Câu hỏi thường gặp về bệnh bại liệt

19-10-2024 19:45 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bại liệt là bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa do virus Polio gây nên, dễ lây lan thành dịch. Bệnh nhân có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, mất nước, viêm phổi, teo cơ, tê liệt, cơ thể trở nên mệt mỏi, kiệt sức, khó thở, liệt cơ hô hấp... rồi tử vong.

Bại liệt: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhBại liệt: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Bệnh bại liệt (Poliomyelitis) là bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền qua đường tiêu hóa do virus Polio gây ra và bệnh có thể lây lan thành dịch.


1. Đông y có chữa được bại liệt không?

Bại liệt là bệnh có khả năng truyền nhiễm rất cao do virus bại liệt gây ra. Virus xâm nhập vào hệ thần kinh, có thể gây tê liệt hoặc thậm chí tử vong chỉ trong vài giờ. Vì vậy, đông y không thể chữa được bệnh này. Tuy nhiên, đông y có thể hỗ trợ điều trị và phục hồi tổn thương do bệnh lý này gây ra.

2. Các phương pháp điều trị bại liệt

Trên thực tế chưa có phương pháp đặc hiệu để điều trị bệnh bại liệt, vì đây là loại bệnh truyền nhiễm do virus gây ra.

Bệnh nhân được điều trị để giảm triệu chứng và cải thiện thể trạng tổng quát. Các biện pháp điều trị triệu chứng bao gồm nghỉ ngơi, giảm đau và chăm sóc đặc biệt.

Khi bệnh nhân bị liệt, phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng để ngăn ngừa teo cơ trong giai đoạn mà virus vẫn hoạt động. Trong giai đoạn hồi phục, tập vật lý trị liệu có vai trò quan trọng trong việc phục hồi hoạt động của các cơ bị ảnh hưởng. Nếu bệnh nhân bị liệt cơ bàng quang, cần đặt ống thông tiểu. Trong trường hợp liệt cơ hô hấp, người bệnh cần được thiết lập khí quản.

3. Bệnh bại liệt có chữa khỏi được không?

Hiện tại bệnh bại liệt không có phương pháp điều trị đặc hiệu để loại bỏ virus khỏi cơ thể. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng, nâng đỡ thể trạng, hỗ trợ hồi phục chức năng và ngăn ngừa các biến chứng.

Câu hỏi thường gặp về bệnh bại liệt- Ảnh 2.

Bại liệt là một bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa do virus Polio gây nên.

4. Những chú ý quan trọng đối với bệnh bại liệt

Bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra và có thể lây truyền thành dịch. Trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi.

Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa: Trực tiếp từ phân - miệng hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống, tay và dụng cụ bị nhiễm virus từ phân người bệnh. Một số ít lây qua đường hầu họng. Ruồi nhặng cũng là tác nhân vận chuyển virus từ phân người bệnh sang thức ăn, nước uống. Người bệnh có khả năng đào thải virus trong 10 ngày trước và sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh.

Virus bại liệt vào cơ thể người phát triển trong ruột, sau đó xâm nhập vào hạch bạch huyết, từ đó xâm nhập vào hệ thần kinh và có thể gây liệt vĩnh viễn.

Nhiều người bị nhiễm virus bại liệt không có triệu chứng, nhưng phân của họ có chứa virus và sẽ lây lan cho người lành.

Vì vậy, để chủ động phòng ngừa bệnh bại liệt, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện uống vaccine phòng bệnh bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi: Đảm bảo trẻ được uống vaccine ít nhất 3 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế để bảo vệ khỏi bệnh bại liệt.

Có thể sử dụng tiêm phòng dịch vụ, các mũi tiêm có thành phần bại liệt bao gồm: Vaccine 6 in1 Infanrix Hexa (Bỉ) và 6 in1 Hexaxim (Pháp), 5 in1 Pentaxim (Pháp) tiêm 3 mũi chính từ 2, 3, 4 tháng tuổi. Mũi 4 tiêm nhắc lại khi trẻ 16 đến 18 tháng tuổi.

Các trường hợp chống chỉ định sử dụng vaccine bại liệt:

- Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần): Sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu tím tái, khó thở.

- Trẻ suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các vaccine sống giảm độc lực.

- Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.

- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng là: Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê…). Trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Trẻ sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách). Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) nên tạm hoãn tiêm chủng vaccine sống giảm độc lực.

Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison ≥2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày cũng nên tạm hoãn tiêm chủng vaccine sống giảm độc lực.

Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh hoặc mạn tính kèm theo tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).

Không nên trì hoãn tiêm chủng nếu chỉ mắc các bệnh đường hô hấp hoặc cấp tính nhẹ mà không sốt, vì chỉ khi tiêm phòng đúng liều đúng lịch, vaccine mới đạt được hiệu phòng bệnh tốt nhất.

5. Chi phí tiêm vaccine phòng bại liệt

Bệnh bại liệt đã từng bùng phát dịch tại Mỹ và Châu Âu gây ra cái chết cho hàng nghìn người trên thế giới, chỉ trong năm 1916 tại Mỹ đã có hơn 6000 người chết vì bại liệt. Tuy nhiên, chỉ tới năm 1953 khi Jonas Salk phát triển ra vaccine bại liệt thì đã ngăn chặn được sự lây lan của bệnh này.

Bệnh bại liệt đã được xóa bỏ tại Mỹ từ năm 1979 và Tây Bán cầu từ năm 1991. Tại Việt Nam nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng vào năm 2000 đã thanh toán bệnh bại liệt – căn bệnh từng là nỗi khiếp sợ trên toàn cầu với những trận dịch khiến hàng ngàn người tử vong và gấp nhiều lần con số đó bị di chứng tàn tật suốt đời.

Với vaccine sống giảm độc lực (OPV): Dùng đường uống, gây được miễn dịch lâu bền, chống lại được sự xâm nhập của virus hoang dại (do tạo được miễn dịch tại ruột), đạt hiệu quả 90 - 100%. Tất cả trẻ em được uống 3 lần vaccine OPV miễn phí vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi.

Với vaccine bại liệt tiêm (IPV) tiêm dịch vụ có giá khoảng 495.000 – 990.000VNĐ, tùy từng loại khác nhau nên giá cũng khác nhau.

Bệnh bại liệt điều trị như thế nào?Bệnh bại liệt điều trị như thế nào?

SKĐS - Bệnh bại liệt xuất phát từ một loại virus bại liệt hoang dã lây nhiễm cho trẻ em và có tỷ lệ tử vong cao. Một khi đã nhiễm bệnh thì không có thuốc chữa. Vì vậy, khi đối mặt với bệnh bại liệt, người ta chú ý nhiều hơn đến các biện pháp phòng ngừa và điều trị theo dõi sau bại liệt.


BS Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn