Câu hỏi thường gặp về bệnh nhịp tim chậm

27-10-2024 18:53 | Tra cứu bệnh

SKĐS- Nhịp tim chậm là tim đập ít hơn 60 lần/ phút. Nhịp tim chậm có thể là một vấn đề nghiêm trọng nếu nhịp tim rất chậm và tim không thể bơm đủ máu giàu oxy cho cơ thể.

1. Đông y có chữa được bệnh nhịp tim chậm?

Theo Đông y, khi tâm huyết kém thì cơ thể gầy yếu, nhịp tim chậm, có khi loạn nhịp, người mệt mỏi và sinh ra nhiều chứng bệnh khác nhau. Trong Đông y có bài thuốc "Bổ trung ích khí thang gia vị" sử dụng các vị thuốc như: hoàng kỳ, nhân sâm, bạch truật, cam thảo… Bài thuốc có tác dụng kiện bổ tỳ vị, bổ thận tráng dương, bồi bổ khí huyết. Điều trị chứng: Tỳ vị khí hư, ăn kém, tinh thần mệt mỏi, tự ra mồ hôi, sợ lạnh, khí hư huyết kém, tâm huyết không đủ, nhịp tim chậm.

Việc sử dụng bài thuốc trên với liều lượng thế nào cần được bác sĩ thăm khám, bắt mạch và kê đơn trị liệu cụ thể. Người bệnh không tự ý sử dụng theo lời mách bảo.

Ngoài ra phương pháp châm cứu một số huyệt cũng được cho là hiệu quả trong việc chữa trị chứng nhịp tim chậm.

Câu hỏi thường gặp về bệnh nhịp tim chậm- Ảnh 1.

Theo Đông y, khi tâm huyết kém thì cơ thể gầy yếu, nhịp tim chậm, có khi loạn nhịp.

2. Nhịp tim chậm là thế nào, khi nào nên gặp bác sĩ?

Ở người trưởng thành, nút xoang (có chức năng phát nhịp trong tim) phát xung nhịp từ 60-100 lần một phút, do vậy nhịp tim bình thường cũng dao động trong khoảng đó. Nhịp tim dưới 60 lần được gọi là nhịp tim chậm.

Nhịp tim chậm có thể chỉ xuất hiện và tồn tại trong một thời gian ngắn hoặc kéo dài suốt đời. Điều này tùy thuộc vào nguyên nhân khiến tim đập chậm.

Tình trạng tim đập chậm có thể không gây ra triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, nếu nhịp tim chậm kéo dài, hoặc tim đập chậm kèm theo các triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, chóng mặt, ngất xỉu… nên đến bệnh viện thăm khám. Bên cạnh đó, người trưởng thành nên thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm, bất kể có bị tim đập chậm hay không để phát hiện sớm bất thường và can thiệp kịp thời.

Câu hỏi thường gặp về bệnh nhịp tim chậm- Ảnh 2.

Nếu nhịp tim chậm kéo dài, hoặc tim đập chậm kèm theo các triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, chóng mặt, ngất xỉu… nên đến bệnh viện thăm khám.

3. Dấu hiệu thường gặp trong bệnh nhịp tim chậm là gì?

Trong hầu hết các trường hợp, nhịp tim chậm không có bất kỳ triệu chứng cảnh báo nào. Một số người có thể gặp dấu hiệu như:

  • Hụt hơi;
  • Cảm giác đau thắt ở ngực;
  • Choáng váng, người có cảm giác lâng lâng;
  • Mệt mỏi, khó chịu trong người;
  • Khó tập trung;
  • Dễ mệt khi vận động nặng.

Khi nhịp tim chậm, các cơ quan và mô trong cơ thể không nhận đủ lượng máu giàu oxy cần thiết cho hoạt động bình thường. Một số trường hợp nhịp tim chậm là dấu hiệu của bệnh lý cần nhập viện cấp cứu. Các triệu chứng của nhịp tim chậm trở nên nghiêm trọng bao gồm:

- Đau tức nặng ở ngực;

- Khó thở;

- Da xanh xao, nhợt nhạt;

- Giảm thị lực đột ngột;

- Lú lẫn.

- Mất ý thức, ngất xỉu.

4. Các yếu tố nguy cơ của nhịp tim chậm là gì?

Nhịp tim chậm có thể do nhiều yếu tố và nguyên nhân gây ra. Nhịp tim chậm có thể là bình thường (đặc biệt là đối với người trẻ tuổi rất khỏe mạnh, tập luyện thể dục thể theo đều), nhưng cũng có thể do những nguyên nhân bất thường gây ra:

  • Sự dẫn truyền bất thường của xung điện trong tim, rối loạn nhịp tim.
  • Những tổn thương thực thể của tim do nhồi máu cơ tim.
  • Tăng huyết áp.
  • Các bệnh lý tim bẩm sinh.
  • Nhiễm khuẩn cơ tim (viêm cơ tim).
  • Biến chứng của phẫu thuật tim.
  • Thiểu năng tuyến giáp.
  • Sử dụng thuốc trong điều trị một số bệnh, ví dụ như thuốc chẹn beta, digoxin,...

5. Ai có nguy cơ bị nhịp tim chậm?

Nhịp tim chậm có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến hơn ở người già. Trẻ em và trẻ sơ sinh ít gặp tình trạng này vì tuổi càng nhỏ, nhịp tim bình thường càng cao hơn, từ 120-160 lần/phút. Tùy theo từng lứa tuổi sẽ có phạm vi tần số tim bình thường, nhanh, chậm, khác nhau.

