Câu hỏi thường gặp liên quan đến tự kỷ

07-06-2024 08:41 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tự kỷ là một trong những rối loạn nặng, làm suy yếu chức năng và cản trở cuộc sống nhiều nhất. Các rối loạn này xuất hiện sớm trong tiến trình phát triển ở trẻ em và dần dần thường ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.

Tự kỷ thường tự cô lập bản thân với thế giới xung quanh, thiếu tự chủ, không phát triển nhận thức, đi kèm với đó là những hành vi cứng nhắc, rập khuôn, lặp đi lặp lại nhiều lần, gây ra những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng cho trẻ.

1. Đông y có chữa được tự kỷ không?

Bệnh tự kỷ xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường được phát hiện trong độ tuổi từ 3 - 10, kéo dài mà không thuyên giảm. Vì vậy, đông y không thể chữa khỏi tự kỷ. Tuy vậy, có nhiều bài thuốc, châm cứu…. hỗ trợ điều trị căn bệnh này.

2. Cách xử trí khi bị tự kỷ

Tự kỷ có nhiều loại và nhiều biểu hiện cũng như triệu chứng khác nhau nên việc phát hiện và điều trị cũng gặp không ít khó khăn. Có nhiều phương pháp giúp cải thiện tình trạng tự kỷ nhưng không có cách nào được xem là tốt nhất. Vì vậy, cần có sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ để tìm ra được cách phù hợp nhất với từng đối tượng.

Phương pháp thường áp dụng để chữa tự kỷ ở trẻ là giáo dục can thiệp. Việc điều trị thường được thực hiện kết hợp xuyên suốt ở nhà và ở trường học một cách chặt chẽ và khoa học theo hướng dẫn của các chuyên gia.

  • Giúp trẻ cải thiện kỹ năng xã hội.
  • Xây dựng môi trường sống tích cực.
  • Xây dựng phương pháp can thiệp dựa vào thị giác hoặc các học thuyết nhận thức, hành vi,...

Vì vậy, khi phát hiện ra biểu hiện tự kỷ, nhất là đối với trẻ em, người thân hãy đưa trẻ đến khám và thực hiện các xét nghiệm khi có dấu hiệu của bệnh để có phương pháp điều trị tốt nhất và quá trình điều trị diễn ra hiệu quả nhất, kịp thời nhất.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến tự kỷ- Ảnh 1.

Mục tiêu của việc điều trị tự kỷ là cải thiện khả năng giao tiếp, hoạt động của trẻ bằng cách giảm các triệu chứng tự kỷ, hỗ trợ sự phát triển và học tập.

3. Tự kỷ có chữa khỏi được không?

Hiện không có thuốc nào chữa trị được tự kỷ cũng không có phương pháp điều trị chung nào phù hợp cho tất cả mọi người. Mục tiêu của việc điều trị là cải thiện khả năng giao tiếp, hoạt động của trẻ bằng cách giảm các triệu chứng tự kỷ, hỗ trợ sự phát triển và học tập. 

Can thiệp sớm trong những năm đầu đời có thể giúp trẻ học được các kỹ năng xã hội, giao tiếp và cải thiện hành vi của bản thân. Thông thường trẻ mắc chứng tự kỷ được phát hiện sớm và trị liệu vào giai đoạn trẻ 24 tháng tuổi là thời điểm chẩn đoán rõ nhất, dễ can thiệp nhất.

4. Cách chăm sóc bệnh tại nhà

Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, gia đình là môi trường tốt nhất đối với trẻ tự kỉ bởi đó là môi trường quen thuộc, trẻ có nhiều cơ hội được tham gia vào các hoạt động hàng ngày cùng với những người thân, được thực hành và luyện tập các kỹ năng.

Chính vì vậy, việc cha mẹ hiểu và nắm vững các kỹ năng dạy trẻ tự kỷ tại nhà vừa giúp các cán bộ y tế thúc đẩy tiến độ của việc điều trị, mặt khác, còn tiết kiệm được thời gian và chi phí thời gian và kinh phí trong quá trình can thiệp.

Để thực hiện được các kỹ năng này, cha mẹ lưu ý một số yêu cầu sau:

  • Bắt đầu bằng những đồ chơi, hoạt động mà trẻ thích. Đó là con đường dẫn dắt cha mẹ đến với thế giới của trẻ.
  • Kiên trì thực hiện bởi trẻ sẽ không chú ý và tương tác ngay từ lần đầu tiên.
  • Luôn luôn tạo không khí vui vẻ để trẻ cảm thấy thoải mái và hứng thú tham gia hoạt động hơn.
  • Dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi, trong bất kì tình huống nào, trong mọi hoạt động của gia đình.

Bố mẹ cần trang bị hiểu biết con đang gặp khó khăn ở lĩnh vực nào, như vận động thô (sự phát triển và phối hợp của các nhóm cơ lớn như lăn, bò trườn, đi, chạy, xoay người...), vận động tinh (khả năng điều khiển bàn tay và các ngón tay), ngôn ngữ, nhận thức, hành vi cá nhân hay xã hội. Trẻ có thật sự chỉ ít vốn từ hay chỉ thiếu tập trung, có tăng động giảm chú ý kèm theo, hành vi của rối loạn phát triển hay hành vi từ môi trường giáo dục...

Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, táo bón mạn hay tiêu chảy vì dị ứng sữa... ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, thì gia đình cần điều chỉnh chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý giúp cho trẻ phát triển toàn diện.

Tóm lại, gia đình là nhân tố rất quan trọng trong cuộc sống của trẻ, mọi thành viên trong gia đình đều tiếp xúc với trẻ hàng ngày, kích thích sự phát triển về mọi mặt của trẻ, nhất là ngôn ngữ và kỹ năng nhận biết về môi trường xung quanh.

Việc cha mẹ nắm vững các kỹ năng cơ bản để dạy trẻ tự kỷ tại nhà không chỉ giúp các cán bộ y tế thúc đẩy tiến độ của việc điều trị, mà còn tiết kiệm được thời gian và chi phí trong quá trình can thiệp như: Chơi và dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi ít nhất 3 giờ/ngày; cho trẻ đếp lớp, hạn chế xem tivi; dạy trẻ chỉ ngón trỏ vào bộ phận cơ thể, đồ vật, tranh ảnh; dạy cử chỉ giao tiếp: chào, ạ, xin, bắt tay, hoan hô…

Dạy cách chơi đồ chơi và chơi với người khác. Giao tiếp bằng tranh để đổi lấy thứ trẻ cần; sai trẻ làm việc đơn giản, thực hiện mệnh lệnh; vận động tinh như: xếp, ghép, vẽ tô, xâu, cắm, xé, cắt dán; vận động thô như: đi bộ, bò, lăn, nhảy, trượt, thể dục, đạp xe, lăn bóng...

5. Những lưu ý quan trọng khi bị tự kỷ

Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác và chưa có phương pháp nào được chứng minh có thể chữa khỏi tự kỷ, việc can thiệp sớm, đúng hướng mang lại những hiệu quả tích cực.

Trẻ tự kỷ không chỉ có khiếm khuyết đơn thuần về ngôn ngữ mà còn có các rối loạn hành vi, kỹ năng, cảm giác, cảm xúc… nên cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau, đặc biệt các can thiệp dựa trên bằng chứng nhằm giúp trẻ học được các kỹ năng và hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Ngoài hai phương pháp can thiệp chính là ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu, trẻ tự kỷ đến điều trị tại bệnh viện còn được can thiệp bằng điện trị liệu, oxy cao áp, y học cổ truyền và các phương pháp can thiệp mở rộng khác như can thiệp hành vi ABA, điều hòa giác quan, chơi trị liệu, âm nhạc trị liệu…

Trẻ rất khó để học bằng bắt chước, do đó trẻ cần được dạy chính xác về việc nên làm. Vì vậy, hỗ trợ trẻ khi cần là cần thiết.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến tự kỷ- Ảnh 2.

Cha mẹ đừng mặc cảm, không chủ quan, không bỏ rơi trẻ. Luôn ở bên con và dành thời gian dạy con, có sự quan tâm đặc biệt của mình để giúp con chiến thắng tự kỷ.

