Câu hỏi thường gặp liên quan đến ung thư khoang miệng

05-07-2024 11:06 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Người mắc ung thư khoang miệng thường sẽ gặp vấn đề tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Người nhà bệnh nhân cần giúp người bệnh có được tâm lý thoải mái, tích cực.

1. Đông y có chữa được ung thư khoang miệng không?

Theo quan điểm của y học hiện đại, ung thư khoang miệng nói riêng và các loại ung thư nói chung là một bệnh lý cần được điều trị bằng các biện pháp y tế tiên tiến như xạ trị, hóa trị, phẫu thuật… Đông y có thể đóng vai trò hỗ trợ nâng cao thể trạng của người bệnh và giảm các tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần thăm khám và tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Tuyệt đối không nên tự ý bỏ thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị.

2. Chẩn đoán ung thư khoang miệng bằng cách nào?

Để chẩn đoán ung thư khoang miệng, các bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm cần thiết sau:

Bệnh nhân khi có bất kì triệu chứng nào bất thường vùng miệng họng nên đi khám để phát hiện các tổn thương ở giai đoạn sớm. Một số dấu hiệu hay triệu chứng có thể tự phát hiện bao gồm: loét miệng họng tại một vị trí tái đi tái lại nhiều lần, có hạch vùng cổ, nuốt vướng nuốt khó, cảm giác đau nhói tại một vị trí trong thời gian dài.

  • Khám vùng đầu, cổ: Kiểm tra hạch vùng cổ - thượng đòn phát hiện các hạch có kích thước và tính chất bất thường: kích thước lớn, mới xuất hiện, tăng kích thước nhanh. Đồng thời, kết hợp thăm khám khoang miệng bằng mắt thường và bằng tay phát hiện các tổn thương bất thường nằm dưới niêm mạc má, lưỡi ….
  • Nội soi tai mũi họng kết hợp sinh thiết tổn thương: Đây là cách để đánh giá tổn thương ban đầu, tìm các tổn thương thứ phát.
  • Sinh thiết: Bệnh nhân sẽ được lấy một mẩu mô bằng phẫu thuật hoặc dùng kim, dao để nạo vùng bất thường nghi ngờ là ung thư. Mô này sẽ được kiểm tra để tìm tế bào ung thư, đây cũng được xem là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán người bệnh có mắc ung thư hay không.
  • Sau khi có chẩn đoán xác định tình trạng ác tính của khối u, người bệnh sẽ được làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh: CT scan, MRI, PET/CT để đánh giá chính xác giai đoạn của bệnh, qua đó đưa ra biện pháp điều trị tối ưu thông qua việc hội chẩn đa chuyên khoa. Ngoài ra trong nhiều trường hợp các biện pháp thăm dò sâu hơn như xét nghiệm hóa mô miễn dịch, xét nghiệm gen để chẩn đoán loại trừ.
  • Trước khi tiến hành các biện pháp can thiệp thực sự, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm để đánh giá chức năng gan, thận, tim… đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe trước khi tiến hành điều trị.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến ung thư khoang miệng- Ảnh 1.

Một trường hợp bệnh nhân ung thư lợi hàm thuộc ung thư khoang miệng.

Hiện tại chưa có nghiên cứu nào chứng minh ung thư khoang miệng có di truyền. Tuy nhiên nếu gia đình bạn có người mắc ung thư khoang miệng hoặc các loại ung thư khác, tỷ lệ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn. Do đó nếu bạn là người có nguy cơ cao mắc ung thư cần thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc nhờ tư vấn của bác sĩ để tầm soát nếu cần thiết.

3. Lưu ý khi chăm sóc cho người mắc ung thư khoang miệng tại nhà

Người bệnh mắc ung thư khoang miệng thường sẽ có các tổn thương tại miệng và gây ảnh hưởng đến quá trình ăn uống. Do vậy, chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư khoang miệng cần được lưu ý để cân đối và giúp người bệnh hấp thu được dễ dàng hơn. Ví dụ như ưu tiên cách chế biến đồ ăn dạng lỏng: cháo, súp, phở, bún… hoặc có thể xay nhuyễn các thực phẩm để dễ hấp thu.

Ngoài ra, nhiều người bệnh thường được nghe mách bảo các cách nhịn ăn, ăn kiêng hoàn toàn một loại thực phẩm nào đó như thịt, tinh bột… Tuy nhiên các phương pháp này đều chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh. Việc áp dụng có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người bệnh hoặc hiệu quả điều trị. Tốt nhất, người nhà và người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có được hướng dẫn dinh dưỡng tốt nhất.

