1. Đông y có chữa được ung thư tuyến tiền liệt không?
Về điều trị, hiện có nhiều biện pháp để nâng cao thời gian sống và chất lượng sống cho người bệnh như: phẫu thuật triệt căn, cắt toàn bộ tuyến tiền liệt qua mổ mở hoặc mổ nội soi, xạ trị 3D, hóa trị, điều trị nội tiết... Đông y không chữa được nhưng có thể hỗ trợ trong điều trị giúp nâng cao và phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
2. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Với sự gia tăng của ung thư tuyến tiền liệt thì lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, giảm bớt chi phí y tế một cách hợp lý là một vấn đề quan trọng. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp.
Điều trị bằng thuốc
Mục đích của điều trị là sử dụng các thuốc nhằm ngăn chặn từng khâu trong quá trình phát triển của ung thư, chủ yếu là ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn khi đã có tái phát và di căn xa không còn khả năng điều trị triệt căn.
Sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt được mô tả như là một hệ thống dưới sự điều khiển của yếu tố: - hormone sinh dục nam - các yếu tố thụ cảm thể - các men chuyển, là những yếu tố gây ra sự biến đổi trong gen tế bào:
+ Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận về mối quan hệ giữa hormone nam và sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt, tác giả nhận thấy nguồn hormone tại tinh hoàn và tuyến thượng thận có vai trò kích thích ung thư phát triển và việc ngăn chặn có thể đạt được bằng các biện pháp loại bỏ hormone nam.
+ Các yếu tố thụ cảm thể, đặc biệt các thụ cảm thể tín hiệu (AR-Signaling) đóng vai trò trung gian trong việc điều chỉnh các tác động của hormone nam lên tế bào và đóng vai trò chính đối với ung thư tồn tại dai dẳng sau khi loại bỏ các nguồn hormone nam. Quá trình này có thể ngăn chặn được bằng các biện pháp ức chế AR.
+ Ngoài ra, việc sử dụng các thuốc ức chế men chuyển - 5α reductase (Dutasteride) hoặc kết hợp với thuốc ức chế sản xuất tiền hormone nam tuyến thượng thận (ketoconazole) cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Những năm gần đây, các nghiên cứu mới về việc sử dụng trở lại các chất hóa trị liệu cho thấy có tác dụng nhất định trên các AR và gen tế bào, các thuốc này đang tiếp tục được phát triển cũng như các thuốc trong tương lai tác động trực tiếp lên gen.
Điều trị phẫu thuật
Các yếu tố quyết định chỉ định điều trị ung thư tuyến tiền liệt: Tuổi; tình trạng sức khỏe của người bệnh; nguy cơ phát triển bệnh, bao gồm: Nồng độ PSA huyết thanh; Giai đoạn lâm sàng (stade - TNM); Điểm Gleason.
Nguyên tắc điều trị ung thư tuyến tiền liệt: Cắt toàn bộ tuyến tiền liệt, túi tinh và bóng của ống dẫn tinh; Nạo hạch chậu. Các phương pháp điều trị phẫu thuật chủ yếu hiện nay đối với ung thư tuyến tiền liệt:
- Phẫu thuật nội soi: nội soi ổ bụng hoặc có sự hỗ trợ của ROBOT (RORP).
- Phẫu thuật mở cắt toàn bộ tuyến tiền liệt.
Các phương pháp điều trị khác
Hiện nay, có một số kỹ thuật mới không phẫu thuật để điều trị ung thư tuyến tiền liệt: Điều trị bằng chùm siêu âm cường độ cao qua đường trực tràng (HIFU - Transrectal high - intensity focused ultrasound).
- Phẫu thuật lạnh (Cryoablation).
- Điều trị bằng chùm tia xạ ngoài (EBRT - externalbeam radiation therapy).
3. Ung thư tuyến tiền liệt có chữa khỏi được không?
Việc điều trị ung thư tuyến tiền liệt sẽ bao gồm các phương pháp điều trị đặc hiệu tại chỗ hoặc toàn thân và các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ, phụ thuộc vào từng đối tượng bệnh nhân. Nếu phát hiện sớm việc điều trị sẽ hiệu quả. Một số loại ung thư tuyến tiền liệt phát triển và lây lan nhanh, nhưng hầu hết phát triển chậm. Điều đó dẫn đến triển vọng cao trong điều trị loại ung thư này với tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến hơn 95%.
4. Cách chăm sóc bệnh tại nhà
Việc điều trị cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt cần chú ý chế độ ăn uống lành mạnh không nhất thiết phải nhàm chán, thực tế chứng minh người bệnh nên ăn nhiều loại rau củ quả khác nhau để cơ thể hấp thu đa dạng dưỡng chất. Cố gắng cắt giảm các thực phẩm và đồ uống không lành mạnh, như những thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo bão hòa, muối, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn cũng như những thực phẩm có thêm hương liệu hoặc chất bảo quản.
Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt cũng nên cố gắng tránh thịt chế biến sẵn và thịt nấu ở nhiệt độ cao, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột, dạ dày. Thịt đã qua chế biến là thịt được bảo quản bằng cách hun khói, ướp muối hoặc bằng chất bảo quản, bao gồm thịt xông khói và một loại số xúc xích.
Thay vào đó, người bệnh ung thư tuyến tiền liệt có thể chọn thịt trắng như thịt gia cầm (gà, vịt) nạc, không da; cá tươi hoặc đóng hộp, chẳng hạn như cá ngừ, cá hồi hoặc cá mòi; các loại đậu, như đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu lăng; các loại hạt điều, dẻ, hạnh nhân, óc chó… và bơ hạt, những loại đậu, hạt này ít chất béo và nhiều chất xơ hơn thịt.
Luyện tập thói quen đọc nhãn trên thực phẩm đóng gói để biết có bao nhiêu calo và bao nhiêu chất béo, muối và đường trong sản phẩm, sau đó so sánh các sản phẩm khác nhau để tìm ra lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe. Tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sau điều trị ung thư tuyến tiền liệt sẽ giúp vết thương nhanh lành, đồng thời giảm nguy cơ tái phát bệnh trong tương lai.
5. Chi phí khám chữa bệnh
Tùy theo từng giai đoạn, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị ung thư tuyến tiền liệt phù hợp, đảm bảo đem lại hiệu quả cao nhất và hạn chế rủi ro.
Chi phí điều trị ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm sẽ ít tốn kém, còn ở giai đoạn tiến triển khi khối u đã xâm lấn xung quanh hoặc di căn tới các cơ quan như trực tràng, bàng quang, túi tinh, cơ thắt niệu đạo, hạch bạch huyết, xương, gan, phổi… có thể điều trị bằng thuốc ức chế nội tiết, có thể kết hợp với hóa trị, xạ trị… nên chi phí thường cao, hơn 30 triệu đồng một tháng, bệnh nhân phải tự trả tiền mua thuốc không thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả.
Trong khi đó, quá trình điều trị ung thư ở giai đoạn này gần như kéo dài thời gian, nhiều đợt gây tốn kém. Đây là lý do bác sĩ khuyên người trong nhóm nguy cơ nên tầm soát để phát hiện sớm bệnh, điều trị hiệu quả và đỡ tốn kém chi phí.