Các bước trợ giúp trẻ như sau:

  • Làm mẫu cách làm: Làm mẫu các kỹ năng hoặc cách chơi để trẻ quan sát và bắt chước làm theo, nếu trẻ không bắt chước, chuyển sang bước tiếp theo.
  • Cầm tay chỉ việc hoàn toàn: Hoàn toàn cầm tay trẻ thực hiện nhiệm vụ
  • Cầm tay chỉ việc một phần: Cầm tay trẻ để nhắc nhở, sau đó để trẻ tự thực hiện; hoặc đẩy nhẹ tay trẻ để trẻ biết cần phải làm gì.
  • Nhắc nhở, hỗ trợ trẻ bằng hành động và cử chỉ kèm lời nói
  • Nhắc nhở, hỗ trợ trẻ bằng ánh mắt kèm lời nói
  • Nhắc nhở bằng trẻ lời nói

Những cơn giận dữ và những hành vi không phù hợp khác thường xuất phát từ nhu cầu giao tiếp của trẻ tự kỷ. Do đó, cha mẹ có thể tìm cách thực hiện một hệ thống khen thưởng đối với hành vi tích cực và có những hình phạt đối với hành vi tiêu cực. Thực hiện theo kế hoạch này một cách nhất quán có thể giúp đứa trẻ hiểu được hậu quả của hành động của chúng.

Cha mẹ đừng mặc cảm, không chủ quan, không bỏ rơi trẻ cũng đừng để cho ai kỳ thị trẻ, hãy kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, luôn ở bên con và dành thời gian dạy con, có sự quan tâm đặc biệt của mình để giúp con chiến thắng tự kỷ.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ trên toàn cầu đã tăng dần theo thời gian. Cụ thể, thời điểm mới phát hiện vào năm 1970, bệnh có tỷ lệ chỉ 1/10.000 trẻ. Đến năm 2000, tỷ lệ trên đã lên đến 1/150 (0.67%). Gần nhất năm 2023 theo CDC Hoa kỳ, tỷ lệ này đã đạt tới 1/36, trong đó tỷ lệ bệnh nhân nam so với nữ là 4/1.

Riêng tại Việt Nam, hiện nay chưa có nhiều con số thống kê chính xác tỷ lệ trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ. Theo công bố của Tổng cục Thống kê (tháng 1/2019), nước ta có khoảng 1 triệu người bị tự kỷ. Tỷ lệ trẻ em mắc tự kỷ ước tính là 1% số trẻ sinh ra.

Còn tại khoa Tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng 1, báo cáo các năm 2021-2022 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhi tự kỷ dao động trong khoảng 1,5-2%. Các nhà chuyên môn nhận định, số lượng trẻ em tự kỷ tại Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, do nhận thức của cộng đồng xã hội và các bậc phụ huynh về rối loạn phổ tự kỷ ngày càng sâu rộng hơn.

Về tình hình chung, hiện nay tự kỷ không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh cũng được xem là rối loạn phát triển mạn tính, có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến sự phát triển tối ưu của trẻ.

Hiện mỗi lần khám tự kỷ là 250.000 đồng - 500.000 đồng chưa bao gồm các chi phí xét nghiệm khác nếu cần thiết. Đối với chi phí cho lộ trình điều trị còn tùy vào bệnh lý, mức độ nghiêm trọng, kế hoạch điều trị mà chuyên gia tư vấn cho bệnh nhân. Nếu có kết hợp dùng thuốc thì cần thêm khoản phí này.

Trẻ có khả năng hòa nhập xã hội được hay không còn tùy thuộc vào mức độ bệnh và khả năng của bé. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và can thiệp thích hợp, trẻ có nhiều cơ hội cải thiện hòa nhập, thích nghi và có cơ may sống tự lập, kể cả thành công ở tuổi trưởng thành.

Các phương pháp can thiệp hiệu quả với trẻ tự kỷCác phương pháp can thiệp hiệu quả với trẻ tự kỷ

SKĐS - Phương pháp can thiệp có kiểm chứng là những phương pháp đã qua nghiên cứu nghiêm túc và có bằng chứng đồng nhất, liên tục cho thấy trẻ tự kỷ có thêm kỹ năng nhờ được can thiệp.


BS. Nguyễn Thanh Phương
Ý kiến của bạn