Câu hỏi thường gặp về bệnh Kawasaki

07-04-2025 11:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh Kawasaki xảy ra rải rác quanh năm. Vì chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nên hiện tại chưa có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Một số trẻ có thể tự khỏi bệnh, nhưng một số khác có thể gặp biến chứng nguy hiểm.

1. Bệnh Kawasaki có nguy hiểm không?

Bệnh được đặt tên Kawasaki theo tên bác sĩ Tomisaku Kawasaki (Nhật Bản), người đã mô tả bệnh lần đầu tiên vào năm 1967.

Nếu không được điều trị, cứ 5 trẻ mắc bệnh Kawasaki sẽ có khoảng 1 trẻ bị tổn thương mạch vành. Đối với hầu hết trẻ, tổn thương này thường nhỏ và không kéo dài. Tuy nhiên, ở một số trẻ, tổn thương có thể tồn tại đến khi trưởng thành, khiến thành động mạch vành trở nên yếu và hình thành túi phình động mạch. Các túi phình động mạch này rất nguy hiểm vì chúng có thể cản trở lưu lượng máu đến cơ tim.

2. Chăm sóc trẻ mắc Kawasaki tại nhà

Trước tiên, cha mẹ cần có đầy đủ thông tin về bệnh Kawasaki để tránh nhầm lẫn với các bệnh khác, ví dụ như nhầm tưởng trẻ sốt do mọc răng, nghi ngờ sốt xuất huyết, hoặc viêm kết mạc.

Bệnh Kawasaki rất khó phát hiện vì các triệu chứng thường không xuất hiện đầy đủ cùng lúc trong giai đoạn đầu. Đã có trường hợp bệnh tự khỏi khiến phụ huynh chủ quan, dù sau đó bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần. Chỉ đến khi trẻ có biến chứng tim mới phát hiện ra thì đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ là luôn cẩn thận theo dõi khi con bị sốt kéo dài. Nếu trẻ sốt 2-3 ngày, nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra thay vì chỉ chăm sóc tại nhà. Nếu bệnh được phát hiện trong vài ngày đầu, việc điều trị thường hiệu quả và ít nguy hiểm hơn. Đặc biệt, nếu phát hiện bệnh trong vòng 10 ngày kể từ khi khởi phát, các bác sĩ có thể ngăn ngừa biến chứng tim.

Câu hỏi thường gặp về bệnh Kawasaki- Ảnh 1.

Khi cơ thể có bất kỳ dấu hiệu bất thường nghi ngờ nào người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và tìm nguyên nhân.

Trong trường hợp việc điều trị tiến triển tốt, khoảng 48 giờ sau điều trị, bệnh sẽ dần thuyên giảm, trẻ hết sốt và có thể được xuất viện.

3. Chẩn đoán Kawasaki bằng cách nào?

Khi trẻ có những biểu hiện nghi ngờ bệnh Kawasaki, bên cạnh việc đánh giá các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu ngoại vi: Tăng bạch cầu, công thức bạch cầu chuyển trái, số lượng tiểu cầu tăng (từ tuần thứ 2-4 của bệnh).
  • Phản ứng viêm: Tốc độ máu lắng tăng cao, CRP dương tính (> 6mg/l).
  • Gamma globulin tăng: (Tuần thứ 2-4): IgG, IgM, IgA.
  • Miễn dịch tế bào tăng: Tăng CD4, CD8.
  • Điện tâm đồ: Có thể gặp loạn nhịp nhanh, block nhĩ thất, giảm điện thế.
  • Siêu âm tim: Dấu hiệu tràn dịch màng tim, giãn buồng tim, giãn hoặc phình động mạch vành sau giai đoạn cấp, từ tuần thứ 2-4 của bệnh.
  • Công thức xác định bệnh: Thường dựa trên sự hiện diện của 5 trong số 6 biểu hiện lâm sàng chính, hoặc 4 biểu hiện chính kèm theo dấu hiệu giãn hoặc phình động mạch vành (sốt liên tục từ 5 ngày trở lên là tiêu chuẩn bắt buộc).

Cần loại trừ các bệnh lý tương tự như nhiễm khuẩn huyết, hội chứng Stevens-Johnson, sốt tinh hồng nhiệt, nhiễm Rickettsia.

Câu hỏi thường gặp về bệnh Kawasaki- Ảnh 2.

Bệnh Kawasaki thường xảy ra ở trẻ nhũ nhi và trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên trẻ lớn hơn vẫn có khả năng mắc bệnh.

4. Đông y có điều trị được bệnh Kawasaki không?

Hiện tại chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh Đông y có thể điều trị được bệnh Kawasaki. Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân.

5. Địa chỉ thăm khám và điều trị bệnh Kawasaki

Khi cơ thể có bất kỳ dấu hiệu bất thường nghi ngờ nào người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và tìm nguyên nhân. Để chữa bệnh Kawasaki, người bệnh nên khám tại các chuyên khoa về tim mạch để bác sĩ chẩn đoán giai đoạn bệnh. Thông thường bác sĩ sẽ hỏi thông tin về bệnh lý, triệu chứng và thăm khám lâm sàng cho người bệnh. Một số trường hợp có thể được chỉ định các phương pháp xét nghiệm thêm để chẩn đoán.

Dưới đây là một số địa chỉ thăm khám và điều trị bệnh Kawasaki người bệnh có thể tham khảo:

  1. Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ:78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
  2. Bệnh viện Tim Hà Nội. Địa chỉ: Cơ sở 1: Số 92 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Cơ sở 2: Số 695 Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội
  3. Viện Tim mạch – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  4. Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E. Địa chỉ: 89 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội
  5. Bệnh viện Nhi Trung ương. Địa chỉ: Địa chỉ: 18/879 La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội

Chế độ ăn uống cho người bệnh KawasakiChế độ ăn uống cho người bệnh Kawasaki

SKĐS - Mặc dù chế độ ăn không phải là biện pháp điều trị bệnh Kawasaki nhưng dinh dưỡng tốt giúp tăng cường miễn dịch, giảm viêm, giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ biến chứng tim mạch lâu dài.


ThS.BS Đỗ Doãn Bách
Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn