Câu hỏi thường gặp liên quan tới bệnh suy tuyến yên

04-11-2024 12:35 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Suy tuyến yên là bệnh hiếm gặp, gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh.

1. Đông y có chữa được bệnh suy tuyến yên?

Suy tuyến yên trong y học cổ truyền thường được hiểu là suy yếu hoặc rối loạn chức năng của tuyến yên, có thể dẫn đến nhiều triệu chứng mệt mỏi, giảm năng lượng, rối loạn kinh nguyệt và tăng cân.

Theo y học cổ truyền, điều này thường liên quan đến sự mất cân bằng của các yếu tố như âm dương, khí huyết. Các triệu chứng có thể được xem là do thận hư, tỳ vị yếu hoặc huyết hư tùy thuộc vào biểu hiện của bệnh ở mỗi người.

Điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền thường căn cứ trên thể bệnh từng người bệnh mà kê đơn thuốc, chủ yếu là bù đắp sự mất cân bằng của các yếu tố: âm dương, khí như: bồi bổ cơ thể, tăng cường chức năng của các tạng phủ liên quan và điều chỉnh lối sống.

Các phương pháp như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và sử dụng thuốc đông y cũng thường được áp dụng.

Các bài thuốc của đông y chỉ hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh.

2. Cách sơ cứu bệnh suy tuyến yên

Bệnh suy tuyến yên gây ra bởi bệnh tại tuyến yên hoặc do tổn thương vùng dưới đồi hoặc do bệnh lý toàn thân khác nên các trường hợp cấp cứu bác sĩ sẽ xử trí khắc phục triệu chứng để đảm bảo các chức năng sống của người bệnh được duy trì.

Tuy nhiên sơ cứu bệnh suy tuyến yên cần kịp thời bởi người có chuyên môn y khoa. Trong mọi trường hợp bệnh nhân bị suy tuyến yên có biểu hiện bất thường đe dọa đến tính mạng cần được hỗ trợ gọi cho cơ quan y tế gần nhất để kịp thời được hướng dẫn sơ cứu đúng cách và vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế an toàn.

Câu hỏi thường gặp liên quan tới bệnh suy tuyến yên- Ảnh 1.

Tuyến yên là một tuyến nhỏ nằm trong não.

3. Cách chăm sóc bệnh suy tuyến yên

Chế độ sinh hoạt, vận động và dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ phục hồi các rối loạn tuyến yên. Người bệnh suy tuyến yên nên tuân thủ các lưu ý sau để cải thiện bệnh hiệu quả:

  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe.
  • Người bệnh nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra mức độ ổn định của các hormone trong cơ thể và điều chỉnh liều thuốc nếu cần.
  • Tuân thủ đúng liều thuốc.
  • Suốt quá trình điều trị, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng. Không tự ý tăng giảm liều hoặc ngưng thuốc khi thấy các triệu chứng được cải thiện.

Suy tuyến yên nên ăn gì?

Người bệnh suy tuyến yên cần chú ý cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh gồm đầy đủ các thực phẩm như: thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây tươi… Những thực phẩm này không chỉ giàu năng lượng mà còn là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất thiết yếu và chất chống oxy hóa cho cơ thể.

Câu hỏi thường gặp liên quan tới bệnh suy tuyến yên- Ảnh 2.

Thực phẩm tốt cho tuyến yên giàu protein.

Ngoài ra, để duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể, người bệnh cần uống đủ nước, trung bình khoảng 1,5 lít – 2 lít nước/ngày.

Tạo ra môi trường thư giãn

Căng thẳng, áp lực là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có tuyến yên. Do đó, người bệnh tuyến yên nên giữ tâm lý thoải mái, hạn chế stress để góp phần phục hồi tuyến yên tốt hơn.

Theo dõi sự thay đổi của cơ thể

Người bệnh suy tuyến yên nên theo dõi những thay đổi của cơ thể trong quá trình dùng thuốc, để cảm nhận hiệu quả của tiến trình điều trị. Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ để có điều chỉnh phù hợp.

4. Bệnh suy tuyến yên có chữa khỏi không?

Bệnh suy tuyến yên có thể được chữa khỏi, người bệnh cần sớm đến bệnh viện thăm khám khi có các triệu chứng như rối loạn nội tiết, rối loạn thị giác, suy giảm ý thức, thở nông… Qua quá trình thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra cách điều trị suy tuyến yên phù hợp với từng tình trạng bệnh.

Việc điều trị bệnh suy tuyến yên phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đa số bệnh nhân bị suy tuyến yên có thể được quản lý và điều trị hiệu quả nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

5. Lưu ý với người béo phì, tiểu đường, mang bầu... khi mắc bệnh suy tuyến yên

Đối với những trường hợp đặc biệt như phụ nữ mang thai nếu phát hiện bị suy tuyến yên cần được theo dõi chặt chẽ về sự thay đổi bất thường của các hormone để kịp thời có phương án điều trị chuyên biệt. Việc theo dõi khám sàng lọc suy tuyến yên ở trẻ sau khi sinh ra cũng vô cùng quan trọng.

Câu hỏi thường gặp liên quan tới bệnh suy tuyến yên- Ảnh 3.

Bệnh nhân suy tuyến yên thường điều trị bằng liệu pháp hormone.

Đối với những người béo phì, tiểu đường cần được khám và chẩn đoán chính xác để tìm nguyên nhân gây suy tuyến yên. Đây là những người có rối loạn chuyển hóa nên khi điều trị cần đặc biệt tuân thủ đúng phác đồ và tái khám định kỳ để kiểm soát bệnh tốt nhất.

6. Chi phí khám chữa bệnh suy tuyến yên

Chi phí khám chữa bệnh suy tuyến yên phụ thuộc vào biểu hiện bệnh của từng người. Hiện nay, suy tuyến yên có thể khám và phát hiện ở các cơ sở y tế tuyến huyện, quận, thành phố. Đặc biệt, người dân còn được bảo hiểm y tế chi trả một số xét nghiệm cơ bản nếu khám đúng tuyến.

Suy tuyến yên: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trịSuy tuyến yên: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị

SKĐS - Bệnh suy tuyến yên xuất hiện khi cơ quan này có trạng thái hoạt động yếu đi, làm cho hormone sản xuất không đủ cho nhu cầu thực tế của cơ thể. Đây được xem là một bệnh lý khá ít gặp.


Ths.Bs Trịnh Ngọc Cảnh
Phó trưởng khoa Xương khớp - Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Ý kiến của bạn