Bên cạnh đó, người mắc ung thư khoang miệng thường sẽ gặp vấn đề tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Người nhà bệnh nhân cần giúp người bệnh có được tâm lý thoải mái, tích cực. Bởi hiện nay với sự tiến bộ của khoa học, rất nhiều phương pháp điều trị ung thư có thể giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý trước, trong và sau khi điều trị ung thư nếu có vấn đề gì nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa điều trị đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám theo lịch hẹn.

4. Ung thư khoang miệng có chữa khỏi được không?

Hiện nay ở nước ta, đa phần các bệnh nhân ung thư nói chung đến thăm khám và phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn. Đa số ở giai đoạn đầu ung thư khoang miệng không có biểu hiện gì nên người bệnh thường bỏ qua các dấu hiệu nghi ngờ. Đến khi bệnh có các dấu hiệu di căn hoặc tổn thương lan rộng người bệnh mới đến thăm khám.

Với ung thư khoang miệng, nếu bệnh được phát hiện sớm sẽ có khả năng điều trị thành công cao. Trong trường hợp muộn ở giai đoạn di căn, việc điều trị sẽ gặp khó khăn hơn và tiên lượng sống của bệnh nhân cũng thấp hơn so với giai đoạn đầu.

Hiện nay việc điều trị ung thư khoang miệng được kết hợp nhiều phương pháp. Nếu phát hiện sớm có thể phẫu thuật nạo vét kết hợp tạo hình giúp người bệnh quay lại cuộc sống sinh hoạt bình thường, tỷ lệ sống trên 5 năm cao.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến ung thư khoang miệng- Ảnh 2.

Các bệnh nhân ung thư ở Việt Nam khi phát hiện bệnh thường đã ở giai đoạn muộn,

Một phần rất quan trọng giúp duy trì hiệu quả điều trị đó là việc theo dõi sau khi kết thúc điều trị. Bệnh ung thư có hai đặc tính quan trọng là tái phát và di căn, do đó việc khám định kì theo dõi sau điều trị theo lịch của bác sĩ chuyên khoa ung thư rất quan trọng. Khám theo dõi định kì giúp phát hiện sớm tổn thương tái phát hay di căn giúp cho việc điều trị có hiệu quả tốt hơn.

5. Lưu ý với người tiểu đường, béo phì … mắc ung thư khoang miệng

Những người thừa cân, béo phì, người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết không tốt đều có nguy cơ mắc ung thư. Với người thừa cân béo phì, thói quen ít vận động và ăn uống không lành mạnh cũng là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý về ung thư.

Với người đái tháo đường, cơ thể sẽ xảy ra tình trạng kháng insulin làm nồng độ insulin trong máu tăng lên. Trong khi đó insulin có tác dụng như một hormone tăng trưởng giúp kích thích tế bào ung thư phát triển nhanh hơn.

Do vậy, với những người thừa cân béo phì hoặc người mắc các bệnh lý như đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu… cần thăm khám thường xuyên để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường. Nếu trong trường hợp đã chẩn đoán ung thư khoang miệng cần tuyệt đối tuân thủ điều trị của bác sĩ.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Đối với các loại bệnh ung thư nói chung và ung thư khoang miệng nói riêng, chi phí điều trị phụ thuộc nhiều vào giai đoạn bệnh. Nếu được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, chi phí điều trị sẽ giảm đi rất nhiều, bệnh ở giai đoạn càng muộn chi phí điều trị càng tăng.

Nhìn chung chi phí điều trị ung thư khoang miệng có thể cao hay không, phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Giai đoạn bệnh: Nếu được phát hiện sớm chi phí điều trị sẽ càng thấp
  • Các phương pháp điều trị: Tùy thuộc vào thể trạng người bệnh, giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
  • Bảo hiểm y tế: Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả phần lớn chi phí trong danh mục điều trị. Bảo hiểm y tế có trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí cho việc điều trị ung thư khoang miệng và các loại bệnh ung thư nói chung.

Để thăm khám và điều trị bệnh ung thư khoang miệng, người bệnh cần đến các chuyên khoa ung bướu tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và tư vấn của bác sĩ.

Các phương pháp điều trị ung thư khoang miệngCác phương pháp điều trị ung thư khoang miệng

SKĐS - Ung thư khoang miệng là tình trạng xuất hiện các tổn thương ác tính xuất hiện ở vùng khoang miệng bao gồm lưỡi, niêm mạc má, sàn miệng, lợi hàm trên và dưới, khẩu cái, môi...


ThS.BS Lê Chí Hiếu
Phó Trưởng khoa Ung bưới xạ trị - Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn