Hà Nội

Câu hỏi thường gặp liên quan đến áp xe thận

15-09-2024 16:07 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Áp xe thận tuy không phổ biến nhưng lại là bệnh lý nguy hiểm đối với sức khoẻ. Áp xe thận nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến suy thận.

1. Đông y có chữa được áp xe thận không?

Áp xe thận là tình trạng xuất hiện ổ mủ quanh thận do nhiễm trùng các mô mềm xung quanh thận hay mô thận ngoại vi. Đây là một bệnh lý xuất hiện phổ biến do những chấn thương và nhiễm trùng có liên quan đến sỏi thận. 

Đông y không chữa được nhưng có thể hỗ trợ trong điều trị giúp nâng cao và phục hồi sức khỏe cho người bệnh.

2. Các phương pháp điều trị áp xe thận

Ở hầu hết bệnh nhân bị viêm thận bể thận cấp, điều trị bằng kháng sinh thích hợp sẽ có đáp ứng lâm sàng trong vòng 1 tuần sau khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, áp xe thận tổn thương lớn thường khó điều trị bằng kháng sinh đơn độc, với hầu hết các nghiên cứu hạn chế chỉ chấp nhận điều trị áp xe thận bằng kháng sinh đối với các tổn thương nhỏ hơn 3 cm.

Ở hầu hết các bệnh nhân nghi ngờ áp xe nhu mô thận, kịp thời điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch với phổ tác dụng chống lại vi khuẩn đặc hiệu nuôi cấy được. Ngoài ra có thể bổ sung dịch truyền tĩnh mạch. Điều trị thuốc đơn thuần nên được giới hạn ở những bệnh nhân ổn định về huyết động với áp xe nhỏ hơn <3 cm.

Bệnh nhân có dấu hiệu bất ổn huyết động do nhiễm trùng huyết hoặc áp xe thận lớn (≥ 3 cm) nên được dẫn lưu qua da hoặc phẫu thuật để xử lý áp xe. Hơn nữa, chỉ điều trị thuốc uống trong điều trị áp xe đáy chậu là không phù hợp, vì nguy cơ tử vong liên quan đến áp xe đáy chậu được điều trị bằng kháng sinh đơn thuần lên tới 33%.

Dẫn lưu có thể được thực hiện bằng phẫu thuật hoặc bằng nội soi qua da sau phúc mạc. X-quang và siêu âm được sử dụng để xác định vị trí dẫn lưu.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến áp xe thận- Ảnh 1.

Áp xe thận nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến suy thận.

Nói chung, áp xe thận lớn cần dẫn lưu nếu bệnh nhân bị sốt dai dẳng và không có cải thiện lâm sàng sau 1 tuần điều trị kháng sinh. Dẫn lưu qua da cộng với kháng sinh toàn thân được chỉ định là phương pháp điều trị tốt nhất cho áp xe có kích thước 3 - 5 cm. Áp xe thận có thể được dẫn lưu qua da theo CT hoặc hướng dẫn siêu âm.

Khi áp xe thận quá lớn gây thâm nhiễm mất chức năng thận hoàn toàn hoặc vỡ dò nguy hiểm vào khung chậu, màng phổi, màng bụng, chỉ định cắt bỏ thận có thể được đưa ra.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau hay miếng đệm nóng để giảm cảm giác áp lực hoặc đau.

3. Áp xe thận có chữa khỏi được không?

Bệnh áp xe thận là một bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến suy thận. Tuy vậy, nếu phát hiện sớm bệnh được điều trị hiệu quả. Đối với khối áp xe kích thước lớn, điều trị nội khoa không cải thiện, có thể điều trị ngoại khoa bằng cách dẫn lưu ổ áp xe ra ngoài và tiêm kháng sinh hằng ngày. Bệnh nhân được điều trị sớm không tổn thương nhiều đến thận nên có kết quả tốt.

4. Cách chăm sóc bệnh tại nhà

Tại nhà bệnh nhân cần uống thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ, nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như: Ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.

  • Cách chăm sóc vết thương: Nên thay băng ngày 1 lần tại bệnh viện hoặc thay băng tại cơ sở y tế địa phương nếu bệnh nhân ở xa bệnh viện.
  • Giữ vết thương sạch và khô, nếu bị ướt phải thay băng ngay.
  • Chế độ dinh dưỡng: Bệnh nhân cần chú ý uống nhiều nước (2.5 l/ngày), bổ sung thêm nước cam, chanh. Ăn uống bình thường tăng cường dinh dưỡng và rau, củ, quả (rau mồng tơi, rau đay, rau lang, khoai lang, chuối, đu đủ…) để tránh tình trạng táo bón.
  • Tránh các chất kích thích như thức ăn quá cay nóng, rượu, bia, thuốc lá (vì các thực phẩm này làm chậm lành vết thương và giảm tác dụng của thuốc điều trị).
Câu hỏi thường gặp liên quan đến áp xe thận- Ảnh 2.

Bệnh nhân cần chú ý uống nhiều nước 2.5 l/ngày,

  • Chế độ sinh hoạt và tập luyện: Bệnh nhân cần lau người bằng nước ấm, có thể tắm rửa sau khi vết thương liền và đã cắt chỉ nhằm mục đích tránh nước dính vào vết thương gây nhiễm trùng. Hoặc nếu tắm thì sau mỗi lần tắm phải thay băng ngay. Tránh lao động nặng trong vòng 1 tháng sau phẫu thuật. 1 tuần sau khi thực hiện, tăng cường tập luyện thể dục vừa sức để nâng cao sức khỏe.

Cần lưu ý ở bệnh nhân áp xe thận là phải tái khám sau khi uống hết thuốc để kiểm tra tình trạng bệnh. Hoặc phải khám ngay khi có các triệu chứng bất thường như: đau vết thương chọc dò nhiều, vết thương chọc dò sưng, đỏ..

5. Chi phí khám chữa bệnh

Đa số bệnh nhân áp xe thận phát hiện kịp thời điều trị bằng kháng sinh. Điều trị thuốc đơn thuần được giới hạn ở những bệnh nhân ổn định về huyết động với áp xe nhỏ hơn <3 cm. Trường hợp nặng phải dẫn lưu và tiêm kháng sinh mỗi ngày. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp

Nếu dẫn lưu viêm tấy quanh thận, áp xe thận có thể dao động từ 2.000.000 – 7.500.000 đồng/1 lần tùy thuộc vào đối tượng bảo hiểm chi trả hay dịch vụ. Chi phí điều trị cũng sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm phương pháp, các loại thuốc được sử dụng và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.

Người bệnh áp xe thận nên tập thể dục thế nào?Người bệnh áp xe thận nên tập thể dục thế nào?

SKĐS - Người bệnh áp xe thận nên tập các bài tập nhẹ nhàng, lặp đi lặp lại như đi bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ... tránh hoạt động thể lực quá sức gây hại sức khỏe...


Bs Vũ Văn Tuấn
Ý kiến của bạn