Hà Nội

Câu hỏi thường gặp liên quan đến ung thư dương vật

22-07-2024 15:43 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ung thư dương vật là căn bệnh phát triển từ mô tế bào của dương vật, có thể lan rộng và tấn công những bộ phận khác trong cơ thể. Đây là bệnh lý hiếm gặp nhưng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Đông y có chữa được ung thư dương vật không?

Ung thư dương vật là bệnh lý có tỉ lệ mắc không cao, nhưng thường gây biến chứng phức tạp, ảnh hưởng chức năng sinh sản, tình dục và tính mạng của người bệnh… Đông y không chữa được nhưng có thể hỗ trợ trong điều trị giúp người bệnh nâng cao và phục hồi sức khỏe.

2. Các phương pháp điều trị ung thư dương vật

Tùy từng tình trạng của bệnh mà các bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp. Cách lựa chọn kế hoạch điều trị phù hợp nhất dành cho người bệnh phụ thuộc vào:

  • Loại và giai đoạn ung thư;
  • Khả năng đáp ứng của loại ung thư này với các phác đồ điều trị;
  • Tuổi;
  • Toàn trạng bệnh nhân;
  • Cảm nhận của bệnh nhân về các tác dụng phụ và các thay đổi dài hạn do điều trị.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho hầu hết bệnh nhân ung thư dương vật. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, được chỉ định tùy thuộc vào vị trí và kích thước khối u. Các bác sĩ có thể cắt u, cắt một phần hoặc toàn bộ dương vật.

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia năng lượng cao (như tia X) để diệt tế bào ung thư. Nếu khối u nhỏ, đây có thể là phương pháp thay thế phẫu thuật. Đôi khi, các bác sĩ cũng có thể chỉ định xạ trị hạch vùng, hoặc điều trị triệu chứng trong ung thư tiến triển.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến ung thư dương vật- Ảnh 1.

Các phương pháp điều trị tại chỗ chỉ điều trị các điểm ung thư trên dương vật, do đó phần mô lành còn lại xung quanh sẽ không bị ảnh hưởng.

Tia xạ được chiếu vào dương vật hoặc hạch vùng từ một máy ở ngoài cơ thể. Đây gọi là xạ trị ngoài. Tia xạ cũng có thể được chiếu bằng một nguồn phóng xạ đặt trong hoặc ngay sát khối u. Đây gọi là xạ áp sát. Nếu có chỉ định xạ trị, bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể gặp phải.

Hầu hết các tác dụng phụ sẽ hết sau khi kết thúc điều trị, số khác có thể kéo dài hơn. Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về các thay đổi cơ thể trong và sau điều trị.

Các phương pháp điều trị tại chỗ chỉ điều trị các điểm ung thư trên dương vật, do đó phần mô lành còn lại xung quanh sẽ không bị ảnh hưởng.

Hóa trị toàn thân ít được sử dụng, được dùng kết hợp phẫu thuật trong các trường hợp có di căn hoặc ung thư tái phát.

Ngoài ra, liệu pháp miễn dịch có thể được chỉ định, đây là phương pháp mới điều trị ung thư dương vật giai đoạn tiến triển (có di căn), cho kết quả điều trị khá tốt, tác dụng phụ ít hơn so với điều trị bằng hóa chất.

3. Ung thư dương vật có chữa khỏi được không?

Ung thư dương vật tuy không phổ biến và chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ các ca mắc ung thư ở nam giới, nhưng mức độ nguy hiểm của bệnh ung thư dương vật rất cao. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, ung thư dương vật có thể lan rộng sang các mô xung quanh như: bàng quang, hậu môn, tiểu khung và cả đường tiếp khớp, dẫn đến tình trạng di căn, gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và tăng cao nguy cơ tử vong của người bệnh. Điều trị sớm, ung thư dương vật thường có thể được chữa khỏi.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khi mắc bệnh ung thư dương vật là 79% nếu khối u gây ung thư ở giai đoạn đầu, chưa có hiện tượng di căn; 51% nếu khối u lan dần ra các khu vực lân cận và chỉ có 9% nếu khối u là di căn đến các khu vực, cơ quan xa khác của cơ thể người bệnh. Vì vậy, việc cần chăm sóc y tế đúng cách và phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong chữa trị ung thư dương vật và ngăn ngừa di căn.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến ung thư dương vật- Ảnh 2.

Ung thư dương vật thường gặp ở nam giới từ 50-70 tuổi.

