Câu hỏi thường gặp về bệnh ngoại tâm thu

18-11-2024 11:16 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ngoại tâm thu là một rối loạn nhịp tim hay gặp, thường không gây nguy hiểm ở những người khỏe mạnh. Với những người có bệnh tim mạn tính, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

1. Đông y có chữa được ngoại tâm thu không?

Bệnh ngoại tâm thu khi được kết hợp điều trị giữa Tây y và Đông y có thể cải thiện bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, Đông y chỉ nên được xem như một phương pháp hỗ trợ điều trị, không thể thay thế hoàn toàn Tây y.

Người bệnh có thể tham khảo cách day bấm một số huyệt được áp dụng giúp thư giãn, giảm căng thẳng và hỗ trợ cải thiện cảm giác khó chịu do ngoại tâm thu trong hỗ trợ điều trị ngoại tâm thu dưới đây:

Bấm huyệt đản trung: Dùng ngón tay cái, có thể ấn qua áo, day bấm mỗi khi tức ngực khó thở, khó chịu, mệt mỏi vì rối loạn nhịp tim. Đông Y gọi huyệt đản trung là huyệt hội của nguyên khí cơ thể. Khi tác động thật sâu vào vùng này và tự xoa bóp ở hai bên lồng ngực sẽ giúp dần ổn định nhịp tim.

Bấm huyệt trung phủ: Khi khó thở, người bệnh có thể day bấm huyệt trung phủ (vị trí ở giữa xương quai xanh đo xuống 1 thốn) để giảm triệu chứng này.

Day ấn huyệt hợp cốc: Huyệt hợp cốc nằm giữa ngón cái và ngón trỏ, hơi lệch về phía với ngón trỏ, trên đường giữa đi qua xương bàn ngón hai.

Day ấn huyệt nhân trung: Nếu tác động 3 huyệt hợp cốc, trung phủ, đản trung chưa ổn định được nhịp tim thì có thể tác động tới huyệt nhân trung.

Day ấn huyệt cưu vĩ: Đây cũng là một trong những huyệt thường được tác động để hỗ trợ điều trị ngoại tâm thu. Huyệt cưu vĩ nằm dưới mũi ức 1/2 thốn (hoặc dưới 1 tấc chỗ gặp nhau của 2 bờ sườn).

Câu hỏi thường gặp về bệnh ngoại tâm thu- Ảnh 1.

Day ấn huyệt hợp cốc hỗ trợ cải thiện tình trạng ngoại tâm thu.

2. Ngoại tâm thu có nguy hiểm không?

Đa số các trường hợp ngoại tâm thu không gây nguy hiểm đến tính mạng nếu xảy ra ở người khỏe mạnh không có bệnh nền tim mạch. Tuy nhiên, nếu ngoại tâm thu xảy ra liên tục hoặc kèm theo các bệnh lý tim mạch khác, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, bao gồm suy tim, đột quỵ.

Mức độ nguy hiểm của ngoại tâm thu khác nhau tùy từng trường hợp. Ở một số người khỏe mạnh, ngoại tâm thu có thể chỉ là sinh lý. Đặc điểm của ngoại tâm thu trong trường hợp này là sự xuất hiện rải rác, tần suất thưa thớt. Ngoại tâm thu trong những trường hợp này thường không cần can thiệp điều trị. Người bệnh cần thay đổi thói quen sinh hoạt và thiết lập một lối sống lành mạnh, cân bằng.

Ngoại tâm thu trở nên nguy hiểm khi xuất hiện ở người có các yếu tố nguy cơ tim mạch hoặc đang mắc các bệnh tim mạch mạn tính, với tần suất liên tục và tồn tại dai dẳng, đồng thời gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, đau ngực, chóng mặt, ngất xỉu…

Lúc này, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được theo dõi và điều trị.

3. Người bệnh ngoại tâm thu cần làm các xét nghiệm chẩn đoán nào?

Khi nghi ngờ người bệnh mắc ngoại tâm thu, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm sau:

3.1. Điện tâm đồ (ECG)

Điện tâm đồ là kỹ thuật thăm dò chức năng, kiểm tra nhịp tim thường quy tại nhiều bệnh viện chuyên khoa tim mạch. Đo điện tâm đồ là phương pháp kiểm tra đơn giản nhất để chẩn đoán ngoại tâm thu. Phương pháp này giúp ghi lại hoạt động điện học của tim, giúp bác sĩ có thể đánh giá các bất thường về nhịp tim.

3.2. Theo dõi Holter

Đây cũng là một kỹ thuật theo dõi hoạt động của tim. Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh mắc ngoại tâm thu, nhưng không thể đưa ra kết luận khi đo điện tâm đồ, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh đeo máy theo dõi Holter 24 giờ để theo dõi nhịp tim cả trong lúc nghỉ ngơi hoặc làm việc. Thông tin từ máy theo dõi Holter sẽ cho cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động của tim và được ví như là điện tâm đồ 24 giờ

3.3. Nghiệm pháp gắng sức

Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện nghiệm pháp gắng sức. Tùy vào tình trạng ở mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp gắng sức phù hợp, thường là đạp xe tại chỗ hoặc đi bộ trên máy chạy bộ đồng thời theo dõi sự thay đổi của điện tim trong khi gắng sức. Phương pháp này cho phép theo dõi hoạt động của tim khi người bệnh gắng sức, nhằm kích thích cơ tim, từ đó giúp bộc lộ ra những bất thường của nhịp tim.

