Câu hỏi thường gặp về bệnh thiếu máu

13-09-2024 09:22 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thiếu máu, một trong những bệnh rối loạn về máu phổ biến nhất, thường xảy ra khi lượng tế bào hồng cầu trong cơ thể thấp dưới mức bình thường. Tình trạng thiếu máu sẽ gây ra nhiều triệu chứng cho cơ thể, vì trong máu chứa chất hemoglobin, là yếu tố quan trọng để chuyên chở oxy đến nuôi các tế bào.

Bệnh thiếu máu có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến người bệnh trong sinh hoạt hằng ngày. Do đó, việc hiểu về bệnh, chế độ ăn uống và vận động đóng vai trò quan trọng trong điều trị và cải thiện tình trạng bệnh.

Mức độ giảm hemoglobin trong máu xuống 5% so với giá trị tham chiếu (theo tuổi, giới, điều kiện sống) có giá trị chẩn đoán xác định tình trạng thiếu máu.

1. Đông y có chữa được thiếu máu?

Đông y không chữa được thiếu máu, nhưng có nhiều món ăn, bài thuốc rất hiệu quả với căn bệnh này. Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc sau:

Tứ vật thang

Là bài thuốc vừa bổ huyết, vừa hoạt huyết, vừa hành khí, dùng cho bệnh nhân huyết hư có khí huyết ứ trệ. Bài thuốc thường dùng cho phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh hoặc sau đẻ con bị ứ sản dịch, huyết hư huyết trệ.

Thành phần: Đương quy 12g, Thục địa 12g, Xuyên khung 6g, Bạch thược 12g. Cách dùng: Sắc thuốc uống, ngày 1 thang; Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn.

Câu hỏi thường gặp về bệnh thiếu máu- Ảnh 1.

Đương quy có tác dụng bổ huyết.

Đương quy bổ huyết thang

Bài thuốc có tác dụng bổ khí, sinh huyết, dùng cho bệnh nhân bị mất máu nặng do các vết thương lâu không lành, nổi ban dị ứng hoặc băng lậu sau sinh nở.

Thành phần: Hoàng kỳ 40g, Đương quy 12g. Sắc thuốc uống, ngày 1 thang; Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn.

Quy tỳ thang

Bài thuốc điều trị chứng tâm tỳ lưỡng hư, khí huyết đều hư và các chứng chảy máu do tỳ hư mà không giữ được máu trong lòng mạch. Bệnh nhân mắc chứng tâm tỳ lưỡng hư thường có các triệu chứng kèm theo như mất ngủ, ngủ không sâu giấc, ăn uống không ngon miệng, hay quên dễ hoảng sợ, suy nhược cơ thể.

Thành phần: Nhân sâm 12g, Hoàng kỳ 20g, Toan táo nhân 12g, Mộc hương 2g, Bạch truật 12g, Phục thần 12g, Đương quy 4g, Chích cam thảo 2g, Viễn trí 4g, Long nhãn 12g. Sắc thuốc uống, ngày 1 thang, thêm 3 lát gừng và 3 quả đại táo; Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn.

Người bệnh lưu ý, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc về uống. Kết hợp sử dụng thuốc với chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý. Tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.

2. Cách xử trí, phòng ngừa bệnh thiếu máu

Khi bị thiếu máu việc xử trí tùy thuộc chủ yếu vào điều trị nguyên nhân cơ bản, mặc dù nguyên nhân gây thiếu máu thường khó xác định. Mục tiêu là bổ sung lượng sắt dự trữ. Có thể bổ sung bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch.

Ăn uống hợp vệ sinh và khoa học. Khẩu phần ăn phải có đầy đủ các chất, hợp khẩu vị, hạn chế các gia vị nhân tạo, hương liệu và dầu mỡ.

Chế độ sinh hoạt làm việc cân đối kết hợp rèn luyện nâng cao sức khỏe.

Phụ nữ cần lưu ý đến chu kỳ kinh nguyệt của mình, bổ sung thêm sắt uống và ăn nhiều thức ăn có chứa nhiều sắt khi cơ thể thiếu sắt.

Lắng nghe cơ thể và phát hiện kịp thời các dấu hiệu nghi ngờ thiếu máu cũng như các yếu tố nguy cơ thiếu máu.

Khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.

Câu hỏi thường gặp về bệnh thiếu máu- Ảnh 2.

Thiếu máu do thiếu sắt thường gặp ở phụ nữ mang thai.

