Câu hỏi thường gặp liên quan đến són tiểu

19-08-2024 12:14 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Són tiểu (tiểu không kiểm soát) là tình trạng rò rỉ nước tiểu ra ngoài không tự chủ, có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới, nhưng phổ biến nhất là phụ nữ sau sinh và phụ nữ bước sang tuổi mãn kinh. Són tiểu gây nhiều phiền toái, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng sống.

1. Đông y có chữa được són tiểu hay không?

Nguyên nhân dẫn đến són tiểu là do hội chứng bàng quang tăng hoạt, ảnh hưởng đến khả năng chứa đựng và kiểm soát hoạt động tiểu tiện. Các rối loạn tiểu tiện như: tiểu nhiều lần, tiểu són, tiểu đêm, tiểu gấp có thể ảnh hưởng đến công việc, giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.

Để cải thiện tình trạng này, ngoài điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa, người bệnh có thể tham khảo, sử dụng các biện pháp giúp tăng cường sức khỏe cơ bàng quang, tăng khả năng chứa đựng nước tiểu ở một số bài thuốc đông y như:

Cao bạch tật lê: Vị thuốc có tác dụng lợi tiểu và bổ thận, dùng để điều trị sỏi thận, sỏi bàng quang, tiểu rắt, tiểu buốt…

Cao chi tử: Trong đông y, chi tử là vị thuốc có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, mát huyết, tiêu viêm. Chi tử được ứng dụng nhiều trong các bài thuốc chữa tiểu ít, tiểu khó, tiểu ra máu.

Cao trinh nữ hoàng cung: Trinh nữ hoàng cung có vị đắng, chát, được dùng phổ biến chữa các bệnh về ung thư và đường tiết niệu. Theo y học hiện đại, thành phần trong trinh nữ hoàng cung có tác dụng điều trị suy giảm miễn dịch, phì đại tiền liệt tuyến, kháng khuẩn, kháng virus, chống oxy hóa và khối u,...

Tuy nhiên, người bệnh nên tìm hiểu kỹ cũng như tham khảo các bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc đông y. Đặc biệt, cần chú ý, tránh xa các thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc để chữa són tiểu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

2. Cách chăm sóc bệnh nhân mắc són tiểu

Tăng cường tập thể dục thể thao, đặc biệt là các bài tập đến cơ sàn chậu, bàng quang... rất hữu ích cho người bệnh són tiểu. Ngoài ra, người bệnh tránh các đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ uống có gas, thực phẩm chứa caffeine, thực phẩm có tính axit, rượu bia và giữ mức cân nặng hợp lí.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến són tiểu- Ảnh 1.

Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung chất xơ cho cơ thể.

Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung chất xơ cho cơ thể. Nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, mệt mỏi. Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt nên thực hiện các bài tập tăng cường sức khỏe cơ bàng quang như bài tập kegel, yoga, bài tập nón âm đạo, bài tập bóp bóng sàn chậu…

Ngoài ra, bệnh nhân cần thay đổi thói quen sinh hoạt thường ngày giúp bệnh nhân cải thiện chứng rối loạn chức năng bàng quang theo thời gian. Cụ thể như:

Đi vệ sinh đúng giờ: Tạo thói quen đi vệ sinh theo khung giờ cố định, đặc biệt là buổi sáng khi thức dậy. Phương pháp này đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì, đi tiểu đúng giờ ngay cả khi không có cảm giác buồn tiểu. Vào ban đêm, chỉ đi vệ sinh trong trường hợp thực sự cần thiết hoặc thức giấc.

Thả lỏng cơ thể sau khi tiểu: Sau khi tiểu xong, hãy cúi người về phía trước và lắc lư hông qua lại nhẹ nhàng, thả lỏng cơ sàn chậu. Việc làm này giúp giải phóng tối đa lượng nước tiểu, làm rỗng bàng quang tốt hơn.

Nạp đủ nước: Trung bình mỗi ngày bệnh nhân cần nạp trên 1,5 lít nước và chất lỏng khác. Hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, caffeine.

3. Són tiểu có chữa khỏi không?

Câu hỏi thường gặp liên quan đến són tiểu- Ảnh 2.

Các bài tập tăng cường sức khỏe cơ sàn chậu hỗ trợ bàng quang như bài tập kegel, yoga...cải thiện phần nào người bệnh mắc són tiểu.

Tiểu són nếu được phát hiện sớm và được điều trị kịp thời thì có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, tiểu són có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây ra tâm lý xấu hổ, tự ti, cô lập và trầm cảm.

Ngoài ra, tình trạng tiểu són mạn tính cũng có thể làm tăng nguy cơ bị những biến chứng nguy hiểm hơn. Cụ thể như sau:

Các vấn đề về da: Són tiểu có thể gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc, tổn thương da ở những vùng thường xuyên bị ẩm ướt. Lâu dần sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, nấm, xuất hiện các vết loét, phát ban gây đau và khó chịu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu: Thường gặp khi người bệnh cần sử dụng ống thông tiểu để điều trị. Trường hợp này nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ra nhiễm trùng đường tiểu và thậm chí dẫn đến tử vong.

Sa vùng chậu: Một phần của âm đạo, bàng quang hoặc niệu đạo có thể bị rơi xuống lối vào của âm đạo. Thường xảy ra do cơ sàn chậu bị suy yếu.

Một số ảnh hưởng khác: Mất ngủ vào ban đêm, viêm mô tế bào, phiền muộn, xa lánh xã hội, rối loạn chức năng tình dục do xấu hổ,…

4. Lưu ý với người béo phì, tiểu đường, mang bầu… khi mắc són tiểu

Dư thừa cân nặng có thể làm tăng áp lực lên bàng quang cũng như các cơ quan xung quanh. Điều này sẽ khiến chúng bị suy yếu và tạo điều kiện cho nước tiểu thoát ra ngoài khi bạn hắt hơi, ho,… Do vậy, những người béo phì mắc són tiểu cần phải có kế hoạch giảm cân hợp lý để duy trì được mức BMI (mối liên quan giữa chiều cao và cân nặng của một người) ổn định.

  • Thừa cân, béo phì

Người béo phì mắc són tiểu cần đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều trị phù hợp cũng như theo dõi thường xuyên trong quá trình chữa bệnh.

  • Người bị tiểu đường

Sẽ gây ra một số biến chứng ở bàng quang, khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên hoặc tiểu không tự chủ. Khi người bệnh ở tình trạng đường huyết cao cũng có thể dẫn đến việc tiểu không tự chủ. Vì thế, người bệnh tiểu đường cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.

Việc điều trị cho người bệnh tiểu đường cần kết hợp giữa chuyên khoa tiết niệu và nội tiết để tìm ra phương án tốt nhất. Người bệnh sẽ phải giữ mức đường huyết ổn định để quá trình điều trị són tiểu được hiệu quả.

  • Đối với phụ nữ đang mang thai

Tử cung ngày càng lớn sẽ chèn ép các cơ quan, gây áp lực lên bàng quang. Vì thế phụ nữ sẽ đi tiểu nhiều hơn và thường xuyên dẫn đến tình trạng són tiểu. Những trường hợp gần đến ngày sinh nở, hiện tượng són tiểu cũng dễ gây nhầm lẫn với tình trạng rỉ ối.

  • Đối với phụ nữ sau sinh

Nhất là những chị em đã trải qua nhiều lần sinh nở, thai nhi có trọng lượng lớn,… có thể dẫn tới tình trạng cơ sàn chậu bị suy yếu. Ngoài ra, những trường hợp gặp phải di chứng sa tử cung và bàng quang cũng có thể dẫn đến són tiểu.

  • Đối với phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh

Cơ thể bị sụt giảm nội tiết tố đáng kể khiến cho mô niêm mạc bàng quang và niệu đạo bị yếu đi, từ đó làm tăng nguy cơ són tiểu.


Với những trường hợp này, người bệnh nên có chế độ ăn uống, chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý sau sinh. Ngoài ra, tăng cường luyện tập thể dục, các bài tập tăng cường sức khỏe cơ sàn chậu hỗ trợ bàng quang như bài tập kegel, yoga...


5. Chi phí khám chữa người mắc són tiểu

Són tiểu có thể có các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với những bệnh về đường tiết niệu khác. Do đó, khi có triệu chứng bất thường, người bệnh cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác cũng như được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Thông thường, bệnh nhân sẽ được thăm khám lâm sàng và làm một số chỉ định như: tổng phân tích nước tiểu, siêu âm hệ tiết niệu, nội soi bàng quang, niệu động học…

Mức chi phí được bảo hiểm y tế hỗ trợ sẽ tùy theo những trường hợp bệnh và chính sách của bảo hiểm trong thời điểm người bệnh điều trị. Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ.


Són tiểu sau sinh và các biện pháp phòng ngừa hiệu quảSón tiểu sau sinh và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả

SKĐS - Són tiểu là một trong những triệu chứng thường gặp trong bệnh lý rối loạn chức năng sàn chậu.

Phẫu Thuật Lấy Mảnh Đạn Găm Trong Vùng Hàm Mặt Đã 56 Năm | SKĐS


BSCKII Trần Đức Trọng
Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa TP Vinh)
Ý kiến của bạn