Hà Nội

Câu hỏi thường gặp về bệnh nhiễm trùng ối

04-10-2024 12:26 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nhiễm trùng ối là một trong những biến chứng thai kỳ đặc biệt nguy hiểm không chỉ nguy hại với sức khỏe thai nhi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể người mẹ.

Nhiễm trùng ối: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừaNhiễm trùng ối: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

SKĐS - Nhiễm trùng ối là một trong những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm nhất trong quá trình mang thai của phụ nữ. Nhiễm trùng ối không chỉ tác động xấu với thai nhi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng mang thai sau này của người mẹ.

1. Đông y có chữa được bệnh nhiễm trùng ối?

Nhiễm trùng ối là một trong những bệnh viêm nhiễm nghiêm trọng cần được chữa trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy trong điều trị, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Hiện Đông y chưa có các biện pháp nào có thể chữa được bệnh nhiễm trùng ối.

2. Ai có nguy cơ cao bị nhiễm trùng ối?

Nếu thuộc những trường hợp sau đây, mẹ bầu sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng ối rất cao:

  • Mang thai khi còn ít tuổi (dưới 21 tuổi).
  • Có tiền sử bị nhiễm trùng ối trong những lần mang thai trước.
  • Bị viêm nhiễm âm đạo (trước hoặc trong khi mang thai) nhưng không được chữa trị khỏi hoàn toàn có thể gây nên nhiễm khuẩn ối thai kỳ.
  • Vỡ ối sớm, quá trình chuyển dạ kéo dài.

3. Nhiễm trùng ối có nguy hiểm không?

Nhiễm trùng ối là một trong những biến chứng thai kỳ đặc biệt nguy hiểm, không chỉ nguy hiểm với sức khỏe thai nhi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể người mẹ. Tỉ lệ sinh non và sảy thai ở những thai bị nhiễm trùng nước ối cao hơn nhiều so với bình thường. Khoảng 50% số ca sinh non (trước 30 tuần) do nguyên nhân nhiễm trùng ối.

Trẻ sơ sinh sinh ra ở người mẹ bị nhiễm trùng ối cũng có tỉ lệ tử vong cao hơn. Những trẻ sống sốt vẫn có khả năng gặp phải các vấn đề sức khỏe như: viêm màng não, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp,… Ảnh hưởng sức khỏe từ khi trong bụng mẹ này sẽ kéo dài, làm hạn chế sự phát triển cả về sức khỏe lẫn trí tuệ của trẻ sau này.

Biến chứng ở mẹ bầu bị nhiễm trùng ối có thể xảy ra gồm: nhiễm khuẩn huyết, đờ tử cung, băng huyết, áp xe chậu, rau bong non, thuyên tắc huyết khối, sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp cấp tính,...

Vì vậy, mẹ bầu cần phát hiện sớm nhiễm trùng ối để bác sĩ có hướng điều trị kịp thời và can thiệp cần thiết. Thai phụ có thể được xem xét sinh sớm, chăm sóc trẻ sau sinh đặc biệt để ngăn ngừa biến chứng. Tùy theo nguyên nhân và mức độ nhiễm trùng, trẻ sau sinh sẽ được điều trị và chăm sóc phù hợp, đa phần đều cần dùng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát.

4. Làm gì để phòng ngừa nhiễm trùng ối?

Nhiễm trùng ối hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu thai phụ được chăm sóc sức khỏe tốt trong thai kỳ. Dưới đây là những việc mẹ bầu cần thực hiện để bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe của trẻ và bản thân và tránh các nhiễm trùng khi mang thai.

4.1 Khám thai định kỳ giúp phòng ngừa và phát hiện sớm nhiễm trùng ối

Đừng bỏ qua những mốc khám thai quan trọng trong thai kỳ đã được bác sĩ khuyến cáo, đây là việc quan trọng để kiểm tra sức khỏe của mẹ và thai cũng như phát hiện sớm các bất thường để can thiệp, trong đó có nhiễm trùng ối.

4.2 Tiêm chủng đầy đủ

Trước khi mang thai và trước khi sinh, mẹ bầu cần tiêm đầy đủ các loại vaccine được khuyến cáo để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Đây cũng là cách bảo vệ mẹ và thai nhi hiệu quả khi miễn dịch cơ thể mẹ trong thời gian mang thai bị suy yếu đáng kể.

4.3 Vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Nhiễm trùng vùng kín kéo dài, không được điều trị tốt là một trong những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến nhiễm trùng ối. Nhất là ở mẹ bầu, sức đề kháng nói chung không tốt nên nguy cơ bị các bệnh nhiễm trùng càng cao hơn. Vì thế, hãy chú ý vệ sinh vùng kín hàng ngày, sạch sẽ, đúng cách với dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp. Lưu ý tuyệt đối không thụt rửa sâu trong âm đạo tránh làm mất cân bằng môi trường trong âm đạo cũng như ảnh hưởng đến thai nhi.

