1. Đông y có chữa được bệnh nấm móng?
Hiện nay, điều trị nấm móng có nhiều cách. Trước tiên, bạn nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Để hỗ trợ quá trình điều trị nhanh hơn, bạn có thể áp dụng chữa nấm móng bằng cách dùng các thảo dược tự nhiên. Phương pháp này thích hợp với trường hợp nhiễm nấm móng tay nhẹ, chưa lan rộng và chưa làm biến đổi hình dáng móng.
Cách chữa nấm móng dân gian đơn giản tại nhà là dùng tỏi, lá trầu không, dầu dừa, sả… Việc dùng các thảo dược này với các trường hợp cụ thể, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.
2. Bệnh nấm móng có lây không?
Bệnh nấm móng là bệnh do những loại nấm và mốc gây ra như nấm sợi tơ, nấm Candida, nấm mốc... Những loại nấm này thường sống trong môi trường ẩm ướt, do đó nếu bàn chân không khô ráo khi đi tất, đi giày, hoặc chân thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn, sẽ rất dễ bị bệnh nấm móng.
Khi bị nhiễm nấm, móng thường đổi sang màu nâu, vàng hoặc có những đốm trắng, có thể có màu đen, móng trở nên giòn, mủn, dễ gãy, dễ bong, lỗ chỗ, tăng sừng dưới móng, mùi hôi, móng dày, khó chịu, gây khó khăn khi đi lại, làm việc.
Khi bị bệnh nấm móng chân, nó sẽ nhanh chóng lây lan khắp bàn chân ở cả hai chân thậm chí có thể lan sang một số bộ phận khác và cũng có thể lây từ người này sang người khác.
Do vậy, khi bị bệnh nấm móng, cần cắt móng ngắn, giũa móng phì đại, sần sùi, sắc cạnh, tránh chấn thương, kích thích, không sử dụng chung dụng cụ cắt móng cho móng nhiễm nấm và móng bình thường. Mang giày dép thích hợp, giữ bàn chân thật sạch và khô, đồng thời dùng bột chống nấm ở giày mỗi ngày. Cần điều trị dứt điểm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
3. Điều trị nấm móng như thế nào?
Bệnh nấm móng là bệnh mạn tính với nhiều biểu hiện khác nhau và lây trực tiếp từ móng này sang móng khác, từ người này sang người khác, điều trị thường kéo dài và dễ tái phát.
Ở giai đoạn sớm bệnh thường nhẹ. Nếu để lâu sẽ tổn thương móng trầm trọng hơn và thường bệnh không tự khỏi, có thể tồn tại kéo dài, lây lan từ móng này sang móng khác.
Việc điều trị nấm móng nhất thiết phải điều trị đúng cách, tức là tuân thủ điều trị theo phác đồ, dùng đúng thuốc và đủ thời gian.
Nấm móng ở tay đáp ứng điều trị nhanh và hiệu quả hơn so với móng chân. Thời gian điều trị đối với móng tay trung bình là 2 tháng, móng chân là 3 tháng.
Trường hợp nhiễm nấm nhẹ (ảnh hưởng ít hơn 50% của 1 hoặc 2 móng) có thể đáp ứng với thuốc kháng nấm tại chỗ, nhưng điều trị thường đòi hỏi thuốc kháng nấm đường uống. Việc sử dụng loại thuốc kháng nấm nào, tại chỗ hay toàn thân cần được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh việc điều trị không hiệu quả mà nguy cơ tác dụng phụ nhiều, bệnh không khỏi hẳn và dễ tái phát.
Thuốc nào điều trị nấm móng?
Thuốc dùng điều trị nấm móng thường là dùng thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống tác dụng toàn thân.
Thuốc bôi tại chỗ:
Một số loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng loại bỏ nấm móng: Thuốc ciclopirox, efinaconazole, naftifine, tavaborole, terbinafine…
Lưu ý: Nên hướng dẫn bệnh nhân cách bôi thuốc để đạt hiệu quả và tránh những sai lầm đáng tiếc. Sau khi rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng, mỗi ngày 2-3 lần, ban đêm nên dùng băng nhựa băng bịt giữ thuốc qua đêm.
Thuốc uống:
Đối với tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống chống nấm. Terbinafine và itraconazole là hai loại thuốc thường được kê đơn nhất để điều trị nhiễm nấm móng.
Đôi khi tình trạng nhiễm nấm nặng hoặc điều trị không hiệu quả, bác sĩ có thể cắt bỏ móng của bạn bằng phương pháp phẫu thuật hay dùng hóa chất để phá hủy.
4. Thuốc chống nấm có gây hại gan?
Nấm là sinh vật thường ký sinh trên da, khi gặp điều kiện thuận lợi như khí hậu nóng ẩm, cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ... nấm sẽ sinh sôi và phát triển gây bệnh ở nhiều bộ phận trong cơ thể.