Tình trạng tim đập chậm có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi độ tuổi, bao gồm:

Người trên 65 tuổi: Nhịp tim có xu hướng chậm dần theo sự gia tăng của tuổi tác. Cùng với đó, người cao tuổi thường mắc các bệnh lý nền làm ảnh hưởng đến chức năng của tim, có thể dẫn đến nhịp tim chậm. Tình trạng này thường xuất hiện nhiều hơn khi ngủ say.

Người hoạt động thể lực cường độ cao: Những vận động viên thể lực, người trẻ khỏe mạnh thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, người lao động nặng trong thời gian dài… là những đối tượng có thể gặp tình trạng tim đập chậm. Do khả năng hoạt động thể chất của họ nâng cao hơn so với bình thường nên nhịp tim lúc nghỉ ngơi cũng sẽ thấp hơn.

Tiền sử gia đình hoặc bản thân từng mắc bệnh tim mạch là yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ gặp tình trạng nhịp tim chậm.

Ngoài ra, nhịp tim chậm cũng có thể gặp ở bệnh nhân huyết áp cao, người hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích, bị mất cân bằng chất điện giải hoặc gặp tác dụng phụ khi sử dụng thuốc điều trị bệnh…

Câu hỏi thường gặp về bệnh nhịp tim chậm- Ảnh 4.

Nhịp tim chậm có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến hơn ở người già.

6. Nhịp tim chậm được điều trị như thế nào?

Phương pháp điều trị nhịp tim chậm phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh lý nền gây ra nó và các triệu chứng biểu hiện.

Nếu như nhịp tim chậm không gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì sẽ không cần thiết phải điều trị, trừ khi nguyên nhân bệnh lý nền gây nên nhịp tim chậm cần phải được điều trị.

Nếu nhịp tim chậm do một số bệnh lý gây ra (như thiểu năng tuyến giáp, hoặc mất cân bằng điện giải,...), thì thường sau khi giải quyết nguyên nhân cũng sẽ giải quyết được tình trạng nhịp tim chậm.

Nếu việc sử dụng thuốc điều trị bệnh nền khiến tim đập quá chậm, bác sĩ có thể chỉ định giảm liều thuốc đang sử dụng hoặc chuyển sang điều trị bằng một loại thuốc khác.

Nếu như tổn thương của hệ dẫn truyền xung điện là nguyên nhân khiến nhịp tim chậm thì bệnh nhân có thể sẽ phải đặt máy tạo nhịp nhân tạo. Máy tạo nhịp nhân tạo là một thiết bị được cấy ghép vào cơ thể nhằm điều chỉnh lại tần số tim. Những bệnh nhân mang máy tạo nhịp nhân tạo vẫn hoàn toàn có thể sống cuộc sống bình thường, năng động (tuy nhiên cũng còn phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý nền đang có).

7. Nhịp tim chậm có nguy hiểm không?

Đối với người trẻ tuổi có sức khỏe tốt hay người hoạt động thể chất mạnh, tình trạng nhịp tim chậm là vấn đề sinh lý bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể là biểu hiện của bệnh lý khác. Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ, tình trạng nhịp tim chậm có thể xuất hiện triệu chứng hoặc không có bất kỳ dấu hiệu nào.

Tuy nhiên, nếu nhịp tim chậm kéo dài ảnh hưởng cung lượng tim giảm, lượng máu đến não và các bộ phận khác trong cơ thể cũng giảm, khiến cơ thể bị mệt mỏi, thiếu sức lực. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ gặp vấn đề tim mạch, thậm chí có thể tử vong.

Do đó, khi nhịp tim chậm kèm theo một số triệu chứng như chóng mặt, khó thở, mệt mỏi, đột ngột giảm thị lực, ngất xỉu,… người bệnh cần đến thăm khám ngay để tìm nguyên nhân và can thiệp kịp thời.

8. Cách phòng ngừa nhịp tim chậm kéo dài

Biện pháp tối ưu nhất để phòng ngừa tình trạng nhịp tim chậm kéo dài là ngăn chặn các yếu tố nguy cơ gây bệnh, bao gồm:

Chế độ ăn uống lành mạnh

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe hệ tim mạch. Một khi trái tim khỏe mạnh cũng sẽ giúp tránh nguy cơ rối loạn nhịp cũng như phòng ngừa các bệnh lý khác. Trong chế độ ăn tốt cho tim, mỗi người cần chú ý: Bổ sung nhiều thực phẩm từ rau xanh, ngũ cốc, cá, trái cây tươi. Giảm lượng muối, đường trong chế biến món ăn. Hạn chế sử dụng những thực phẩm đóng hộp, nhiều dầu mỡ, đồ ủ muối, chua.

Vận động, tập thể dục đều đặn

Câu hỏi thường gặp về bệnh nhịp tim chậm- Ảnh 5.

Một số bài tập như Yoga, đi bộ, đạp xe, thiền… phù hợp với người bệnh nhịp tim chậm.

Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp tim khỏe mạnh hơn. Người bệnh nhịp tim chậm nên chọn các bài tập phù hợp như Yoga, đi bộ, đạp xe, thiền… Đồng thời, nên tập đều đặn, từ 3-5 buổi mỗi tuần.

Giảm cân khoa học nếu thừa cân, béo phì.

Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…

Kiêng chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

Giảm căng thẳng, áp lực.

Tuân thủ điều trị các bệnh nền hiện có.

Thăm khám định kỳ.

Thuốc và các phương pháp điều trị nhịp tim chậmThuốc và các phương pháp điều trị nhịp tim chậm

SKĐS - Ở người trưởng thành, nhịp tim trung bình từ 60-100 lần/phút. Khi tim đập chậm dưới 60 lần/phút có thể là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm ít xảy ra hơn nhịp tim nhanh, nhưng có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời.


BS. Phan Thùy Dương
Ý kiến của bạn