4. Cách chăm sóc bệnh tại nhà

Trong quá trình điều trị ung thư đôi khi có thể gây ra tác dụng phụ làm cho cơ thể ít có khả năng chống lại nhiễm trùng. Do vậy, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với vi khuẩn, vi trùng bằng cách tắm rửa hàng ngày, thường xuyên rửa tay; sử dụng khăn lau sát trùng để khử trùng bề mặt da; hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người đang ốm, tránh xa những nơi như thùng đựng rác, bồn phun nước.

Ngoài ra, bệnh nhân cần ăn uống đúng cách là điều khó khăn cho các bệnh nhân ung thư dương vật bởi quá trình điều trị có thể làm thay đổi cảm giác, vị giác. Hơn nữa, các phương pháp điều trị có thể gây tác dụng phụ như: buồn nôn, ăn mất ngon, khó nuốt, mệt mỏi… Để khắc phục tình trạng này, bệnh nhân nên ăn các thức ăn lỏng, dễ nuốt và chia làm nhiều bữa ăn nhỏ, khoảng cách giữa các bữa ăn là 2 đến 3 giờ. Người bệnh cũng nên lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; luôn luôn rửa sạch trái cây và rau quả trước khi sử dụng…

Lưu ý, sau khi hoàn thành việc điều trị, người bệnh không được bỏ qua bất kỳ cuộc tái khám nào. Trong những lần này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và thực hiện một số xét nghiệm để phát hiện ung thư tái phát hoặc tác dụng phụ từ những phương pháp trước (nếu có). Một số trường hợp kéo dài từ vài tuần đến vài tháng hoặc đến hết phần đời còn lại.

Ban đầu, tần suất thăm khám và kiểm tra diễn ra thường xuyên, thường từ 3 – 6 tháng một lần trong 2 năm đầu, sau đó là 6 – 12 tháng một lần trong 3 – 5 năm. Thời gian giữa những lần này sẽ lâu hơn theo thời gian, sau đó tùy thuộc vào giai đoạn ung thư cũng như cách điều trị đã thực hiện.

5. Những lưu ý quan trọng với bệnh ung thư dương vật

Ung thư dương vật thường gặp ở nam giới từ 50-70 tuổi. Một vài yếu tố nguy cơ gây ung thư dương vật gồm: hẹp bao quy đầu, hút thuốc lá và nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao. Theo nghiên cứu, tình trạng hẹp bao quy đầu không được phẫu thuật thời niên thiếu sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dương vật thể xâm lấn hơn nhiều lần so với ung thư dương vật thể tại chỗ. Khoảng 35% trường hợp ung thư dương vật khai báo có tình trạng hẹp bao quy đầu nhưng không được can thiệp ở tuổi thiếu niên.

Việc hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư dương vật thể xâm lấn lên 4,5 lần và các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận 69,1% khối u dương tính với HPV16. Vì vậy, khi có bất thường vùng bao quy đầu (hẹp bao quy đầu) thì nên đi thăm khám sớm. Bên cạnh đó cần chung thủy một bạn tình, khi quan hệ tình dục phải sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn (bao cao su).

6. Chi phí khám chữa bệnh

Tùy theo từng giai đoạn, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị ung thư dương vật phù hợp, đảm bảo đem lại hiệu quả cao nhất và hạn chế rủi ro. Với y học hiện đại ung thư dương vật có thể điều trị phẫu thuật nội soi, giúp bệnh nhân nhanh bình phục tiết kiệm chi phí. Cắt bỏ dương vật do ung thư có vét hạch từ 11.000.000 - 13.000.000 đồng.

Kỹ thuật nội soi bệnh nhân sẽ chỉ phải rạch 3 - 4 đường mổ, mỗi đường mổ dài 1cm. Sau hậu phẫu 2 bệnh nhân có thể đi lại được, sau 7 ngày có thể ra viện. Còn với phương pháp mổ mở bệnh nhân sẽ phải rạch 30cm theo đường bẹn. Do đường mổ dài nên thời gian hậu phẫu mất từ 3 - 5 tuần, tăng thời gian nằm viện và chi phí điều trị.

Ung thư dương vật: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhUng thư dương vật: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Ung thư dương vật thường là ung thư phát triển từ lớp biểu mô của niêm mạc quy đầu, bao quy đầu và nhanh chóng che lấp bao quy đầu không thể kéo lên được nữa.



TS. BS. Nguyễn Văn Đức
Ý kiến của bạn