3.4. Một số xét nghiệm hỗ trợ

Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán hỗ trợ khác như: Xét nghiệm máu, xét nghiệm men tim, test căng thẳng, nghiệm pháp bàn nghiêng,…

Câu hỏi thường gặp về bệnh ngoại tâm thu- Ảnh 3.

Đo điện tâm đồ là phương pháp kiểm tra đơn giản nhất để chẩn đoán ngoại tâm thu.

4. Bệnh ngoại tâm thu khi nào cần điều trị?

Ngoại tâm thu xảy ra rất thường xuyên, cả ở những người hoàn toàn khỏe mạnh và ở những bệnh nhân mắc bệnh tim tiềm ẩn hoặc các tình trạng bệnh lý khác. Việc quyết định có cần điều trị hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tần suất và loại ngoại tâm thu, các triệu chứng và các bệnh lý kèm theo.

Nếu ngoại tâm thu xảy ra thưa thớt và không gây ra triệu chứng, có thể không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, nếu ngoại tâm thu xảy ra thường xuyên, đặc biệt là loại ngoại tâm thu thất, cần phải điều trị.

Nếu ngoại tâm thu gây ra các triệu chứng như đánh trống ngực, khó thở, chóng mặt, hoặc đau ngực, cần được điều trị để cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa các biến chứng.

Nếu có các bệnh lý tim mạch khác như tiền sử bệnh mạch vành, đang có tình trạng suy tim, hoặc các bệnh lý khác, việc điều trị ngoại tâm thu trở nên cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Người lớn tuổi có nguy cơ biến chứng cao hơn nên cần được theo dõi và điều trị chặt chẽ hơn.

Tóm lại, ngoại tâm thu có thể là dấu hiệu cảnh báo bất thường liên quan đến tim. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu của ngoại tâm thu, tốt nhất nên đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để thăm khám, giúp xác định tình trạng bệnh và có hướng điều trị sớm.

Câu hỏi thường gặp về bệnh ngoại tâm thu- Ảnh 4.

Khi thấy có các dấu hiệu của ngoại tâm thu, tốt nhất nên đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để thăm khám.

5. Ngoại tâm thu có chữa khỏi không?

Bệnh ngoại tâm thu hoàn toàn có thể chữa được nếu được phát hiện sớm.

Ở những người khỏe mạnh, không mắc bệnh tim mạch, ngoại tâm thu thường lành tính và có thể tự khỏi. Đối với những trường hợp này, việc điều trị thường tập trung vào thay đổi lối sống, chưa cần uống thuốc hay can thiệp ngoại khoa.

Nếu ngoại tâm thu xuất hiện do các bệnh lý tim mạch, việc chữa khỏi hoàn toàn có thể khó khăn hơn. Tuy nhiên, với các biện pháp điều trị thích hợp, có thể kiểm soát được các triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng.

Trường hợp bệnh nhân có những bệnh lý nền khác, việc điều trị cần kết hợp thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, điều trị bệnh nền hoặc cần can thiệp điều trị để kiểm soát bệnh và hạn chế tần suất xuất hiện bệnh.

Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ chỉ định và hướng dẫn các phương pháp điều trị phù hợp.

6. Cách nào ngăn ngừa ngoại tâm thu tái phát?

Để ngăn ngừa ngoại tâm thu tái phát, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Xây dựng và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn hằng ngày. Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán chứa nhiều dầu mỡ.
  • Không sử dụng các chất kích thích: Bỏ hút thuốc lá và tránh các loại đồ uống có cồn như rượu, bia, cà phê…
  • Không học tập và làm việc quá sức. Tạo môi trường làm việc và học tập thoải mái, tránh căng thẳng.
  • Tập luyện thường xuyên, đều đặn với các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc. Khi cảm thấy căng thẳng, có thể áp dụng các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền, hoặc các bài tập hít thở sâu…
  • Tránh xúc cảm mạnh trong cuộc sống.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý nền, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Sử dụng các thuốc điều trị đều đặn.
  • Thường xuyên thăm khám để kiểm tra tình trạng sức khỏe.

Bằng cách tuân thủ các biện pháp trên, người bệnh có thể kiểm soát và giảm thiểu các triệu chứng ngoại tâm thu, đồng thời nâng cao sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống.

Ngoại tâm thu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhNgoại tâm thu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Ngoại tâm thu là một trong những dạng rối loạn nhịp tim thường gặp, đặc trưng bởi sự xuất hiện các nhịp đập đến sớm hơn so với nhịp tim bình thường. Ngoại tâm thu có thể xuất hiện đơn độc, hoặc báo hiệu một chuỗi nhịp nhanh sau đó.


BS. Nguyễn Thu Trang
Ý kiến của bạn