4.4 Điều trị sớm và dứt điểm các bệnh phụ khoa, tiết niệu để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng ối

Viêm nhiễm phụ khoa và tiết niệu sẽ dẫn đến nhiễm trùng ối nếu không được điều trị tốt. Do đó, ngay khi có dấu hiệu mắc các bệnh phụ khoa, bệnh đường tiết niệu thì thai phụ cần đi khám và điều trị triệt để trong giai đoạn thai kỳ.

5. Các biện pháp điều trị nhiễm trùng ối

5.1 Nguyên tắc điều trị

Khám chuyên khoa sớm: Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng ối cần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tuân thủ điều trị: Trường hợp mẹ bị nhiễm trùng ối khi mang thai, bác sĩ sẽ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cho mẹ như dùng thuốc, đặt thuốc, dùng dung dịch vệ sinh. Mẹ bầu cần tuân thủ điều trị, tuyệt đối không bỏ thuốc hay tự ý mua thuốc về dùng.

Chỉ định: Điều trị bằng kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng ối nghi ngờ hoặc xác định.

Sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn ối tốt nhất theo kết quả kháng sinh đồ, tuy nhiên đợi kết quả kháng sinh đồ khá lâu mà việc sử dụng kháng sinh ngay lập tức là cần thiết vì vậy cần lựa chọn kháng sinh theo các khuyến cáo.

Các khuyến cáo sử dụng kháng sinh: Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cho thấy điều trị bằng kháng sinh trong lúc sinh đối với nhiễm trùng ối làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn huyết sơ sinh và viêm phổi. Sử dụng kháng sinh trong lúc sinh đã chứng minh làm giảm thời gian nằm viện và sốt ở mẹ.

Thai phụ sau khi được chẩn đoán mắc nhiễm trùng ối sẽ cần được can thiệp điều trị ngay để ngăn ngừa xảy ra biến chứng, giảm thời gian điều trị, tăng khả năng hồi phục. Theo đó, kháng sinh là biện pháp điều trị hiệu quả, các loại thuốc đang được ứng dụng để điều trị nhiễm khuẩn ối là: ampicillin, penicillin, gentamicin, clindamycin, metronidazole.

Trong quá trình điều trị, nếu tình trạng nhiễm trùng chuyển biến tốt, đáp ứng với thuốc kháng sinh tốt thì sau 1 liệu trình dùng thuốc, mẹ bầu có thể được chỉ định ngừng kháng sinh và có thể xuất viện để theo dõi tại nhà.

Chấm dứt thai kỳ: Trường hợp nặng và có dấu hiệu khẩn cấp đe dọa tính mạng người mẹ, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ sinh ngay tức khắc.

Câu hỏi thường gặp về bệnh nhiễm trùng ối- Ảnh 2.

Nhiễm trùng ối làm gia tăng nguy cơ sinh non.

5.2 Lưu ý trong quá trình điều trị

Các kháng sinh được chỉ định trong lúc sinh do nghi ngờ hoặc xác định nhiễm trùng ối không nên tiếp tục sử dụng một cách thường quy sau khi sinh.

Tiếp tục chỉ định kháng sinh dựa trên các yếu tố nguy cơ của viêm nội mạc tử cung sau sinh.

Sản phụ sau sinh ngả âm đạo ít bị viêm nội mạc tử cung hơn và có thể không cần tiếp tục dùng kháng sinh sau khi sinh.

Đối với mổ lấy thai, khuyến cáo chỉ định thêm ít nhất 1 liều kháng sinh sau sinh. Tuy nhiên, sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ khác trên mẹ như nhiễm khuẩn huyết hay sốt dai dẳng sau sinh có thể được xem xét để tiếp tục kháng sinh.

Thai phụ sinh mổ, cần bao phủ thêm vi khuẩn kỵ khí vì vi khuẩn kỵ khí là nguyên nhân chủ yếu trong các biến chứng của viêm nội mạc tử cung sau mổ lấy thai. Thêm kháng sinh bao phủ vi khuẩn kỵ khí làm giảm nguy cơ của viêm nội mạc tử cung sau mổ.

Việc lựa chọn kháng sinh cho điều trị nhiễm trùng ối có thể phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuy nhiên, bác sĩ sản phụ khoa nên căn cứ vào kết quả kháng sinh đồ và tình hình nhiễm trùng tại cơ sở y tế để đưa ra một khuyến cáo phù hợp với mô hình đề kháng kháng sinh tại cơ sở.

6. Chăm sóc trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng ối

Ngoài sử dụng kháng sinh, trẻ sinh ra khi mẹ bị nhiễm trùng ối sẽ cần chăm sóc, theo dõi sức khỏe đặc biệt như:

6.1 Thở oxy

Thở oxy khi trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng ối có dấu hiệu suy hô hấp như thở không đều, thở gấp, nổi vân xanh, cơ thể tím tái,…

6.2 Hạ sốt

Trẻ sơ sinh có dấu hiệu sốt sẽ cần hạ nhiệt bằng miếng dán hạ sốt, đồng thời theo dõi tích cực đường huyết của trẻ. Nếu đường huyết thấp bất thường, phải có can thiệp y tế từ bác sĩ chuyên khoa.

