dấu hiệu nghi ngờ thiếu máu cũng như các yếu tố nguy cơ thiếu máu. Khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.

Bạn hãy ăn nhiều thực phẩm có chứa sắt, chẳng hạn như: Thịt bò, gan và thịt gà; Cá và động vật có vỏ, cá hồi, cá ngừ và nghêu; Ngũ cốc ăn sáng; Sữa ít béo, sữa chua và phô mai; Trứng...

Bác sĩ có thể khuyên nên bổ sung vitamin B12. Nó đi kèm trong thuốc hoặc thuốc xịt mũi. Nếu cơ thể có rất ít vitamin này, bác sĩ có thể tiêm vitamin B12 liều cao hơn.

Bạn cũng có thể cần được điều trị nguyên nhân gây thiếu máu. Nhưng tăng mức vitamin B12 là điều quan trọng có thể làm. Nếu kéo dài tình trạng thiếu máu quá lâu, nó có thể làm hỏng tim, não, dây thần kinh, xương và các cơ quan khác trong cơ thể. Với điều trị, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và tránh bất kỳ vấn đề lâu dài.

3. Thiếu máu do thiếu vitamin B12 có chữa khỏi được không?

Thiếu máu do thiếu vitamin B12 hoàn toàn có thể chữa khỏi và sẽ phụ thuộc nguyên nhân, độ nghiêm trọng của chứng thiếu máu. Thông thường người bệnh sẽ cần bổ sung thêm sắt, vitamin B12 từ thuốc uống hoặc siro bổ sung và sẽ được dùng ít nhất một lần mỗi ngày trong vòng 6 - 12 tháng.

4. Cách chăm sóc bệnh thiếu máu tại nhà

Thiếu máu do thiếu vitamin B12 có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, cơ thể không thể tự sản xuất được vitamin B12 mà được cung cấp từ chế độ dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung. Vì vậy, cách để bạn ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin B12 hiệu quả là cải thiện chế độ ăn uống mỗi ngày đảm bảo cân đối và hợp lý.

Trường hợp cơ thể xuất hiện triệu chứng nghi ngờ thiếu máu do thiếu vitamin B12 thì cần phải đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, điều trị sớm.

Câu hỏi thường gặp về bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12- Ảnh 2.

Thiếu máu do thiếu vitamin B12 có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Ngoài thực hiện chỉ định của các bác sĩ, bệnh nhân thiếu máu do thiếu vitamin B12 nên ăn uống thêm các thực phẩm giàu vitamin B12 như: các loại thịt đỏ, gan, rau đậm màu, các loại đậu, ngũ cốc, sô cô la đen, bánh mì làm từ ngũ cốc còn nguyên hạt, trái cây, các sản phẩm từ đậu nành… Người bệnh thiếu máu nên thực hiện theo chế độ ăn được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn.

Một số loại thực phẩm giàu vitamin B12 mà bạn có thể bổ sung trong khẩu phần ăn hàng ngày là:

  • Nội tạng động vật: Đứng đầu danh sách thực phẩm giàu Vitamin B12 phải kể đến là gan. Ngoài ra, nội tạng động vật còn có nhiều dưỡng chất khác như vitamin A, B2, đồng, Selen,…
  • Thịt bò: Có chứa hàm lượng Protein và vitamin B12 dồi dào.
  • Ngao: Không chỉ chứa nhiều vitamin B12 mà còn nhiều Sắt và chất chống oxy hóa.
  • Cá mòi: Có chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe như Omega-3, Vitamin B12,…
  • Cá hồi: Được biết đến là thực phẩm giàu Omega-3 đồng thời cũng là nguồn cung cấp Vitamin B12 tuyệt vời cho cơ thể.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: Không chỉ cung cấp vitamin B12 cho cơ thể mà còn giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn hợp chất này từ các nguồn thực phẩm khác.
  • Ngũ cốc: Là nguồn cung cấp vitamin B12 phong phú, có thể sử dụng được với những người có chế độ ăn chay thuần.

5. Chi phí khám chữa bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12

Thông thường xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi khoảng 120.000 - 220.000 đồng.

Tùy theo tình trạng của từng người ở mỗi lứa tuổi, giới tính khác nhau, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp. Trong nhiều trường hợp có bệnh lý kèm theo thì có thể cần đến các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng như: Siêu âm, chụp X-quang, nội soi, chụp cắt lớp vi tính… để phục vụ chẩn đoán.

Mức chi phí được bảo hiểm y tế hỗ trợ sẽ tùy theo những trường hợp bệnh và chính sách của bảo hiểm trong thời điểm người bệnh điều trị. Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ.

Bài tập cho người bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12Bài tập cho người bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12

SKĐS - Ngoài chế độ ăn uống đầy đủ, phù hợp, người bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 cần kết hợp các phương pháp không dùng thuốc như tập luyện giúp người bệnh khỏe mạnh hơn.


BSCKI Nguyễn Như Thịnh
Phụ trách khoa Bệnh máu tổng hợp 1, Trung tâm Huyết học Truyền máu Nghệ An
Ý kiến của bạn