3. Thiếu máu có chữa khỏi được không?

Thiếu máu toàn có thể chữa khỏi và sẽ phụ thuộc nguyên nhân, độ nghiêm trọng của chứng thiếu máu. Thông thường người bệnh sẽ cần bổ sung thêm sắt từ thuốc uống hoặc siro bổ sung chất sắt và sẽ được dùng ít nhất một lần mỗi ngày trong vòng 6 - 12 tháng. Trường hợp thiếu máu nặng cần nhập viện và truyền chế phẩm máu.

4. Cách chăm sóc bệnh thiếu máu tại nhà

Ngoài thực hiện chỉ định của các bác sĩ, bệnh nhân thiếu máu nên ăn uống thêm các thực phẩm giàu chất sắt như: thịt đỏ, gan, rau đậm màu, các loại đậu, ngũ cốc, sô cô la đen, bánh mì từ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, sản phẩm từ đậu nành… Khi bổ sung sắt cần cung cấp thêm vitamin C hoặc uống thêm nước cam, nước chanh để tăng khả năng hấp thu sắt.

Người bệnh chú ý không nên sử dụng thực phẩm giàu sắt chung với cà phê, nước trà, nước chè... vì sẽ ức chế hấp thu sắt.

Nên cho trẻ bú mẹ, vì sắt trong sữa mẹ được hấp thu hơn sữa bột. Người mẹ cũng cần thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như: Thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng… bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống… Kết hợp các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng.

Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu. Trong đó có nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây tác hại lớn nhất cho cơ thể. Do đó, cần tẩy giun định kỳ hàng năm, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi. Thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

Người bệnh thiếu máu nên thực hiện theo chế độ ăn được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn.

Câu hỏi thường gặp về bệnh thiếu máu- Ảnh 3.

Bố sung sắt để điều trị thiếu máu do thiếu sắt.

5. Những lưu ý quan trọng khi thiếu máu

Ai cũng có thể thiếu máu, tuy nhiên những đối tượng dưới đây dễ mắc thiếu máu do thiếu sắt hơn:

Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu sắt của cơ thể tăng lên để cung cấp cho sự phát triển của thai nhi và sản xuất máu mẹ. Nếu không đáp ứng đủ nhu cầu sắt, phụ nữ mang thai có thể bị thiếu máu sắt.

Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển cần sắt để hỗ trợ sự phát triển của não và hệ thần kinh. Thiếu sắt có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu sắt ở trẻ em.

Người lớn tuổi có thể bị thiếu máu thiếu sắt do nhiều nguyên nhân như hấp thụ sắt kém, do dược phẩm hoặc vấn đề liên quan đến sức đề kháng.

Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt có thể làm mất máu và sắt. Nếu không cung cấp đủ sắt qua thức ăn, phụ nữ có thể bị thiếu máu sắt.

Những người mắc các bệnh có khả năng gây ra mất máu dài hạn như loét dạ dày, viêm đại tràng, người trải qua phẫu thuật cũng có thể bị thiếu máu, sắt.

Những người ăn chế độ ăn kiêng đặc biệt như ăn chay, ăn kiêng không ăn thịt động vật có thể thiếu sắt nếu không cân nhắc đủ nguồn thực phẩm giàu sắt từ nguồn thực phẩm thực vật.

6. Chi phí khám chữa bệnh thiếu máu

Thông thường xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi khoảng 120.000 - 220.000 đồng.

Tùy theo tình trạng của từng người ở mỗi lứa tuổi, giới tính khác nhau, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp. Trong nhiều trường hợp có bệnh lý kèm theo thì có thể cần đến các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng như: Siêu âm, chụp Xquang, nội soi, chụp cắt lớp vi tính… để phục vụ chẩn đoán.

Mức chi phí được bảo hiểm y tế hỗ trợ sẽ tùy theo những trường hợp bệnh và chính sách của bảo hiểm trong thời điểm người bệnh điều trị. Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ.

Thiếu máu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhThiếu máu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng thiếu máu như do thiếu yếu tố tạo máu (sắt, acid folic và/hoặc vitamin B12), bệnh lý hồng cầu (bệnh tan máu bẩm sinh), hay do tủy xương giảm sinh hoặc rối loạn sinh các tế bào máu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, bệnh máu ác tính, ung thư di căn…


BS CKI Nguyễn Như Thịnh
Phụ trách khoa Bệnh máu tổng hợp 1 (Trung tâm Huyết học Truyền máu Nghệ An)
Ý kiến của bạn