Câu hỏi thường gặp liên quan đến nứt kẽ hậu môn

17-10-2024 09:26 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nứt kẽ hậu môn là tình trạng những vết rách ở niêm mạc hậu môn gây đau đớn, chảy máu, đặc biệt là khi đi đại tiện.

1. Nứt kẽ hậu môn là gì?

Nứt kẽ hậu môn (nứt hậu môn) là một vết rách nhỏ nằm ở ống hậu môn và gây đau, chảy máu khi đại tiện. Nứt kẽ hậu môn thường xuyên xảy ra trong mỗi chúng ta, và thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác ở vùng hậu môn, như bệnh trĩ.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến nứt kẽ hậu môn- Ảnh 1.

Hình ảnh nứt kẽ hậu môn.

2. Nứt kẽ hậu môn có điều trị được bằng Đông y?

Theo Đông y, nứt kẽ hậu môn thường do huyết nhiệt và âm hư gây ứ trệ nhiệt, độc và táo ở giang môn (hậu môn), ngoại tà xâm nhập kinh lạc dẫn đến khí huyết không thông, từ đó gây ra viêm loét không khỏi. Từ đó khiến cho vùng này bị tổn thương, hình thành các vết nứt.

Để điều trị chứng bệnh này, Đông y thường áp dụng các bài thuốc, vị thuốc có tác dụng giải độc, thanh nhiệt nhằm trừ huyết ứ và nhiệt độc ở giang môn.

Áp dụng các bài thuốc y học cổ truyền có thể giảm bớt các cơn đau, hạn chế táo bón, hỗ trợ phục hồi vết nứt, lành niêm mạc.

Tuy nhiên, các phương pháp điều trị y học cổ truyền chỉ phù hợp với những trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình, bệnh cấp tính mà chưa có biến chứng. Nếu vết nứt ở hậu môn ăn sâu vào niêm mạc gây chảy máu kéo dài thì bạn nên đến các cơ sở y tế để được điều trị bằng các phương pháp chuyên sâu.

Việc sử dụng các bài thuốc Đông y cần theo đúng tình trạng sức khỏe. Tuyệt đối không sử dụng theo lời mách bảo.

3. Nứt kẽ hậu môn có tự khỏi được không?

Nứt kẽ hậu môn có tự khỏi được không còn liên quan đến rất nhiều yếu tố cá nhân khác. Vẫn có những trường hợp nứt kẽ hậu môn tự khỏi, tuy nhiên đó là những vết nứt nhẹ, kích thước nhỏ và nông.

Những nguyên nhân như đại tiện khó khăn, căng da hậu môn… gây tổn thương nhẹ đến niêm mạc hậu môn thường tạo thành vết nứt tạm thời. Những vết nứt này có khả năng tự khỏi cao nếu người bệnh biết cách giữ gìn, không để tình trạng nứt kẽ hậu môn nặng hơn.

Người bệnh cần thời gian để vết nứt tự lành, đồng thời cần theo dõi tình trạng sức khỏe, triệu chứng bệnh. Nếu vết nứt hậu môn không thể tự khỏi mà tiến triển nặng hơn, cần ngay lập tức đến khám với bác sĩ trĩ – hậu môn – trực tràng hoặc bác sĩ tiêu hóa để được chẩn đoán và nhận điều trị, ngăn tiến triển thành nứt kẽ hậu môn mạn tính.

4. Những ai có nguy cơ nứt kẽ hậu môn?

Những người có nguy cơ nứt kẽ hậu môn bao gồm:

  • Nứt hậu môn thường gặp ở trường hợp trẻ sơ sinh.
  • Người già/ lớn tuổi cũng dễ bị nứt hậu môn do lưu lượng máu ở vùng hậu môn trực tràng giảm.
  • Phụ nữ trong và sau sinh cũng có nguy cơ cao mắc nứt hậu môn do quá trình rặn đẻ;
  • Những người bị viêm ruột cũng có nguy cơ cao bị nứt hậu môn. Tình trạng viêm xảy ra tại niêm mạc ruột từ đó cũng khiến các mô xung quanh hậu môn dễ bị rách.
  • Nguy cơ bị nứt hậu môn cũng hay gặp ở những người thường xuyên bị táo bón. Đi ngoài ra phân cứng và to là những nguyên nhân phổ biến nhất của nứt hậu môn.
  • Người thường xuyên ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm có lượng chất béo bão hòa cao, ăn ít chất xơ.
  • Những người ít vận động.
  • Người mắc bệnh Corhn.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến nứt kẽ hậu môn- Ảnh 2.

Người thường xuyên bị táo bón có nguy cơ nứt kẽ hậu môn. (Ảnh minh họa)

5. Nứt kẽ hậu môn có tái phát không?

Những vết nứt kẽ hậu môn thường rất dễ tái phát. Sau khi điều trị khỏi, bệnh thường tái phát sau khi đại tiện phân rắn hoặc do những nguyên nhân chấn thương khác. Khi đã điều trị khỏi, đại tiện hết đau và chảy máu thì việc duy trì chế độ ăn và sinh hoạt để không bị táo bón là rất quan trọng để tránh tái phát. Nếu bệnh tái phát bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa hậu môn - trực tràng để khám và điều trị.

6. Nứt kẽ hậu môn gây biến chứng gì?

Các vết nứt hậu môn thường không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nứt kẽ hậu môn cũng có nguy cơ dẫn đến một số biến chứng sau nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời:

6.1. Không thể chữa lành các vết nứt kẽ hậu môn:

Vết nứt hậu môn nếu không được chữa lành trong vòng 6 – 8 tuần trở lại có thể tiến triển thành mạn tính, đòi hỏi quá trình điều trị phức tạp.

6.2. Nguy cơ tái phát:

Nứt kẽ hậu môn có nguy cơ tái phát cao, nếu từng có tiền sử trước đó, người bệnh rất dễ gặp phải vết nứt mới.

6.3. Vết rách kéo dài đến các cơ xung quanh:

Vết nứt trên hậu môn có thể mở rộng đến cơ vòng bên trong khiến quá trình chữa lành càng thêm khó khăn.

7. Nứt kẽ hậu môn có thể dẫn đến ung thư không?

Câu trả  lời là không. Đại tiện đau và chảy máu cũng là những dấu hiệu của một số bệnh khác của đường tiêu hoá và ung thư đại trực tràng. Khi có những dấu hiệu của nứt kẽ hậu môn, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa hậu môn - trực tràng để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra nhưng biến chứng không đáng có.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến nứt kẽ hậu môn- Ảnh 3.

Khi có những dấu hiệu của nứt kẽ hậu môn, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa hậu môn - trực tràng để được phát hiện và điều trị sớm. (Ảnh minh họa)

8. Chi phí khám, điều trị nứt kẽ hậu môn như thế nào?

Chẩn đoán nứt kẽ hậu môn chủ yếu dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng (đại tiện đau, chảy máu đỏ tươi). Soi đại tràng ống mềm, hoặc đo áp lực hậu môn là những phương pháp để xác định nguyên nhân và loại trừ các bệnh phối hợp khác (viêm loét, ung thư đại trực tràng…).

Chi phí khám hậu môn - trực tràng và nội soi đại tràng có giá từ 150.000 đồng đến 2.204.000 đồng.

Nếu bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ được cơ quan bảo hiểm chi trả theo quy định hiện hành.


BS. Nguyễn Thị Hằng
Ý kiến của bạn