6.3 Chăm sóc và vệ sinh cho trẻ

Trẻ sơ sinh nói chung, đặc biệt là trẻ sơ sinh ở người mẹ bị nhiễm trùng ối cần được vệ sinh sạch sẽ cơ thể, nhất là khu vực rốn để tránh nhiễm trùng. Ngoài ra, do hệ miễn dịch yếu nên các trẻ này nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, đồng thời thăm khám sức khỏe thường xuyên.

Lưu ý chung: Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng nước ối không quá khó khăn song nhiều mẹ bầu bỏ qua do nhầm lẫn sang vấn đề sức khỏe khác. Không nên chủ quan nếu có các triệu chứng như: sốt, tăng nhịp tim của trẻ, đau tử cung, dịch ối bất thường có mùi hôi, chuyển màu xanh,… Bác sĩ sẽ kiểm tra, chẩn đoán và can thiệp sớm nếu mẹ bị nhiễm trùng nước ối, phòng ngừa biến chứng cho sức khỏe của trẻ.

7. Một số hiện tượng bất thường khác của nước ối

Ngoài tình trạng nhiễm trùng nước ối, trong thời gian mang thai mẹ bầu cũng có khả năng gặp các bất thường khác về nước ối đó là:

7.1 Thiểu ối

Là hiện tượng nước ối thấp với chỉ số AFI đo được dưới 5cm và chỉ số MVP nhỏ hơn 2cm. Các mẹ bầu có tiền sử bị tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, đã từng phá thai hoặc thai tăng trưởng kém, tiền sản giật, mang đa thai, thai nhi bị dị tật bẩm sinh, thai già tháng... dễ bị thiểu ối.

Nếu thiểu ối xảy ra trong 6 tháng đầu sẽ dẫn tới nguy cơ bị sinh non, dị tật thai nhi hoặc thậm chí là sảy thai. Nếu thiểu ối trong 3 tháng cuối sẽ khiến thai chậm lớn, ngôi thai ngược.

Để chẩn đoán, các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm như kiểm tra nhịp tim, siêu âm, đếm số nhịp đá của thai nhi, nghiên cứu Doppler. Từ đó sẽ chỉ định bổ sung dịch ối, tăng dịch ối bằng cách uống nước dừa 2-3 lần/tuần, nếu nghiêm trọng sẽ cần phải sinh sớm để an toàn cho thai nhi.

7.2 Đa ối

Thông qua siêu âm có thể xác định mẹ bầu bị đa ối khi chỉ số AFI lớn hơn 25cm và MVP lớn hơn 8cm. Thai phụ mang đa thai (sinh đôi, sinh ba) dễ gặp phải tình trạng đa ối. Ngoài ra các đối tượng như mẹ bầu bị mắc bệnh tiểu đường, mắc hội chứng truyền máu song sinh, Rh không tương thích giữa mẹ và thai nhi, mẹ mắc chứng rối loạn tiêu hóa (thoát vị dạ dày, thoát vị hoành, viêm tá tràng, viêm thực quản,...), mắc chứng rối loạn não, rối loạn tăng trưởng xương,...cũng có nguy cơ cao bị đa ối.

Đa ối có thể dẫn tới những ảnh hưởng tới sức khỏe như đau bụng, khó thở, bụng to nhanh, thường xuyên bị đau tức bụng đột ngột, vỡ ối sớm, sinh non, nhau bong non, dị tật thai nhi, thai chết lưu, dây rốn quấn cổ, băng huyết,... Do đó, mẹ bầu nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ và đo mức nước ối định kỳ để bác sĩ có biện pháp xử lý.

7.3 Rò rỉ nước ối

Vào các tuần cuối của thai kỳ, nước ối thường bị rò rỉ với đặc điểm là không màu và không mùi. Nếu nước ối có màu xanh (xanh nâu, xanh lá cây) có kèm theo mùi hôi thì cần nghĩ ngay đến tình trạng nhiễm trùng ối, nên đi khám để được chữa trị kịp thời.

7.4 Vỡ ối sớm

Màng ối bị vỡ trước tuần thai thứ 37 được coi là vỡ ối sớm. Tỷ lệ vỡ ối sớm chiếm 2% tổng số ca mang thai và có thể dẫn tới sinh non. Khi gặp tình trạng này, mẹ bầu cần ngay lập tức nhập viện để điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ bầu và em bé.

Nước ối chính là thành phần quan trọng bậc nhất có vai trò bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi. Khi có bất cứ bất thường nào về nước ối đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai, do đó mẹ bầu cần theo dõi thường xuyên để phát hiện các bất thường, trong đó nhiễm trùng ối nghiêm trọng để xét nghiệm và chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

BS. Vũ Thu Hồng
bác sĩ
Ý kiến của bạn