Có nhiều loại thuốc chống nấm, trong đó phổ biến nhất là ketoconazol. Đây là loại thuốc chống nấm tổng hợp, có thể giúp chống và diệt nhiều loại nấm như Trichophyton, Candida, Blastomyces dermatitidis, Coccidioides immitis... Thuốc được chỉ định dùng cho bệnh nấm toàn thân, nấm Candida ở da, nấm da đầu, nấm âm đạo, nấm miệng, nấm kẽ chân tay... Tùy theo mức độ nhiễm nấm của cơ thể để lựa chọn dạng thuốc phù hợp để sử dụng. Khi sử dụng, thuốc có thể gây những tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, đầy hơi...
Đặc biệt thuốc có thể gây độc cho gan trong vòng vài tháng điều trị đầu tiên nhưng cũng có thể xuất hiện sớm hơn, trong tuần đầu tiên điều trị. Các trường hợp độc với gan đã được ghi nhận ở những trường hợp dùng thuốc trị nấm móng và ở người cao tuổi, phụ nữ, người nghiện rượu, suy chức năng gan... dùng thuốc để trị bệnh nấm da mạn tính. Các tổn thương gan do thuốc chống nấm này có thể được hồi phục sau khi ngừng dùng thuốc vài tháng nhưng đã có những tình huống đáng tiếc như hoại tử gan cấp, biến đổi mỡ ở gan, tử vong.
Do vậy, để tránh hại gan do ketoconazol kéo dài, trước khi dùng, bạn nên xét nghiệm chức năng gan và suốt thời gian điều trị cứ 1 hoặc 2 tháng lại kiểm tra ít nhất một lần. Khi kết quả xét nghiệm chức năng gan thay đổi đáng kể hay không bình thường kéo dài, hoặc xấu đi, hoặc kèm theo những biểu hiện rối loạn chức năng khác thì cần ngừng thuốc và gặp bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
5. Những biến chứng của bệnh nấm móng là gì?
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh nấm móng sẽ tiến triển phức tạp hơn, tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng. Một số biến chứng có thể xảy ra khi bị nấm móng:
Một số trường hợp nghiêm trọng, nấm móng có thể gây đau đớn và có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho móng của người bệnh.
Khi hệ thống miễn dịch người bệnh bị ức chế do thuốc, nấm móng có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng khác lan ra ngoài bàn tay, bàn chân.
Nếu người bị nấm móng đang có bệnh nền tiểu đường, người bệnh có thể bị giảm lưu thông máu và cung cấp cho dây thần kinh ở bàn chân. Người bệnh cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng da do vi khuẩn (viêm mô tế bào). Hơn nữa, bất kỳ tổn thương nhỏ cho bàn chân bao gồm nhiễm nấm móng, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn ở bệnh nhân tiểu đường.
6. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc nấm móng?
Khi trẻ mắc nấm móng cần phải điều trị ngay, vì quá trình điều trị sẽ lâu dài, phức tạp và đòi hỏi sự kiên trì. Không giống như người lớn, nhiều trẻ không muốn bôi thuốc hàng ngày hoặc không giữ được vệ sinh tay chân sạch sẽ.
Thông thường, nấm móng được điều trị bằng cách sử dụng thuốc bôi kết hợp thuốc uống. Tuy nhiên, trẻ nhỏ có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc đường uống. Vì vậy, phụ huynh chỉ cho trẻ dùng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh các phương pháp điều trị, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Giúp hoặc nhắc nhở trẻ dùng thuốc, giữ vệ sinh cơ thể đều đặn, để hỗ trợ quá trình điều trị và hạn chế tái nhiễm nấm móng. Cần giữ vệ sinh cơ thể, đặc biệt là ở vùng móng và kẽ tay, chân, nếu sử dụng kìm cắt móng thì cần sử dụng riêng và được vô trùng dụng cụ cắt móng trước khi sử dụng. Cần cắt móng tay, chân cho trẻ thường xuyên, hạn chế để móng quá dài hoặc cắt quá sát.
- Tránh cho trẻ chơi đùa, tiếp xúc với nguồn nước và đất cát. Sau khi vui chơi, nên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Đồ dùng cá nhân cần giặt sạch sẽ, riêng đồ của trẻ như quần áo, khăn, mền, chăn gối… cần giặt với nước ấm, sau đó phơi dưới ánh nắng để loại bỏ vi nấm hoàn toàn. Nên thực hiện biện pháp này trong và sau khi điều trị để giảm tình trạng tái nhiễm.
- Tuyệt đối không cho trẻ gãi cào lên móng và vùng da xung quanh. Để giảm ngứa, phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng thuốc hoặc chườm đá.
- Khuyến khích trẻ ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý, nhằm tăng cường sức đề kháng. Hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể ức chế hiện tượng nhiễm trùng do nấm và rút ngắn thời gian điều trị.