Câu hỏi thường gặp liên quan đến viêm nang lông

22-09-2024 17:29 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm nang lông là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng, ảnh hưởng đến một hoặc nhiều nang lông. Viêm nang lông có thể xảy ra trên da ở bất cứ nơi nào (những nơi có nang lông), kể cả vùng da đầu, nhưng nhiều nhất trên vai, lưng, đùi, mông, cổ và nách.

1. Đông y có chữa được viêm nang lông không?

Các tác nhân gây viêm nang lông có nhiều loại. Đa số trường hợp viêm nang lông là do tụ cầu. Ngoài ra có thể do vi khuẩn Gram âm, Pseudomonas, Proteus…, nấm men, nấm sợi, nhiễm virus herpes, u mềm lây và ký sinh vật demodex. Vì vậy, đông y không chữa được tuy nhiên, có nhiều phương thuốc giúp hỗ trợ hiệu quả căn bệnh này.

2. Các phương pháp điều trị viêm nang lông

Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp. Điều trị viêm nang lông theo nguyên tắc sau:

Điều trị tại chỗ: có thể dùng các thuốc bôi chống nhiễm trùng, cồn iod, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh.

Điều trị toàn thân: trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc đường toàn thân. Kháng sinh sẽ được điều trị trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu khi cần thiết.

  • Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: Cần phải ngừng kháng sinh đang sử dụng, rửa benzoyl peroxid và cho ampicillin hoặc co-trimoxazol. Trong một số trường hợp phải cho dùng thuốc đặc hiệu khác.
  • Viêm nang lông do nấm: Sử dụng các thuốc chống nấm bôi và phối hợp với thuốc uống.
  • Viêm nang lông do virus herpes, có thể bôi kem acyclovir và uống acyclovir.
  • Viêm nang lông do demodex: có thể dùng kem bôi hoặc phối hợp với uống thuốc.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến viêm nang lông- Ảnh 1.

Tùy theo từng vị trí tổn thương, từng người mà các bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị viêm nang lông phù hợp,

Chú ý: Đối với viêm nang lông hay tái phát cần tìm nguyên nhân, phát hiện các ổ vi trùng ở các hốc mũi, hậu môn… và tránh làm xước da do cắt râu bằng kéo.

Ngoài ra, một số trường hợp có thể kết hợp với các phương pháp điều trị khác như: dùng Laser/ liệu pháp ánh sáng giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm nang lông hiệu quả, nhanh chóng.

  • Với trường hợp bị viêm nang lông với các mụn nhọt, bác sĩ sẽ tiến hành tiểu phẫu, rạch một đường nhỏ trên mụn nhọt để dẫn lưu mủ. Ưu điểm của tiểu phẫu là giảm nhanh cảm giác đau, thời gian phục hồi nhanh.
  • Người bệnh cần vệ sinh da thường xuyên, sử khăn mặt và khăn tắm sạch sau mỗi lần tắm, không dùng chung khăn tắm hoặc khăn mặt.
  • Giặt giũ thường xuyên, sử dụng nước xà phòng nóng để giặt khăn tắm, khăn lau mặt và các loại quần áo dễ thấm dầu.
  • Bảo vệ làn da khỏi ma sát do ba lô, mũ bảo hiểm và quần áo chật.
  • Vệ sinh bồn nước nóng, hồ bơi thường xuyên, bổ sung thêm clo theo khuyến cáo. Nếu đi bơi ở hồ bơi công cộng, khi ra khỏi hồ nên tắm lại với nước sạch, lau khô người và thay quần áo sạch.

3. Viêm nang lông có chữa khỏi được không?

Viêm nang lông hoàn toàn có thể điều trị được tại nhà bằng thuốc hoặc kem bôi ngoài da. Riêng các trường hợp nặng cần được bác sĩ điều trị bằng laser, tiểu phẫu,… hoặc bệnh hay tái phát cần điều trị dứt điểm.

4. Lưu ý quan trọng đối với viêm nang lông

Viêm nang lông có thể bắt gặp ở mọi đối tượng, nhưng những người sau dễ có nguy cơ bị viêm nang lông:

  • Người mắc bệnh viêm da, mụn trứng cá nhiều và sử dụng các thuốc kháng sinh để điều trị trứng cá lâu dài; Nam giới hay cạo râu.
  • Người mặc quần áo quá chật, bó sát trong thời gian dài gây đổ mồ hôi, bí hơi hoặc sử dụng lâu dài các đồ bảo hộ như găng tay cao su, giày cao cổ.
  • Tắm ở bồn tắm lâu ngày không được vệ sinh sạch sẽ, nhiệt độ không phù hợp.
  • Người thường xuyên cạo, tẩy lông không đúng cách.
  • Những người mắc các bệnh suy giảm hệ miễn dịch: HIV/AIDS, tiểu đường, bạch cầu mạn tính,...

Ngoài ra, những người phải sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như kem corticosteroid, prednisone, liệu pháp kháng sinh dài hạn để trị mụn trứng cá và một số loại thuốc hóa trị… dễ mắc hơn.

Tại nhà, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể cải thiện triệu chứng bằng biện pháp đơn giản giúp giảm viêm ngứa, tăng phục hồi làn da và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan như:

  • Chườm khăn ẩm ấm: Giảm sự khó chịu do bệnh gây ra.
  • Rửa sạch vùng da viêm: Rửa 2 lần 1 ngày bằng xà phòng kháng khuẩn, sử dụng khăn sạch mỗi lần để rửa sạch vùng da nhiễm trùng. Lưu ý không dùng chung khăn với người khác.
  • Dùng kem làm dịu da: Một số loại kem giảm ngứa, kem hydrocortisone có thể dùng không kê đơn.
  • Bảo vệ da: Ngừng cạo râu, lông vùng đang bị viêm nhiễm.

Điều trị bệnh viêm nang lông không khó và có thể loại bỏ sau một vài tuần. Điều quan trọng là cần tìm đúng nguyên nhân gây bệnh và dùng thuốc, biện pháp điều trị thích hợp. Bệnh sau điều trị có thể tái phát khi gặp yếu tố thuận lợi.

5. Chi phí khám chữa bệnh

Tùy theo từng vị trí tổn thương, từng người mà các bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị viêm nang lông phù hợp, đảm bảo đem lại hiệu quả cao nhất và hạn chế rủi ro.

Chi phí điều trị viêm nang lông dao động tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, khoảng 1.200.000 – 2.000.000 đồng/buổi. Nếu điều trị viêm nang lông cả chân (từ đùi trở xuống) có giá từ 3.000.000 - 8.000.000 đồng/chân. Ở lưng, chi phí điều trị viêm nang lông 1/2 lưng có giá 1.500.000 đồng/buổi. Mức chi phí này có thể thay đổi bởi một số yếu tố như: Cơ sở y tế tư nhân hay công lập; tTình trạng viêm nang lông ở mức độ viêm nang lông nặng sẽ có mức giá điều trị cao hơn…

Viêm nang lông: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhViêm nang lông: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Viêm nang lông là một bệnh lý về da phổ biến, xảy ra khi nhiễm trùng hoặc viêm lỗ chân lông. Do trên cơ thể có rất nhiều nang lông nên bất cứ chỗ nào cũng có nguy cơ đối với bệnh lý này.


ThS.BS. Nguyễn Văn Hưng
Ý kiến của bạn